Chuyện về người lính đặc công cơ giới

Đại tá Nguyễn Văn Khuynh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng sinh tại Sơn Vi, Lâm Thao, Phú Thọ. Ông nhập ngũ năm 1967 tại Sư đoàn 250, Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 2), khi chưa đầy 18 tuổi. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo xe tăng, ông cùng đơn vị vào miền Nam chiến đấu với bí số 262, thuộc đại đội mang bí danh Kiên Cường.

Những năm tháng gian khổ, ác liệt ở chiến trường được người chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Khuynh ghi lại khá đầy đủ và sinh động qua các trang nhật ký. Hơn 40 năm nay, cuốn nhật ký này luôn bên ông, trở thành một kỷ vật và như người bạn thân thiết. Một ngày nghỉ, ông tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở Long Biên, Hà Nội và giới thiệu về cuốn nhật ký chiến tranh của mình…

Đại tá Nguyễn Văn Khuynh.

Đại tá Nguyễn Văn Khuynh.

RA TRẬN...

14-11-1967:

Xuất phát đi B từ một khu rừng thuộc huyện Đồng Hỷ, Bắc Thái.

4-1968:

Vào đến Tây Ninh, được bổ sung vào C47, D5, J16 đặc công, huấn luyện để chuẩn bị tham gia tổng công kích đợt 2 năm 1968, đánh vào các căn cứ lớn của Mỹ, ngụy trong vành đai bảo vệ vùng ven Sài Gòn. Tính ra mất 5 tháng liền ròng rã hành quân nhưng không ai biết thế nào là mệt nhọc, hy sinh mà chỉ thấy phía trước đầy vinh quang thôi thúc lên đường…

Nhật ký chiến tranh của cựu chiến binh Nguyễn Văn Khuynh. Ảnh: Hà Thiện Hùng.

Nhật ký chiến tranh của cựu chiến binh Nguyễn Văn Khuynh. Ảnh: Hà Thiện Hùng.

…Đang ngon giấc bỗng hàng loạt tiếng nổ, tiếp đó là những ánh chớp, tiếng rít trên trời, tiếng mảnh đạn văng và cành cây gãy rào rào. Mọi người chỉ biết lao xuống hầm theo phản xạ, không hiểu nguyên nhân gì. Phút bất ngờ đã qua, tôi đã hiểu được thế nào là pháo địch. Đó là cảm nhận đầu tiên với lính chiến. Chưa hết! Sáng hôm sau, mọi người phát hiện ra một chiến sĩ ngủ muộn, cần đánh thức dậy để sinh hoạt, bỗng thấy dưới gầm võng đọng lại một vũng máu…

5-1968:

Tôi được đi xuống chiến khu Long Nguyên (Thanh An) học lái xe M41 và M113 của Mỹ, để thực hiện ý đồ bắt sống xe tăng địch, diệt địch.

Gặp anh Huỳnh Cừu ( nhân vật trong trận đánh năm 1968 )sau 40 năm, anh em chụp ảnh kỷ niệm tại Dinh Thống nhất, thành phố Hồ Chí Minh năm 2009- ảnh Bác Khuynh cung cấp .

Gặp anh Huỳnh Cừu ( nhân vật trong trận đánh năm 1968 )sau 40 năm, anh em chụp ảnh kỷ niệm tại Dinh Thống nhất, thành phố Hồ Chí Minh năm 2009- ảnh Bác Khuynh cung cấp .

4-7-1968:

Tôi đang phấn khích khi thấy lính Mỹ chết vắt qua công sự cát thì nghe tiếng hô nhẹ nhàng, dứt khoát của mũi trưởng: Xông lên đi, nhớ cách mở nắp xe tăng và buộc vải trắng vào nòng pháo xe tăng. Đang tiến lên, tôi bỗng thấy xuất hiện một hàng rào kẽm gai cản trước mặt, một chiến sĩ tháo bao đạn làm đệm trèo qua hàng rào… Tôi nhổm người lên để trèo qua hàng rào kẽm gai đó thì phát hiện quả thủ pháo đeo ở thắt lưng một chiến sĩ (có lẽ là Hiển) xì khói, tóe lửa. Tôi vội quay lưng ra hô: Thủ pháo nổ. Rồi không biết gì nữa…

18-8-1968:

Đường hành quân thật gian lao, vất vả. Trời cứ liên tục đổ mưa. Những cơn mưa đầu mùa cứ xối xả không ngớt, nước trên đường chảy xiết như dòng suối, ánh chớp xen lẫn tiếng sấm và tiếng ì ầm của pháo địch như thúc giục chúng tôi hành quân tới đích…, thỉnh thoảng từng chùm pháo sáng hoảng hốt của địch lại vút lên sáng rực, là điều kiện tốt để chúng tôi tranh thủ đi nhanh, vì trời rất tối, không nhìn thấy nhau. Có người nói: Ta gặp may vì địch bắn pháo sáng để dẫn đường vào đánh nó đấy.

