Chuyển giao chương trình đào tạo bán dẫn, sinh viên CĐ nhận học bổng 100%

Việt Nam có khoảng 35 cơ sở ĐH đào tạo phần thiết kế vi mạch và chưa có trường CĐ nào tham gia đào tạo phần sản xuất – đóng gói – kiểm nghiệm.

Tại buổi lễ chuyển giao chương trình đào tạo ngành công nghệ chất bán dẫn giữa Trường CĐ Quốc tế TP HCM và ĐH Đại Diệp (Đài Loan, Trung Quốc) mới đây, GS - TS Lý Thanh Hoa, Viện trưởng Viện Công nghệ - chịu trách nhiệm ngành bán dẫn ĐH Đại Diệp, khẳng định nhu cầu nguồn nhân lực ngành này rất lớn, song thiếu hẳn những kỹ sư có tay nghề cao.

Đài Loan đang phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành bán dẫn cho nhiều quốc gia khác.

Trường cao đẳng "bắt tay" đào tạo bán dẫn

Theo Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) dự đoán, quốc gia này sẽ thiếu 67.000 lao động lĩnh vực bán dẫn vào năm 2030. Đài Loan và Hàn Quốc thống kê cần khoảng 30.000 lao động lĩnh vực này mỗi năm.

Trường CĐ Quốc tế TP HCM trao bằng khen cho 2 sinh viên tiêu biểu tham gia báo cáo khoa học tại Trường ĐH Đại Diệp (Đài Loan, Trung Quốc)

Trường CĐ Quốc tế TP HCM trao bằng khen cho 2 sinh viên tiêu biểu tham gia báo cáo khoa học tại Trường ĐH Đại Diệp (Đài Loan, Trung Quốc)

Tại Việt Nam, chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" phấn đấu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực trình độ đại học trở lên; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác.

ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP HCM, cho biết trong ngành bán dẫn, cứ 1 người thiết kế thì cần đến 2-5 người làm phần còn lại (sản xuất – đóng gói – kiểm thử).

"Việt Nam đang có khoảng 35 cơ sở đại học có đào tạo phần thiết kế vi mạch, song chưa có trường CĐ nào tham gia đào tạo ở phần sản xuất – đóng gói – kiểm thử, những công đoạn đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Chính vì vậy, nhà trường hợp tác với Trường ĐH Đại Diệp để chuyển giao chương trình đào tạo ngành công nghệ chất bán dẫn, cam kết 100% có việc làm sau khi tốt nghiệp" - ThS Lý thông tin.

Với chương trình đào tạo này, sinh viên sẽ học 2 năm đầu tại Việt Nam, 2 năm tiếp theo chuyển tiếp học tại Đài Loan. Sinh viên trúng tuyển sẽ nhận được học bổng INTENSE, hỗ trợ học phí 100%.

Tiềm lực lớn ngay tại Việt Nam

Ông Lê Văn Thinh, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, cho biết TP HCM sau khi hợp nhất với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trở thành khu vực có khu công nghệ, khu chế xuất lớn nhất cả nước.

"TP HCM có hơn 100 khu công nghiệp đang được quy hoạch, trải dài trên diện tích khoảng gần 50.000 ha. Điều này đã và đang thu hút hàng ngàn doanh nghiệp, trong đó có lượng lớn các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Đài Loan, tạo việc làm cho hàng triệu công nhân" - ông Thinh cho biết thêm.

GS - TS Lý Thanh Hoa cho biết Đài Loan đang phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn cho nhiều quốc gia khác.

GS - TS Lý Thanh Hoa cho biết Đài Loan đang phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn cho nhiều quốc gia khác.

Theo ông Thinh, ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn, được xác định là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của Việt Nam. Việc các trường nghề tiên phong trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này là một hướng đi đúng đắn, mang tính chiến lược.

GS - TS Lý Thanh Hoa nhìn nhận nhu cần nhân lực lớn, song việc đào tạo vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Rào cản lớn nhất chính là đầu tư thiết bị phục vụ đào tạo. Theo GS Lý Thanh Hoa, các máy móc phục vụ sản xuất chip đều có giá từ hàng trăm nghìn đến hàng triệu USD. Trường đại học lớn hiện nay mới chỉ dừng ở mức đầu tư thiết bị mô phỏng hoặc phục vụ nghiên cứu cơ bản. Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng mô hình liên kết - đặt hàng - phân tầng, có như vậy mới bắt kịp tốc độ phát triển ngành này với khu vực.

Huế Xuân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chuyen-giao-chuong-trinh-dao-tao-ban-dan-sinh-vien-cd-nhan-hoc-bong-100-196250719120908006.htm