Chuyện đi học xưa và truyền thống hiếu học của người Việt

Truyền thống hiếu học của người Việt là một giá trị văn hóa quý báu đã được truyền từ đời này sang đời khác. Tinh thần ấy được thể hiện từ trong những câu chuyện đi học của người xưa, những tấm gương vượt khó hiếu học, cho đến tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, trọng việc học của thế hệ hôm nay.

Một lớp học của người Việt ngày xưa. (Ảnh tư liệu).

Một lớp học của người Việt ngày xưa. (Ảnh tư liệu).

Trân trọng đạo học, kính chữ thánh hiền

Trong suốt thời kỳ từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, nền giáo dục của nước ta đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Nho học từ Trung Quốc. Chữ Nho được dùng như loại chữ chính thống trong nhà trường, thi cử. Trong thời kỳ này, chỉ có nam giới mới được phép trở thành thầy giáo, hay còn gọi là thầy đồ. Họ là những nhà Nho có kiến thức sâu rộng, có thể đã thi đỗ hoặc chưa, nhưng đều có chung niềm đam mê với nghề dạy học. Người trở thành thầy đồ phải là những người có lối sống đạo đức, gương mẫu, được học trò và người dân trong vùng hết lòng kính trọng.

Người Việt từ xưa vốn đã trọng sự học, không chỉ gia đình có của ăn, của để mà ngay cả gia đình nghèo khó, cha mẹ vẫn đau đáu mong muốn cho con được đi học, biết chữ, xa hơn là đỗ đạt, công danh. Thế nên, khi con trẻ đến tuổi đi học (cũng như thời nay, từ xưa trẻ 5 - 7 tuổi sẽ bắt đầu theo học các thầy đồ), các bậc cha mẹ đã đến ngỏ lời, mong thầy nhận dạy con mình. Để được các thầy đồ nhận dạy, quan trọng nhất không phải là học phí mà là tinh thần “tôn sư trọng đạo”, hiếu học của cha mẹ và học trò. Cha mẹ muốn con mình theo học thầy đồ đều chuẩn bị, sắm sửa lễ vật cho đúng với lễ giáo, quy tắc của đạo Nho. Lễ vật bao gồm cau, trầu, rượu, hương, đèn, xôi, gà để làm lễ trước bàn thờ Khổng Tử rồi mới được nhận vào học. Nhà nào có người đi học, không những người trong nhà mà cả làng xóm đều coi trọng, quý mến.Tùy theo trình độ và khả năng của thầy làng mà mỗi trường chia làm 4 lớp từ thấp đến cao lần lượt là Ấu học, Sơ học, Trung học, Cao học. Sách học thời xưa gồm có Tam tự kinh, Tứ thư, Ngũ kinh sẽ theo mỗi người học trò suốt cuộc đời học tập của mình. Trong đó, Tam tự kinh là cuốn sách dạy vỡ lòng cho trẻ con mới bắt đầu đi học. Sách gồm tập hợp những câu ngắn gọn đơn giản, chỉ có 3 chữ để dễ học. Nội dung sách bao trùm khá nhiều lĩnh vực, từ đạo đức, cuộc sống cho tới địa lý, lịch sử được nhà Nho - Vương Ứng Lân người Trung Quốc biên soạn vào đời nhà Tống (năm 960 - 1279). Từ thuở khai tâm, người học trò thời xưa đã được thầy dạy nằm lòng tư tưởng của người đi học: “Học tập để biết cách tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Sau lớp vỡ lòng, học trò sẽ được dạy văn thơ cùng đạo đức của Nho gia. Cao hơn nữa thì trò phải tự làm thơ phú, diễn giảng được các kinh sách, điển cố cũng như tư tưởng của các bậc thánh hiền. Nghe thì nhiều như thế, nhưng thực tế, theo các nhà nghiên cứu, việc học của ông cha ta xưa không phải cốt yếu ở cố gắng ôm đồm kiến thức mà là chắt lọc tinh túy, học để thay đổi tư duy, nâng cao tư tưởng, kinh bang tế thế.

Con đường của người học trò khi bước chân vào việc học cũng chỉ có một mục đích duy nhất: Học hành, thi cử, đỗ đạt làm quan, với mục tiêu lớn lao là báo ơn vua, đền nợ nước, giúp đời, giúp người. Vì tâm niệm mục đích của việc học và mục tiêu của đời người như thế, nên đã số sĩ tử thời xưa đều rất nghiêm túc, hăng say, kiên trì với việc học tập, học hành không ngơi nghỉ.

Trong quá trình đi học, ngoài tinh thần “tôn sư trọng đạo” thì kính chữ thánh hiền, nghiêm cẩn với việc học là thái độ không thể thiếu của mỗi người học trò. Người học trò khi ngồi học phải ngồi thẳng lưng, sách vở phải xếp ngăn nắp trên bàn, sách vở cũng phải luôn thẳng tắp, không nhăn nhúm, nhầu nhĩ. Người xưa quan niệm, chữ là chữ của thánh hiền. Khi viết ra, nếu muốn bỏ thì phải vò lại, để riêng một chỗ và cuối buổi học đem ra đốt chứ không đươc vứt lung tung, sử dụng vào mục đích khác. Học trò nhà nghèo, khi tập viết, không có nhiều giấy để tập thường lấy cây viết chữ ra đất, khi tập viết xong phải xóa chữ đi, không được để người đi qua lại giẫm đạp lên chữ vì như vậy là thiếu tôn trọng chữ nghĩa thánh hiền. Những quy tắc ấy đã được những người học trò nằm lòng từ thuở mới bước chân vào lớp học của thầy đồ.