 Đại tá Nguyễn Văn Khuynh tặng sách Thành Đô - ảnh Thành Đô.

Đại tá Nguyễn Văn Khuynh tặng sách Thành Đô - ảnh Thành Đô.

Cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam bùng nổ với một sức mạnh phi thường, cuốn băng như cơn gió lốc, đập vào đầu quân viễn chinh sừng sỏ của đế quốc Mỹ, làm cả thầy tớ Mỹ, ngụy hết sức kinh hoàng, bất ngờ, choáng váng. Chúng co lại phòng thủ với chiến lược: quét và giữ.

Chúng tôi được lệnh tổng công kích đợt 3, đánh vào căn cứ biệt kích của ngụy ở Kà Tum (Tây Ninh). Tôi cùng một số đồng đội chiếm căn cứ đến sáng, không thấy quân chi viện như hiệp đồng chiến đấu nên phải rút ra ngoài. Trận này, đơn vị thương vong gần hết. Tôi bị mảnh đạn M79 vào gối trái, đùi phải, điều trị tại đơn vị…

... Tim tôi đập thình thịch, hồi hộp chờ đợi nổ súng. Tôi thấy địch đi đốc gác và nói với nhau: Ông gác vậy thì chết mẹ. Ai cho ông ngủ? Coi chừng Việt Cộng nó vào lấy họng đêm nay đấy!

Tên đốc gác đi khỏi. Tên lính gác làu nhàu cãi lại nghe không rõ tiếng. Tôi nghĩ thầm, chắc chúng nói mò thôi, nhưng chút nữa sẽ bị lấy họng thật…

Bỗng trên vọng gác hướng mũi đồng chí Huỳnh Cừu (*) bên trái có tiếng thét thất thanh: Ai?... Việt Cộng!… Việt Cộng!… Tiếp theo là một loạt đạn liên thanh, rồi một tiếng nổ của B40 long trời, phá tan bầu không khí nặng trịch.

12-5-1969:

Đã 22 giờ đêm mà mưa vẫn càng ngày càng to. Những hạt mưa đầu mùa của vùng nhiệt đới chính cống này cứ ào ào đổ xuống làm cho đất đỏ lô cao su sình lên. Mưa bụi lẫn bùn đất bốc thành những lùm khói, tỏa mùi khét lẹt, làm mờ dần những bóng điện dày đặc trong căn cứ địch...

Trời càng về khuya, địch càng tăng cường canh phòng vì chúng có kinh nghiệm quân ta thường tấn công vào nửa đêm, nhưng đêm nào cũng làm như vậy trở nên nhàm, sinh ra chủ quan, thậm chí, khi cắt rào bị vướng mìn sáng, hoặc anh em sơ ý phát ra tiếng động, địch cũng chỉ bắn vu vơ, có thể chúng cho là thú rừng đi ăn đêm...

Có tin của cơ sở báo về, cả ngày 12-5-1969, vẫn thấy bộ đội giải phóng chiếm giữ một số vị trí trong căn cứ và quần nhau với địch đến tối, như vậy là anh Tuyển hoàn thành nhiệm vụ nhưng bị địch khóa chặt cửa mở, không ra được.

6-6-1969:

D5 đặc công của tôi lại được lệnh tập kích lớn, đánh bồi vào Téch-ních. Khoảng 22 giờ tại hàng rào thứ nhất, tôi được công bố kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam theo thủ tục kết nạp Đảng tại mặt trận. Lễ kết nạp diễn ra mau lẹ, tất cả đều nằm sát mặt đất, phía trước là lính Mỹ gác…

4-1970:

Chúng tôi nhận được nhiệm vụ đặc biệt lật cánh sang Cam-pu-chia làm nhiệm vụ quốc tế đánh Lon Non, vì trước đó ngày 17-3-1970 diễn ra cuộc đảo chính lật đổ vương triều Xi-ha-núc.

