Chuyến du ngoạn đặc biệt về xứ Đông Dương xưa

Sáng 14.12, doanh nhân, tác giả Trần Hữu Phúc Tiến đã có buổi giao lưu với độc giả TP.HCM nhân dịp cuốn sách mới 'Du lịch Đông Dương xưa' vừa được ra mắt. Đồng hành với tác giả Phúc Tiến, ông Nguyễn Đại Hùng Lộc – Phó Chủ tịch Hội tem TP.HCM, cũng mang đến những kiến thức thú vị về lịch sử phát hành tem bưu chính và những điều ít người biết về con tem và những tấm bưu thiếp có vai trò như cánh cửa mở ra thế giới.

Trong khán phòng ấm cúng của Nam Thi House, hai diễn giả không chỉ dẫn dắt mọi người thực hiện chuyến du ngoạn đặc biệt về xứ Đông Dương xưa để tận thấy những công trình có giá trị kiến trúc lịch sử, để nghe kể về ký ức đô thị, về văn hóa tộc người... mà còn bật mí những dự án thú vị trong tương lai gần...

Quảng cảnh sự kiện giao lưu nhân dịp ra mắt cuốn sách Du lịch Đông Dương xưa. Ảnh: Trà My

Những tiết lộ thú vị

Phúc Tiến là một cái tên không quá xa lạ với những bạn đọc yêu thích chủ đề di sản, khi ông là cây bút đứng sau nhiều bài viết về chủ đề này xuất hiện hàng kỳ trên Người Đô Thị, cũng như cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí khác. Ông cũng là tác giả, chủ biên cho nhiều cuốn sách khảo cứu về di sản. Một trong số đó là Kiến trúc Pháp – Đông Dương: Những viên ngọc quý tại Hà Nội(NXB Mỹ thuật, 2023). Một điều bất ngờ là chính lúc đang thực hiện ấn phẩm này và được cộng tác với các cơ quan lưu trữ, thì nguồn cảm hứng cho Du lịch Đông Dương xưa bỗng dưng ập đến.

Tác giả Phúc Tiến cho biết trong một lần nọ khi Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 thực hiện triển lãm về du lịch Đông Dương, ông đã nảy ra ý tưởng về một cuốn sách để kể câu chuyện ẩn đằng sau đó. Ngoài cơ duyên bất ngờ ấy, ông cũng hài hước chia sẻ có lẽ bản thân cũng bị “lây bệnh thiếu quê hương” của cụ Nguyễn Tuân mà thích xê dịch và đam mê đi.

Tác giả Phúc Tiến và ông Nguyễn Đại Hùng Lộc – Phó Chủ tịch Hội tem TP.HCM, cho biết trong thời gian tới sẽ cùng hợp tác để cho ra mắt tác phẩm Sài Gòn sông nước. Ảnh: Minh Anh

Về mặt nội dung, tác giả Phúc Tiến khẳng định ngay từ rất sớm thì chính quyền Pháp đã đánh giá rất cao về tiềm năng du lịch của đất nước ta. Cụ thể trong một tư liệu quảng bá du lịch ra mắt vào năm 1911 của Hội Du lịch Pháp Touring Club de France, thì 3 kỳ quan của Đông Dương đã được liệt kê gồm Vịnh Hạ Long, Kinh Thành Huế rồi mới đến Angkor của Campuchia.

Hay ông trích dẫn, Chủ tịch của Hiệp hội quảng bá du lịch Pháp cũng từng nói rằng cái hay của việc khám phá Đông Dương chính là cảm giác “vừa mới vừa lạ”, bởi khi ấy vùng đất này còn nhiều điều kỳ thú chưa được khám phá. Qua đó cho thấy rất lâu trước khi UNESCO công bố Kinh Thành Huế hay Vịnh Hạ Long là di sản phi vật thể, thì chính người Pháp đã nhìn thấy trước, qua đó phần nào khẳng định sự yêu thích đặc biệt đối với cảnh quan, con người Việt Nam.

Ông cũng lý giải thêm sau Thế chiến thứ nhất, người Pháp bắt đầu tập trung quảng bá thương hiệu du lịch và muốn biến đây thành ngành công nghiệp để quên đi những áp lực vừa qua, dẫn đến năm 1929, Tổng cục Du lịch ra đời đặt tại Sài Gòn. Đến thế chiến thứ Hai, do binh lính không thể về mẫu quốc để nghỉ dưỡng vào mùa hè mà các điểm đến trong nước ngày càng thu hút.