Tiếp nối truyền thống hiếu học

Cô bé vùng cao vượt khó cõng em đi học và ôn bài mỗi ngày. (Ảnh: VNN).

Cô bé vùng cao vượt khó cõng em đi học và ôn bài mỗi ngày. (Ảnh: VNN).

Truyền thống hiếu học của người Việt, từ xưa đã được thể hiện rất rõ ràng. Trong sử sách, có nhiều tấm gương hiếu học đã trở thành những “huyền thoại” mà mỗi người học trò đều nhớ nằm lòng, gắng noi theo.

Như câu chuyện về Mạc Đĩnh Chi. Ông sinh ra trong gia đình nghèo, mồ côi cha từ nhỏ, hàng ngày, hai mẹ con phải vào rừng đốn củi bán. Với tinh thần hiếu học, lại thương mẹ vất vả, hy sinh vì mình, Mạc Đĩnh Chi không ngừng gắng sức học tập. Ông thức dậy từ rất sớm, vào rừng lấy củi xong mới về học tiếp. Mạc Đĩnh Chi mượn sách của thầy và bạn để học. Không có tiền mua nến, ông đốt củi, lá cây để đọc sách. Có thể nói, ông đọc sách mọi lúc, mọi nơi, kể cả lúc kiếm củi.

Lòng hiếu học và sức mạnh tinh thần cùng với trí tuệ hơn người đã giúp Mạc Đĩnh Chi đỗ trạng nguyên khi mới chỉ 24 tuổi, làm quan qua hai triều và được các hoàng đế cực kì trọng dụng. Ông hai lần được cử sang phương Bắc và ngay trong chuyến đi đầu tiên, ông đã chứng minh tài năng, cốt cách của người Việt, buộc vua Nguyên phải phong mình làm Trạng nguyên Bắc triều (lưỡng quốc trạng nguyên).

Sử sách Việt Nam còn ghi lại nhiều tấm gương vượt khó như Nguyễn Quán Nho, Đoàn Tử Quang, Nguyễn Hiền… Xuất thân từ gia cảnh nghèo khó, họ không có điều kiện để đi học chính quy nhưng vẫn luôn khao khát tri thức và tìm mọi cách để được học tập, dù phải đứng ngoài cửa lớp để nghe lén thầy giảng bài, dùng cát làm bảng, hay bắt đom đóm làm đèn học trong đêm tối... Ngay cả khi đỗ đạt, những danh nhân này vẫn luôn không ngừng trau dồi kiến thức, học tập suốt đời.

Người Việt từ xưa đã có truyền thống hiếu học, coi trọng sự học như một con đường dẫn đến sự thành đạt và góp phần làm rạng danh gia đình, dòng tộc. Việc học chữ, học lễ nghĩa và cả những bài học về đạo lý làm người được xem là nền tảng vững chắc cho tương lai. Ngày xưa, việc đi học không phải là điều dễ dàng. Nhiều trẻ em phải đi bộ hàng cây số, băng qua ruộng đồng, sông ngòi để đến được lớp học. Có những em phải vừa đi học, vừa giúp gia đình làm việc đồng áng, nhưng vẫn kiên trì theo đuổi con chữ. Sự hiếu học ấy không chỉ là niềm tự hào của gia đình, mà còn là cách để người Việt giữ gìn và truyền lại những giá trị văn hóa truyền thống qua từng thế hệ.

Ngày nay, truyền thống hiếu học ấy không những không bị mai một mà còn được tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn. Các gia đình Việt Nam vẫn luôn đề cao việc học, coi đó là nền tảng để con em phát triển toàn diện. Hệ thống giáo dục hiện đại với các trường học, thư viện, trung tâm học tập trải dài khắp cả nước, đã tạo điều kiện cho mọi người dân, từ thành thị đến nông thôn, đều có cơ hội tiếp cận tri thức.

Học sinh ngày nay không còn phải chịu những khó khăn như xưa, nhưng tinh thần kiên trì, nỗ lực vẫn được gìn giữ và phát huy. Nhiều gia đình dù không dư dả vẫn cố gắng đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn, với hy vọng mở ra tương lai tươi sáng hơn. Sự phát triển của công nghệ, internet đã mở ra những cánh cửa mới, giúp người Việt tiếp cận với nguồn tri thức vô tận của thế giới, nhưng trong tâm khảm mỗi người, tinh thần hiếu học truyền thống vẫn là động lực mạnh mẽ. Ngày nay, chúng ta vẫn không thiếu những tấm gương hiếu học, vượt khó, những cậu học trò tật nguyền vẫn ngày ngày đi học, người học trò không tay viết chữ bằng chân, cho đến học trò nhà nghèo, cha mẹ làm ruộng, nhặt ve chai nhưng con giành được hàng loạt học bổng danh giá quốc tế...

Những giải thưởng quốc tế, những học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi không chỉ là niềm tự hào của gia đình, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần hiếu học đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người Việt.

Trong bối cảnh hội nhập, việc giữ gìn và phát huy truyền thống hiếu học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đó là “chìa khóa” để người Việt không chỉ giữ vững bản sắc dân tộc mà còn vươn lên cạnh tranh với các quốc gia khác trên trường quốc tế.

Từ những lớp học làng quê đơn sơ đến hệ thống giáo dục hiện đại hôm nay, truyền thống hiếu học của người Việt đã và đang được nối tiếp qua từng thế hệ. Đó là niềm tự hào và cũng là động lực để mỗi người Việt vươn lên, chinh phục tri thức, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chuyen-di-hoc-xua-va-truyen-thong-hieu-hoc-cua-nguoi-viet-post522933.html