1-1971:

Đang củng cố đội hình sau chiến dịch, chuẩn bị đón xuân trên đất bạn thì trên đột xuất điều động đại đội tôi vượt biên giới qua kênh Vĩnh Tế, quay trở về vùng Bảy Núi (An Giang) làm nhiệm vụ cáng thương binh nặng sang đất bạn… Đêm giao thừa Tết Tân Hợi (năm 1971), chúng tôi được ăn no muỗi và đỉa, nằm bên bờ kênh Vĩnh Tế đón giao thừa.

Sau nhiều năm xông pha trận mạc, mặc dù luôn nhớ gia đình, nhớ bố, mẹ nhưng đây là lần đầu tôi bỗng nhớ gia đình da diết. Bố, mẹ và các em đang đón giao thừa ngoài Bắc. Tôi đã khóc sụt sịt như một đứa trẻ vì tủi thân. Chợt nhớ ra mình đang là Chính trị viên đại đội nên tôi vội chùi nước mắt, coi như không có chuyện gì xảy ra.

13-7-1971:

Trung đoàn 3 sử dụng Tiểu đoàn 5 đặc công của chúng tôi gồm 3 đại đội, C46, C47, C75 có các loại hỏa lực phối hợp bất ngờ tập kích đánh chiếm căn cứ hậu cần của địch tại Ki-ma-ni thuộc tỉnh Công-pông-chsư-pư. Tôi chỉ huy một mũi đánh chính diện, diệt được một số địch bảo vệ phía ngoài, đang tiến vào đánh dứt điểm khu trung tâm thì bị địch bắn trúng một viên đạn súng trường vào vai trái. Sau khi liên lạc của tôi băng bó sơ bộ, tôi cảm thấy cánh tay hầu như không còn khả năng vận động nên buộc phải quay ra trạm phẫu thuật giữa lúc đơn vị đã chiếm được toàn bộ căn cứ này...

6-12-1971:

Đại đội tôi cùng Tiểu đoàn được lệnh vây ép căn cứ Bát-đăng, cách Thủ đô Phnôm Pênh chừng 30km. Đêm đầu, chúng tôi bò sát hàng rào, cắt rào và đặt mìn phá rào (mìn ĐH 10), sau đó suốt đêm bí mật đào công sự, cách hàng rào chừng 100m, điều súng ĐKZ, 12,7mm. Đến 4 giờ sáng, đội hình rút ra ngoài chừng 500m, chỉ còn tôi và bộ phận hỏa lực ở lại, chờ ta pháo kích bằng cối 120mm, ĐKB. Như vậy, tôi nằm trong tầm pháo của ta, tầm đạn của địch, phải chuẩn bị tinh thần đội pháo lớn của ta cùng đạn của địch…

CHIẾN THẮNG TRỞ VỀ

Ngày 7-2-1975, Nguyễn Văn Khuynh ra Bắc điều trị và nhận nhiệm vụ mới. Những năm tháng chiến đấu ác liệt đã để lại trên thân thể ông nhiều thương tật, những mảnh đạn vẫn còn trong người ông mà chưa lấy ra được. Ngày 3-3 năm đó, ông về đến Đoàn 235, Quân khu Việt Bắc (đóng ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phú, nay là tỉnh Vĩnh Phúc), được khám chữa bệnh và thông báo thuộc đối tượng sẵn sàng trở lại chiến trường. Sau đó là sự kiện 30-4-1975, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.

Đại tá Nguyễn Văn Khuynh cho biết: “Khi nhận được tin chiến thắng, khác hẳn với niềm vui của mọi người, những người lính chiến chúng tôi lặng nhìn nhau không tránh khỏi xúc động, bàng hoàng. Lúc đó, cảm xúc mãnh liệt của tôi là nhớ đến những đồng đội không bao giờ trở về. Bữa cơm trưa hôm 30-4-1975, vì quá xúc động với tin chiến thắng, tôi và mọi người không ai có thể ăn cơm được”.

(Trích nhật ký của Đại tá Nguyễn Văn Khuynh)

Trái tim người lính

Hà Thiện Hùng (thực hiện)/Thành Đô (tổng hợp)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-ve-nguoi-linh-dac-cong-co-gioi-a20341.html