Chung tay hành động vì môi trường

Môi trường luôn là vấn đề được các cấp, các ngành và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống con người. Vì vậy, việc chung tay xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện không chỉ của riêng ai mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng xã hội. Trên thực tế, thời gian qua, đã có không ít tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh xây dựng những mô hình, ý tưởng hay, hữu ích nhằm bảo vệ môi trường.

Hội Nông dân tỉnh tập huấn phương pháp sử dụng vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ cho các hộ nông dân trong tỉnh. Ảnh: Thái Học

Hội Nông dân tỉnh tập huấn phương pháp sử dụng vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ cho các hộ nông dân trong tỉnh. Ảnh: Thái Học

Biến rác thải thành phân hữu cơ

Công tác thu gom, xử lý rác thải đã và đang là vấn đề nan giải không chỉ ở khu vực đô thị, mà còn cả ở những vùng nông thôn. Để từng bước giải quyết vấn đề này, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình "Nông dân thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình" qua đó mang lại những hiệu quả thiết thực.

Là một trong các hộ dân đầu tiên tham gia mô hình, ông Dương Văn Tuệ, xóm Dầu, xã Yên Thái, huyện Yên Mô, chia sẻ: Trước đây lượng rác thải sinh hoạt của gia đình chị cũng tương đối nhiều, trong đó, rác hữu cơ như rau, lá cây, thức ăn dư thừa và rác thải vô cơ gồm túi nilong, vỏ chai nhựa… để lẫn lộn vào với nhau. Tuy nhiên, do vài ngày xe vận chuyển mới thu gom rác một lần, nên tạo mùi hôi, ảnh hưởng môi trường.

Từ ngày tham gia dự án, gia đình ông được hỗ trợ 2 xô, 1 thùng ủ, men vi sinh để phân loại kết hợp với xử lý rác hữu cơ thành phân bón. "Nhờ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cặn kẽ nên quá trình tôi thực hiện không có gì khó khăn. Chỉ cần biết cách phân loại rác và quản lý tốt đôậ̉m trong thùng ủ thì chỉ sau 30- 40 ngày những phế phẩm bỏ đi đã trở thành nguồn phân bón hữu ích cho cây trồng. Lượng rác thải giảm hẳn mà môi trường cũng tốt hơn." - ông Tuệ hồ hởi nói.

Đồng chí Hoàng Ngọc Chinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Từ mô hình ban đầu triển khai ở xã Yên Thái, đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã nhân rộng ra nhiều địa phương khác như: Yên Quang (huyện Nho Quan), Gia Thịnh, Gia Hưng (huyện Gia Viễn), Ninh Hải, Ninh Xuân (huyện Hoa Lư)... với sự tham gia của hàng nghìn hộ nông dân. Hội kỳ vọng, mô hình này sẽ tạo ra tính lan tỏa, từng bước xây dựng lối sống thân thiện với môi tường, giữ gìn vệ sinh trong hội viên, nhân dân, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, hài hòa với thiên nhiên.

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản

Với gần 22.500 ha diện tích mặt nước, 113 km sông, 18 km đường bờ biển, Ninh Bình được coi là địa phương giàu nguồn lợi thủy, hải sản. Tuy nhiên, với việc gia tăng các hoạt động đánh bắt, khai thác mang tính chất hủy diệt, cộng thêm vấn nạn ô nhiễm môi trường đang khiến nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên trên địa bàn tỉnh ngày một suy giảm. Nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, khoảng chục năm trở lại đây, Sở Nông nghiệp và PTNT trực tiếp là Chi cục Thủy sản đã thường xuyên tổ chức các chương trình thả cá xuống các vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh.

Năm 2020- 2022, thả 54 nghìn con giống các loại, bao gồm: 31.500 con cá chép Việt, 17.500 con cá chuối, 5.150 con cá trôi. Riêng năm 2023, tiến hành thả 19.000 con cá chép Việt, 15.400 con cá vược.

Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền thả cá phóng sinh, đặc biệt trong các dịp cao điểm người dân và tăng ni, phật tử thực hành phóng sinh như ngày ông Công, ông Táo, rằm tháng Giêng, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan… Từ đó giúp người dân thực hành phóng sinh một cách có hiểu biết và trách nhiệm với môi trường sinh thái, chỉ thả phóng sinh các loài phù hợp với thủy vực tại địa phương với kỹ thuật phóng sinh phù hợp, không thả các loài ngoại lai, có nguy cơ xâm hại môi trường.

Thả cá phóng sinh giờ đây, đã trở thành một hoạt động thường xuyên, không chỉ ở một tổ chức, cá nhân mà còn nhân rộng ra toàn xã hội. Qua đó, góp phần duy trì tính đa dạng sinh học và giữ gìn nguồn tài nguyên vô giá không chỉ cho thế hệ hôm nay mà bồi đắp cho cả thế hệ mai sau.

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại cửa Đáy, huyện Kim Sơn. Ảnh: Hoàng Hiệp

Lan tỏa lối sống xanh

Cùng với mô hình "Nông dân thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình" của Hội Nông dân, hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản của ngành Nông nghiệp, thời gian qua, đã có không ít tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có những mô hình, ý tưởng hay, hữu ích nhằm bảo vệ môi trường.

Như các mô hình "Bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật"; "Sử dụng làn nhựa đi chợ, hạn chế sử dụng ni-lông"; "Tiết kiệm từ thu gom phế liệu giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn" của Hội Phụ nữ các cấp. Tại các cơ quan, công sở, có phong trào thay thế chai nước dùng một lần bằng bình thủy tinh, sử dụng kẹp tài liệu bằng giấy thay vì nilon...

Các trường học đã tăng cường việc tuyên truyền nhằm xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh bằng những việc làm cụ thể như không dùng giấy nilon bọc sách, vở; vận động các cơ sở đoàn, trường học và người dân thu gom phế liệu tái chế được như vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy... để đổi sách, các vật dụng hoặc cây xanh trang trí.

Với nhiều mô hình thiết thực và ý nghĩa, hiện nay việc bảo vệ môi trường đang dần trở thành nếp nghĩ, việc làm thường xuyên của mỗi người dân. Thực chất, sống xanh không có gì khó khăn hay cầu kì. Chỉ cần tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, tránh lãng phí thực phẩm, tái sử dụng đồ vật, sử dụng những vật liệu tái sử dụng, hạn chế rác thải nhựa, đặc biệt là thay đổi phương thức di chuyển hoặc sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Việc làm này của chúng ta sẽ góp phần giảm khí carbon thải ra môi trường, giảm thiểu gánh nặng đặt lên thiên nhiên. Môi trường được bảo vệ, chính là đảm bảo sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và gia tăng chất lượng sống.

Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chung-tay-hanh-dong-vi-moi-truong/d20230421083740519.htm