Chuyện ở huyện Sóc Sơn: Đấu giá đất hay cố tình phá đám?

Chuyện ''thật như bịa'' vừa xảy ra trong phiên đấu giá đất tại xã Quang Tiến (Sóc Sơn, Hà Nội) ngày 29/11 khi giá bị đẩy lên hàng chục tỷ đồng/m² rồi bỏ...

Theo đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá đất với 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các lô đất diện tích 90 - 224 m² với giá khởi điểm chỉ là 2,4 triệu đồng/m².

Cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc với việc lấy giá vòng trước làm mốc khởi điểm cho vòng sau. Khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá.

Và một diễn biến bất ngờ đã xảy ra khi 57 lô đất qua 5 vòng đấu giá chỉ đạt mức giá cao nhất từ mấy chục triệu đến trăm triệu đồng/m² thì tại lô đất có ký hiệu C6 xuất hiện một mức giá không tưởng là trên 30,002 tỷ đồng/m². Đã vậy, sau khi trả mức giá này nhóm đối tượng tham gia đấu giá lô này ở phiên chót đã quyết định trả giá ở mức 0 đồng rồi “buông kèo”. Kết quả là kéo theo việc có đến 30/58 lô đất đem gia đấu giá đợt này sẽ phải được đấu giá lại trong thời gian tới.

Hiện chưa có ngày cụ thể cho phiên đấu giá tới cũng như có những bảo đảm gì để không xảy ra chuyện tương tự cho phiên đấu giá tới đây, một khi được tổ chức.

Những tưởng sau câu chuyện cố tình phá đám trong đợt đấu giá đất tại 2 huyện của Hà Nội là Hoài Đức và Thanh Oai mới đây, trong đó riêng tại Thanh Oai có đến 80% trúng đấu giá không nộp tiền, các cơ quan chức năng của một số địa phương tại Hà Nội đã có những biện pháp để không lặp lại các tình huống tương tự... Nhưng sự cố của phiên đấu giá tại xã Quang Tiến (Sóc Sơn) đã lại cho thấy, vấn đề đấu tranh với các hành vi mang tính phá đám rõ ràng còn nhiều nan giải.

Cần có chế tài để bảo đảm cho các phiên đấu giá đất đạt được đúng mục đích và tạo nguồn thu cho ngân sách. Ảnh minh họa.

Cần có chế tài để bảo đảm cho các phiên đấu giá đất đạt được đúng mục đích và tạo nguồn thu cho ngân sách. Ảnh minh họa.

Phải chăng chế tài cho việc đấu giá này chưa đủ mạnh để những hành vi mang tính phá quấy, phá đám trong đấu giá đất nói riêng và đấu giá tài sản nói chung vẫn tiếp tục tái diễn?

Không phải. Bởi trong hoạt động đấu giá tài sản, pháp luật nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi cản trở hoạt động đấu giá tài sản. Người thực hiện hành vi cản trở đấu giá quyền sử dụng đất có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vậy thì còn gì “ngại” khi phải công khai danh tính đối tượng, nhóm đối tượng có những hành vi tương tự để có thể “cạch mặt” việc tham gia tại các phiên đấu giá đất khác?

Ngay trong cung cách tổ chức các phiên đấu giá đất này cũng rất cần phải xem lại. Như ở câu chuyện vừa xảy ra tại xã Quang Tiến (Sóc Sơn), chính việc quy định giá tiền đặt trước quá thấp và đấu theo nhiều vòng (tối thiểu 6 vòng) cùng với việc lấy giá vòng trước làm giá khởi điểm vòng sau cho dẫu có thể thu hút được nhiều người tham gia nhưng cũng tạo ra lỗ hổng dẫn tới hành vi phá đám việc đấu giá đất, khiến cho cơ quan chức năng không đạt được mục đích đề ra.

Xa hơn có người bàn rằng, việc cố tình đẩy giá cao không tưởng rồi “lật kèo”, “bỏ của chạy lấy người” không chỉ tạo những tiền lệ xấu cho các phiên đấu giá đất mà còn hướng tới việc “mặc định” một mức giá phi thị trường cho lô đất, khu vực đất được đem ra đấu giá. Để rồi một khi lô đất đó, khu đất đó được đem ra đấu giá lại, các nhóm đối tượng sẽ ung dung hưởng lợi từ chính các mốc giá đã bỏ kèo mà không phải chịu trách nhiệm gì cả.

Cũng có ý kiến cho rằng, đấu giá đất hiện vẫn là "cuộc chơi" của dân đầu cơ cho đến khi nào có được một cơ sở dữ liệu đất đai cũng như dữ liệu giá cả thị trường đầy đủ.

Câu hỏi lớn đang được đặt ra ở đây là Nhà nước sẽ có công cụ và chính sách gì để kiểm soát việc đẩy giá đất “ảo” lên quá cao, đồng thời vẫn tiếp tục áp dụng hình thức đấu giá đất để bảo đảm hài hòa lợi ích, tăng thu cho ngân sách nhà nước, giảm thiểu những "lình xình" như đã thấy.

Giải pháp được người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ tại cuộc đối thoại với Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mới đây là điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm cơ sở để tính giá khởi điểm khi thực hiện đấu giá đất.

Theo quy định, đất đấu giá được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, kỹ thuật thì cơ quan có thẩm quyền phải xác định lại giá đất khởi điểm cho phù hợp. Tuy nhiên, có những địa phương đầu tư đồng bộ về mặt hạ tầng kỹ thuật nhưng lấy giá đất khởi điểm theo phương án khi chưa đầu tư hạ tầng, dẫn đến giá khởi điểm và giá trúng giá có sự chênh lệch rất lớn, xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động đấu giá để mua bán kiếm lời.

Cùng đó, có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá trong quy chế đấu giá, đồng thời bổ sung quy định công khai các trường hợp bỏ cọc trúng giá đất để trục lợi. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất cũng là động thái cần thiết để các phiên đấu giá được diễn ra trọn vẹn, đúng mục đích.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-o-huyen-soc-son-dau-gia-dat-hay-co-tinh-pha-dam-361731.html