Chuyện kể từ Đồng Lách (Bài 3): Đường ơi...
Đến Đồng Lách rồi có muốn quay trở lại? Câu hỏi được đặt ra như ngờ rằng nơi đây đã có điều gì ngăn cản bước chân? Tất nhiên, không phải vì sự nghèo khó mà nguyên nhân lại bắt đầu từ con đường huyết mạch, nối thôn Đồng Lách với trung tâm xã, như người dân nơi đây vẫn gọi: 'con đường đau khổ'.

Người dân Đồng Lách vẫn đang mong chờ con đường sẽ sớm được khởi công.
Đã xa lại xa hơn...
Đường lên thôn Đồng Lách gần 4km. Đường lên dốc, xuống đèo. Đường trơ sỏi đá, chỗ lồi, chỗ lõm. Hai bên đường là vực sâu, núi cao... Trời nắng ráo, đi cũng khổ. Trời mưa, càng khổ hơn. Đường xấu nên chuyện ngã xe, trầy xước mặt mày hay có khâu vài mũi, âu cũng là điều dễ hiểu.
“Con đường đau khổ” đã gây khó cho giao thương của bà con, cho sự học con trẻ... Giao thương đi lại khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển kinh tế. Đường đến trường còn vất vả cũng đồng nghĩa hạn chế sự tiến bộ của học hành...
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ bước vào năm học mới 2025-2026. Năm học này cũng như những năm học trước, đường tới trường vẫn chưa có gì sáng sủa hơn, vẫn gây khó - khổ cho phụ huynh, học sinh và giáo viên.
Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, học sinh lớp 5 học tại điểm chính Trường Tiểu học Tân Trường đã về học tại điểm trường lẻ Đồng Lách cho thuận tiện việc đi lại. Riêng học sinh bậc THCS ở thôn Đồng Lách vẫn đồng hành cùng phụ huynh đi qua “con đường đau khổ” để đến trường.
Năm học 2025-2026, Trường THCS Tân Trường có 780 học sinh, trong đó có 32 học sinh thôn Đồng Lách. Cũng như những năm học trước, năm học này, chị Lê Thị Thắm lại tiếp tục chở con đi học. “Đường từ nhà đến trường cách hơn 8km. Cứ vào năm học, cả 2 mẹ con phải dậy từ lúc 4 giờ sáng để làm công tác chuẩn bị, trong đó có bữa sáng của con, thường là cơm rang hoặc gói mì. Khoảng 5 giờ, 2 mẹ con bắt đầu xuất phát. Đi sớm bởi đường xa lại xấu. Hôm nào mưa gió quá thì cho con nghỉ học”, chị Thắm cho biết.
Riêng đối với gia đình khó khăn, không có điều kiện đưa đón con hoặc không có tiền cho con ở trọ, theo như chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Trường, thì: “Nếu là học sinh ở thôn Đồng Lách phải đi nhờ xe xuống thôn Tam Sơn, sau đó đi xe đạp mà các em đã gửi trước ở đây để đến trường. Học sinh phải đi học sớm, khoảng 5 giờ 30 phút để kịp thời gian vào học”.
Đường đến trường đã xa lại xa hơn. Đến khi nào đường vào thôn Đồng Lách mới được đầu tư, xây dựng? Câu hỏi này dường như đã cũ nhưng xem ra lúc nào cũng mới, bởi ở đó là kỳ vọng của không chỉ giáo viên, học sinh mà là mong mỏi của tất cả người dân thôn Đồng Lách. Bao giờ?
Bao lần “mừng hụt”...
Nói chuyện con đường, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Lách Vi Văn Dũng lại thở dài. Đã bao lần ông thở dài như thế! Và cũng đâu chỉ riêng ông mà đến Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Hà Văn Long, Trưởng thôn Ngân Văn Cường ngồi cạnh ông cũng thở dài ngán ngẩm.

Người dân Đồng Lách vẫn đang mong chờ con đường sẽ sớm được khởi công.
Bí thư chi bộ Vi Văn Dũng trầm ngâm, rằng: “Ở Đồng Lách, giờ còn gì vất vả, khổ sở hơn ngoài con đường. Qua bao lần tiếp xúc cử tri là bấy nhiêu lần hứa hẹn và cuối cùng lại mang đến sự “mừng hụt” cho dân. Giờ thì, đường vẫn “nằm im, bất động”.
Lại nói về Dự án “Đường giao thông từ thôn Đồng Lách đi Khu Công nghiệp số 14”. Dự án này được HĐND tỉnh bố trí nguồn vốn để thực hiện theo Nghị quyết số 501/NQ-HĐND ngày 14/3/2024 về việc phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương năm 2023. Trên cơ sở đó, ngày 20/3/2023, HĐND thị xã Nghi Sơn đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 42/NQ-HĐND. Ngày 27/8/2024, Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 7332/QĐ-UBND với tổng mức đầu tư là 70 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc hiện nay là chủ đầu tư đã ký hợp đồng xây dựng với nhà thầu từ ngày 26/12/2024 nhưng đến nay vẫn chưa có mặt bằng để thi công xây dựng.
Ngày 17/3/2025, UBND thị xã Nghi Sơn đã phê duyệt phương án BT-GPMB đợt 1 với diện tích thu hồi 5,97/7,52ha (bao gồm cả diện tích bãi tập kết đất đá thừa khi đào bóc nền đường), kinh phí bồi thường là 1,33 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2025, dự án chưa được bố trí vốn nên không có nguồn kinh phí để chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân. Do vị trí tập kết vật liệu đất đá thừa khi đào bóc nền đường nằm trong phạm vi phải bồi thường giải phóng mặt bằng, vì vậy không có nơi để tập kết vật liệu khi thi công. Ông Lê Hồng Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án khu vực Nghi Sơn, cho biết: “Dự án phải thực hiện thu hồi, chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên với diện tích là 0,687ha. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đang tổ chức công tác lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng và trình cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định. Dự kiến khởi công tháng 8/2025, hoàn thành trong quý II/2026”.
... Niềm vui này, người dân Đồng Lách đang rất mong chờ, lại tiếp tục thêm sự kiên trì, kỳ vọng... Nay đã là trung tuần tháng 7/2025.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-ke-tu-dong-lach-bai-3-nbsp-duong-oi-38203.htm