Chuyển đổi số ở Bình Dương và câu chuyện: 'Đúng – Đủ - Sạch - Sống'

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nêu quyết tâm đưa chỉ số cải cách hành chính và chuyển đổi số của Bình Dương đứng trong Top 10 cả nước.

Tỉnh Bình Dương nêu quyết tâm vào TOP 10 chuyển đổi số của cả nước

Tỉnh Bình Dương nêu quyết tâm vào TOP 10 chuyển đổi số của cả nước

Đưa Bình Dương vào TOP 10 chuyển đổi số của cả nước

Chủ trì họp nghe báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và Thành phố thông minh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương lưu ý tham khảo các tài liệu, chỉ tiêu quốc gia trong xây dựng thành phố thông minh của tỉnh, các lĩnh vực phải thực hiện chuyển đổi số và thực hiện trên môi trường mạng thông qua băng thông rộng để giải quyết các thủ tục hành chính.

Về xã hội thông minh, phải tương tác được trên môi trường mạng ở các lĩnh vực thủ tục đầu tư, thuế, hải quan, thương mại điện tử, hóa đơn điện tử, giáo dục, y tế, đất đai..; tiếp tục xây dựng kho dữ diệu, chia sẽ dữ liệu, bảo đảm dữ liệu đủ, đúng, sạch, sống và phải phân tích được tình hình kinh tế - xã hội để đưa các dự báo chỉ đạo, điều hành…

Để đưa Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số chuyển đổi số vào TOP 10 của cả nước, các ngành của tỉnh Bình Dương đã báo cáo làm rõ mục tiêu và lộ trình thực hiện, cũng như các tiêu chí khó đạt được trong năm 2023.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương nghe Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo kết quả chuyển đổi số

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương nghe Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo kết quả chuyển đổi số

Cụ thể, đối với Chỉ số chuyển đổi số, nhiều tiêu chí liên quan vấn đề thể chế, vai trò lãnh đạo, nhận thức và yêu cầu kỹ thuật, chuyên ngành do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tham mưu triển khai thực hiện đa số đều đạt TOP 10.

Nhiều nhóm tiêu chí đến tháng 8/2023 đã khắc phục và kết quả đạt được khả quan hơn năm trước như nhóm vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng, đào tạo, tập huấn; các nhóm vấn đề ban hành thể chế, chính quyền số đã triển khai, dự kiến hoàn thành vào cuối năm và đạt điểm tốt.

Các chỉ tiêu, mục tiêu của Trung ương về dịch vụ công trực tuyến hay về số hóa, tỉnh đều đạt và vượt theo kế hoạch và mục tiêu chung của Chính phủ.

Tuy nhiên, tiêu chí chấm điểm của Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông có yêu cầu cao hơn, mang tính định hướng và tạo động lực cho các tỉnh phấn đấu. Ngoài ra, một số tiêu chí của tỉnh phải phụ thuộc vào sự hướng dẫn, triển khai của Bộ ngành Trung ương.

Chuyển đổi số thúc đẩy cải cách hành chính

Trong những tháng cuối năm, Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bình Dương tập trung xây dựng, tổ chức Kho dữ liệu số tỉnh Bình Dương; Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh chia sẻ, kết nối với các Trung tâm Giám sát, điều hành chuyên ngành (OC), Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) cấp huyện và Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã. Hoàn thành việc hợp nhất Cổng Dịch vụ công tỉnh và Hệ thống một cửa điện tử tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia trước 30/9/2023.

Đối với công tác cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính, tập trung rà soát các điều kiện thực hiện để nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên cơ sở nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến một phần.

Khẩn trương rà soát, xây dựng quy chế, quy trình giải quyết dịch vụ công liên thông, các form điện tử trong nội bộ các cơ quan Nhà nước từ khâu cho chủ trương, thẩm định của các sở ngành, trình UBND tỉnh quyết định theo thẩm quyền. Tập trung rà soát, đánh giá 30% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: Đất đai, môi trường, đăng ký kinh doanh, đầu tư, xây dựng, lao động, y tế, giáo dục.

Đối với việc xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương, tỉnh tập trung chuẩn bị cho chuyến thăm và kiểm tra TOP 7 của Diễn đàn Cộng đồng thông minh Thế giới. Chuyến thăm sẽ bao gồm 2 cuộc họp với Thường trực Tỉnh ủy, UBND và hơn 10 điểm tham quan cụ thể, thể hiện 6 bộ tiêu chí ICF.

Đề án Thành phố thông minh Bình Dương gắn với mục tiêu nâng tầm vóc và xây dựng thương hiệu quốc tế của Bình Dương. Tổ Chỉ đạo đã họp, đề xuất khoảng 40 dự án cụ thể cho giai đoạn từ năm 2023-2024, có tác động lên kinh tế xã hội của tỉnh.

Đề án cũng đã xác định thêm các tiêu chí Thành phố thông minh, là khả thi cho tỉnh Bình Dương và được quốc tế công nhận, nâng tầm thương hiệu Bình Dương để thu hút đầu tư toàn cầu.

Hiện nay, bên cạnh tiêu chí ICF, Đề án đề xuất tiêu chí ISO 18091 Quản lý chất lượng tổng thể địa phương, là tiêu chuẩn mới của thế giới được các địa phương, doanh nghiệp toàn cầu ứng dụng, đồng thời cũng được Thủ tướng Chính phủ quan tâm thúc đẩy và rất phù hợp với định hướng phát triển Thành phố thông minh Bình Dương với 4 trụ cột về cải cách hành chính, phát triển kinh tế, môi trường bền vững, xã hội toàn diện. Sau khi được thống nhất, trong quý III/2023, sẽ ban hành Đề án tổng thể Thành phố thông minh đến năm 2030 và Kế hoạch các dự án cụ thể cho năm 2023-2024.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, đối với Đề án Thành phố thông minh, Văn phòng Thành phố thông minh cần xem lại mô hình tổ chức, định hình các tiêu chí gắn với chỉ tiêu quốc gia. Ưu tiên chọn các lĩnh vực tiêu biểu có tác động sâu rộng đến xã hội; mang tính cấp bách cần làm nhanh. Thành phố thông minh, trước hết phải đạt các tiêu chuẩn về xây dựng chính quyền thông minh; xã hội thông minh; công dân số; xây dựng kho dữ liệu và chia sẻ dữ liệu đáp ứng thông tin "đúng, đủ, sạch, sống" và phải phân tích được tình hình kinh tế xã hội, để đưa các dự báo chỉ đạo, điều hành.

Bí thư Tỉnh ủy Ngyễn Văn Lợi cho rằng, chính quyền điện tử phải xử lý các vấn đề công khai minh bạch, tập trung triển khai các dự án trọng điểm. Các dịch vụ trực tuyến phải toàn trình, nhanh chóng và chất lượng. Về xã hội thông minh, phải nâng cao chất lượng tương tác trên môi trường mạng ở các lĩnh vực, thủ tục đầu tư, thuế, hải quan, thương mại điện tử, hóa đơn điện tử, giáo dục, y tế, đất đai…

Đối với công tác CCHC, Bí thư đề nghị sớm thực hiện mô hình văn phòng không giấy, trong đó hồ sơ chuyển giữa các cấp là liên thông không dùng giấy trong toàn tỉnh. Phấn đấu nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình lên 50% vào cuối năm.

Bài, ảnh: Dương Yến

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-doi-so-o-binh-duong-va-cau-chuyen-dung-du-sach-song-169230819120756507.htm