Chuyển đổi số để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp

Ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình về một trong những vấn đề đang được quan tâm hiện nay, đó là chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

- P.V: Xin ông cho biết về tầm quan trọng của CĐS đối với bà con nông dân Quảng Bình?

- Ông Trần Tiến Sỹ: Hiện nay, CĐS đã và đang được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Trong đó, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên trong giai đoạn này. CĐS là hoạt động khó, trong nông nghiệp, nông dân lại càng khó hơn vì nó tác động đến nhiều khía cạnh, mức độ khác nhau của sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân.

Khó khăn là đương nhiên, nhưng đây là xu thế tất yếu cần phải quyết tâm thực hiện và thực hiện thành công. Bởi lẽ, về cơ hội, CĐS giúp tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chất lượng nông sản; giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất; tối ưu hóa đầu vào; giảm thiểu lãng phí và tổn thất trong sản xuất và thu hoạch; giúp người nông dân dễ hơn trong việc tiếp cận, kết nối thị trường…; tăng tính minh bạch thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, tạo niềm tin tiêu dùng và gia tăng giá trị nông sản.

Mặt khác, nông dân cũng quản lý rủi ro tốt hơn, ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu; đặc biệt CĐS sẽ giúp người nông dân nâng cao kiến thức, trình độ và kỹ năng…. Những cơ hội và lợi ích này sẽ tác động, góp phần vào sự phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao chất lượng sống trong cộng đồng nông thôn hiện nay.

Chuyển đổi số là đòi hỏi tất yếu hiện nay đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Chuyển đổi số là đòi hỏi tất yếu hiện nay đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

- P.V: Ông có thể chia sẻ những khó khăn và thách thức khi thực hiện CĐS trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn?

- Ông Trần Tiến Sỹ: CĐS trong nông nghiệp hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho nông dân và các cơ quan lãnh đạo, quản lý, tuyên truyền và vận động, như: Sự hạn chế về kiến thức, kỹ năng công nghệ của người nông dân là một rào cản lớn; sự hạn chế về hạ tầng công nghệ ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa; chi phí đầu vào cao…

Đồng thời, việc thay đổi tư duy, thói quen, tập tục sản xuất là việc khó và cần nhiều thời gian; việc cung cấp, xác minh thông tin minh bạch và tin cậy cho nông sản chưa được chú trọng; việc tuân thủ các quy định pháp lý và các tiêu chuẩn sản phẩm chưa được triển khai sâu rộng để hỗ trợ nông dân…

Về phía các cấp hội nông dân, sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho hội viên, nông dân thấy được lợi ích của CĐS, sức mạnh của công nghệ số đối với đời sống, sản xuất nói chung và trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nói riêng. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là vận động nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đa dạng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản và phù hợp với yêu cầu của thị trường.

- P.V: Vậy theo ông, để giải quyết được những khó khăn, thách thức nói trên và khai thác được tối đa những cơ hội mà CĐS mang lại đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cần phải làm gì?

- Ông Trần Tiến Sỹ: Để khai thác tối đa những cơ hội, giải quyết tốt các khó khăn, thách thức của CĐS trong nông nghiệp, nông dân của tỉnh ta cần rất nhiều giải pháp kinh tế-kỹ thuật, kinh tế-xã hội. Sau đây tôi xin có mấy đề nghị để các cấp, ngành quan tâm, xem xét:

Thứ nhất, cần quan tâm đầu tư kinh phí xác đáng cho việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho người nông dân về sản xuất, kinh doanh trên nền tảng số. Tiên phong là các nông dân ưu tú, tích cực trong sản xuất, kinh doanh; những địa bàn có sản xuất chuyên canh tập trung (ví dụ như cây lúa ở Lệ Thủy, Quảng Ninh; cây gò đồi Bố Trạch, các vùng nuôi trồng thủy sản); vùng đô thị và ven đô thị của TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn và các thị trấn trên địa bàn tỉnh dễ đáp ứng yêu cầu của CĐS.

Thứ hai, hỗ trợ nông dân tiếp cận tốt các hoạt động về CĐS, hình thành các tổ chức, các liên kết để hỗ trợ nông dân. Nhất là vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp, hợp tác xã trong các chuỗi. Quan tâm phát triển kinh tế tập thể-hợp tác xã vì đây là mô hình phù hợp đối với nông dân trong CĐS và liên kết chuỗi trong sản xuất, kinh doanh.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Thứ ba, hiện nay, người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh an toàn và sự minh bạch của các mặt hàng nông sản, nên việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, thông tin nguồn gốc xuất xứ nông sản minh bạch là yêu cầu, quyết định rất lớn trong khâu tiêu thụ. Do vậy, đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG) của tỉnh cho nông sản, trước mắt là các sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ sản phẩm OCOP và nông dân kết nối với Cổng thông tin TXNG nông sản; xã hội hóa việc nghiên cứu và phát triển công nghệ, giải pháp ứng dụng TXNG.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về CĐS; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, văn bằng bảo hộ nông sản và đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử…

A.Tuấn (thực hiện)

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202412/chuyen-doi-so-de-tang-hieu-qua-san-xuat-kinh-doanh-nong-nghiep-2222861/