Ông bật mí cũng vì điều này mà Đà Lạt từng có ý định được chọn làm thủ đô của Liên bang Đông Dương. Bây giờ nhìn lại thì có thể thấy đây là quyết định tương đối cấp tiến khi nhiều quốc gia trong thời hiện đại ngày càng thu hẹp quy mô thủ đô. Chẳng hạn Washington DC vốn có quy mô tương đối khiêm tốn hay Indonesia mới đây cũng xây dựng thủ đô mới, biến Jakarta trở thành cố đô…

Trong phần giao lưu, bà Loan Sicre de Fondbrune bày tỏ ý kiến rất tán đồng khi tác giả Phúc Tiến đề nghị bà mở chi nhánh Art Gallery và Culture salon cũng như tổ chức triển lãm ở TP.HCM. Bà Loan Sicre de Fondbrune là một nhà sưu tập kỳ cựu, người bảo hộ cho mỹ thuật Đông Dương suốt bốn thập niên qua tại Paris. Bà vừa tổ chức triển lãm tranh của các họa sĩ Việt Nam thời Đông Dương ở một bảo tàng lớn tại Paris. Ảnh: Trà My

Trong phần giao lưu, bà Loan Sicre de Fondbrune bày tỏ ý kiến rất tán đồng khi tác giả Phúc Tiến đề nghị bà mở chi nhánh Art Gallery và Culture salon cũng như tổ chức triển lãm ở TP.HCM. Bà Loan Sicre de Fondbrune là một nhà sưu tập kỳ cựu, người bảo hộ cho mỹ thuật Đông Dương suốt bốn thập niên qua tại Paris. Bà vừa tổ chức triển lãm tranh của các họa sĩ Việt Nam thời Đông Dương ở một bảo tàng lớn tại Paris. Ảnh: Trà My

Tại sự kiện giao lưu, tác giả Phúc Tiến cũng cung cấp cho độc giả nhiều tư liệu giá trị. Chẳng hạn ông cho biết trong quá khứ từng có các chuyến đi lớn bằng tàu thủy từ châu Âu sang Trung Đông, Ấn Độ, Singapore, Sài Gòn rồi đến Hong Kong. Một bất ngờ khác là ngay từ năm 1929 thì người Pháp đã tổ chức một tour thủy phi cơ từ Sài Gòn (ngay bến Bạch Đằng) bay sang Angkor, Siem Reap (Campuchia) sau đó tham quan Angkor, rồi bay về chỉ trong một ngày.

Ngoài ra vào năm 1931, một phóng viên Pháp đã thực hiện một phóng sự đi mô tô xuyên Đông Dương, cho thấy hoạt động du lịch trước đó ở 3 nước vô cùng sôi nổi. Kể về những câu chuyện này, tác giả Phúc Tiến cũng gợi mở những ý tưởng về kinh tế di sản, nhằm khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo của Sài Gòn - TP.HCM nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Bìa cuốn sách Du lịch Đông Dương xưa. Ảnh: Trà My

Vai trò phức tạp của người Pháp

Bên cạnh những tiết lộ bất ngờ trong "chuyến du lịch đặc biệt" từ đồng bằng lên miền rúi, thậm chí ra cả đại đương, tác giả Phúc Tiến cũng dành nhiều thời gian để nhìn nhận lại lịch sử. Ông cho biết việc đánh giá cao du lịch Đông Dương nói chung và nước ta nói riêng vừa là niềm vui nhưng cũng đồng thời xen lẫn nỗi buồn. Bởi tuy những cảnh quan ấy thuộc về nước ta, nhưng chỉ những người phương Tây và một số ít tầng lớp tinh hoa mới được thưởng lãm cũng như chiêm ngưỡng.

Ông dẫn chứng từ Bạch Long Vĩ, Phú Quốc, Côn Đảo… cho đến Cam Ranh, từ Sa Pa, Bạch Mã, Đà Lạt cho đến Ba Vì… tất cả đều được người Pháp khám phá hoặc để lại dấu ấn sâu đậm khi còn hoang sơ.

Điều đó kéo theo những con đường đi lên những thắng cảnh ấy đều được thực hiện bởi máu và nước mắt của những tù nhân nước Việt nói riêng và nhân dân nói chung. Đơn cử như Đồ Sơn, Sầm Sơn ở giai đoạn 1920, 1930 chưa có đường sá, dẫn đến những người đưa các du khách đến đó bất ngờ lại là những người phụ nữ Việt Nam khỏe mạnh, vấn khăn, mặc yếm, khiêng kiệu.

Tác giả Phúc Tiến ký tặng sách Du lịch Đông Dương xưa cho bạn đọc. Ảnh: Minh Anh

Nhưng ngược lại cũng bởi quá trình mang vào nước ta văn minh phương Tây mà giới tri thức mới thấu hiểu được tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái, từ đó đứng lên để giành độc lập.

Song song với điều đó, người Pháp cũng để lại được những dấu ấn nhất định. Chẳng hạn, Toàn quyền Paul Doumer từng tài trợ cho Viện Viễn Đông Bác cổ để có thể giữ lại những gì có thể từ các di tích bị phá hủy trong chiến tranh hay nhiều công trình tại Sài Gòn hiện nay vẫn có sự giao thoa giữa kiến trúc Pháp và bản địa. Có thể kể đến như Bến Nhà Rồng có thể nói là một đình Việt Nam đặt trên một tòa nhà “tây”, hay tòa nhà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở số 8 Võ Văn Kiệt (trước đây là số 17 Bến Chương Dương), có sự giao thoa giữa cung điện Angkor và cung điện Versailles…

Trong bài viết có nêu về tòa nhà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đăng tải trên Người Đô Thị, tác giả Phúc Tiến cũng từng đề xuất ý tưởng rằng "để không lãng phí diện tích sử dụng và giá trị lịch sử, tòa nhà cần thiết trở lại công năng một nhà hát - một hội trường lịch lãm. Đó là nơi gặp gỡ của giới doanh thương, nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp với nhiều hoạt động giao lưu đa dạng. Tại tòa nhà nên có phòng trưng bày hình ảnh và hiện vật thể hiện lịch sử các công ty cổ phần (bắt đầu từ Công ty Minh Tân - năm 1908 ở Nam kỳ) và lịch sử thị trường chứng khoán của Việt Nam...".

Tác giả Phúc Tiến nhận món quà đặc biệt từ người bạn đồng môn trường Trường Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong) - ông Nguyễn Đại Hùng Lộc, Phó Chủ tịch Hội tem TP.HCM. Ảnh: Trà My

Tác giả Phúc Tiến nhận món quà đặc biệt từ người bạn đồng môn trường Trường Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong) - ông Nguyễn Đại Hùng Lộc, Phó Chủ tịch Hội tem TP.HCM. Ảnh: Trà My

Tác giả cũng dẫn chứng thêm người Pháp cũng góp phần rất lớn xây dựng Sài Gòn trở thành “hòn ngọc viễn Đông” mà tác giả Phạm Quỳnh từng ghi trong các du ký của mình rằng nơi đây “có khí vị của đô hội”, là “hạt báu của châu Á”. Ông cũng cho biết vào thập niên 1920 – 1930, “2 chữ S” gồm Singapore và Sài Gòn đã có một cuộc chạy đua phát triển cùng nhau để cùng hướng tới trở thành vùng đất thịnh vượng…

Tại buổi trò chuyện, bên cạnh sự góp mặt của tác giả Phúc Tiến thì ông Nguyễn Đại Hùng Lộc – Phó Chủ tịch Hội tem TP.HCM, cũng đã mang đến những kiến thức thú vị về lịch sử phát hành tem bưu chính cũng như những bộ sưu tập tem độc đáo, có nhiều giá trị có thể kể đến như Lối xưa xe ngựa, Kỵ sĩ Việt Nam…

Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc – Phó Chủ tịch Hội tem TP.HCM, giới thiệu về những bộ tem đặc biệt. Ảnh: Trà My

Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc – Phó Chủ tịch Hội tem TP.HCM, giới thiệu về những bộ tem đặc biệt. Ảnh: Trà My

Hai diễn giả cho biết trong thời gian tới họ sẽ cùng hợp tác để cho ra mắt tác phẩm Sài Gòn sông nước. Đây dự kiến là bộ sưu tập bưu ảnh có mặt các con kênh và con sông nhỏ mà ngày nay đa số chúng không còn hiện diện, để qua đó thế hệ trẻ sau này sẽ biết nhiều hơn về thời quá vãng. Ngoài ra Du lịch Đông Dương xưa cũng được lên kế hoạch có một phiên bản tiếng Pháp để phục vụ bạn đọc ngoài nước.

Có thể nói qua cuốn sách này, độc giả đã biết nhiều hơn về đất nước mình của hơn một thế kỷ trước, qua đó truyền tải thông điệp chính người Việt Nam phải biết nhiều hơn về quê hương mình như Phạm Quỳnh từng viết. Trong dòng trào lưu tìm về ký ức Đông Dương, hy vọng sau tác phẩm này, sẽ có nhiều dự án nghiên cứu giá trị được thực hiện tiếp nối.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chuyen-du-ngoan-dac-biet-ve-xu-dong-duong-xua-46490.html