Cơ chế CCP và bài toán nâng hạng thị trường chứng khoán

Các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam bước đầu được các nhà đầu tư nước ngoài đón nhận và đánh giá tích cực. Thế nhưng, để thực hiện mục tiêu này một cách toàn diện, vẫn cần có cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP).

Non-prefunding - cơn đau đầu lâu năm

Bà Tạ Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết, yêu cầu ký quỹ trước giao dịch là vướng mắc được tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russells đánh giá là trọng yếu, cần tháo gỡ trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Cơ chế CCP được kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam giải quyết triệt để vấn đề pre-funding. Ảnh minh họa: Dũng Minh.

Cơ chế CCP được kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam giải quyết triệt để vấn đề pre-funding. Ảnh minh họa: Dũng Minh.

Theo đó, Thông tư số 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính, với một số quy định, đã góp phần giải quyết điểm nghẽn là cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua cổ phiếu mà không cần có tiền trong tài khoản tại thời điểm đặt lệnh mua (Non-prefunding).

Những ngày đầu triển khai, tỷ lệ các nhà đầu tư nước ngoài đặt lệnh Non-prefunding đã chiếm đến 60%, theo thống kê của một ngân hàng lưu ký. Ngoài ra, không ít nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã chuyển tiền vào tài khoản từ cuối ngày T+1 thay vì chờ đợi tới hạn chót thanh toán là ngày T+2, theo quy định tại Thông tư 68/2024.

Những nỗ lực vừa nêu của cơ quan quản lý và các thành viên thị trường đã được đoàn công tác của tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russells đánh giá cao tại buổi làm việc chiều 4-11.

“60% là một tỷ lệ lớn và các nhà đầu tư ngoại vẫn đang tiếp tục trải nghiệm sản phẩm mới này. Vẫn còn quá sớm để khẳng định điều gì, nhưng về cơ bản, cơ chế Non-prefunding được đánh giá an toàn, trôi chảy, không có bất cứ rủi ro nào xảy ra”, bà Bình nói.

Tích cực là vậy nhưng tại một sự kiện diễn ra gần đây, bà Bình cũng thừa nhận, cơ chế CCP mới là yếu tố căn cơ để giải quyết vấn đề nâng hạng. Vấn đề này đã được đưa ra năm 2021, đến khi sửa đổi Luật Chứng khoán lần này, VSDC đã đề xuất thành lập công ty con để triển khai CCP.

“Thời điểm này cần giải quyết vấn đề kỹ thuật, sau đó sẽ giải quyết những vấn đề căn cơ hơn. Nâng hạng hay không thì chúng ta vẫn đảm bảo việc giao dịch và thanh toán theo đúng thông lệ và cách thức như các thị trường của thế giới họ thực hiện”, bà Bình cho biết.

Thông tin thêm, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá, Thông tư 68/2024 là “đúng nhưng chưa đủ”, vì quy định cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài giao dịch không cần ký quỹ, chỉ áp dụng tại một số công ty chứng khoán thuộc nhóm dẫn đầu. Điều này sẽ không phù hợp, khi thị trường tài chính phát triển đến mức cao, tức các giao dịch diễn ra liên tục mỗi ngày với tần suất lớn.

“Trước đây, không cần CCP nhiều vì không có những sản phẩm tài chính mang tính chất mới, có khối lượng giao dịch khổng lồ, như phái sinh. Thế nhưng, khi TTCK được nâng hạng thì tần suất giao dịch càng lớn, việc không có CCP ở giữa khiến việc thanh toán bù trừ gặp khó khăn”, ông Sơn giải thích.

Cũng theo ông Sơn, cơ chế CCP giữ vai trò đơn vị trung gian - là người mua của tất cả người bán và người bán của tất cả người mua, thay vì để người bán và mua gặp nhau trực tiếp trên sàn giao dịch. Với cơ chế này, thành viên bù trừ là công ty chứng khoán, ngân hàng có trách nhiệm xác nhận mức lưu ký của người mua và người bán trước khi giao dịch. Đồng thời, bảo lãnh cho các giao dịch không cần ký quỹ 100% của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

“CCP rút ngắn yếu tố cản trở nâng hạng là cho NĐTNN đủ cơ sở pháp lý để giao dịch giao dịch T+2 không cần ký quỹ trước”, ông Sơn nhấn mạnh.

Những việc cần làm sớm

Thực tế, TTCK Việt Nam hiện áp dụng cơ chế giao dịch thanh toán T+2, tức đưa tiền mua cổ phiếu vào thứ Hai và nhận cổ phiếu về tài khoản vào thứ Tư. Tuy nhiên, nhiều NĐTNN yêu cầu thực hiện theo thông lệ quốc tế là “tiền trao cháo múc”.

Theo nhiều chuyên gia, bối cảnh này đòi hỏi Việt Nam phải áp dụng mô hình thanh toán, với sự có mặt của các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước, công ty chứng khoán, đơn vị lưu ký để đảm bảo tiền của NĐT được chuẩn bị sẵn, sau giao dịch và khi hàng về, các nghĩa vụ mua bán đều được đảm bảo cho các bên.

Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tăng hơn 3% cũng là yếu tố tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán, thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng trở lại. Ảnh: Lê Vũ

Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tăng hơn 3% cũng là yếu tố tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán, thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng trở lại. Ảnh: Lê Vũ

Từ góc nhìn thành viên thị trường, ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc khối, phụ trách luật và kiểm soát tuân thủ của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, việc triển khai mô hình CCP sẽ mất thêm một khoảng thời gian, do phải điều chỉnh nhiều quy định có liên quan, gồm các quy định điều chỉnh hoạt động của ngân hàng lưu ký.

Trong thời gian chờ đợi, các công ty chứng khoán cần bổ sung nguồn lực về vốn vì trong mô hình CCP hay dịch vụ hỗ trợ thanh toán (Non-Prefunding Solution - NPS), trách nhiệm thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư đều thuộc về công ty chứng khoán. Do đó, các đơn vi phải chuẩn bị nguồn lực lớn về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán.

“Tại Việt Nam, đa số các công ty chứng khoán đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 và 2025, là bước chuẩn bị cho ‘cuộc chơi lớn’ này”, ông Hải nói.

Ngoài ra, hệ thống quản trị rủi ro của các đơn vị phải được nâng cấp để hạn chế rủi ro thanh toán và rủi ro hoạt động, nhất là khi triển khai giải pháp NPS, hoặc sản phẩm day trading, short sell được vận hành. Hơn nữa, các đơn vị cũng cần nâng cấp hệ thống, để kết nối trực tuyến với nhà đầu tư nước ngoài, qua đó nâng cao năng lực thực thi lệnh.

Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung để làm rõ hơn nội dung quy định của luật hiện hành theo hướng cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia cơ chế CPP, với vai trò bù trừ trên TTCK cơ sở là cần thiết. Theo đó, Bộ Tài chính và NHNN cần phối hợp chặt chẽ, sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế vận hành phù hợp trong quá trình các ngân hàng này tham gia cơ chế CCP.

"Khi làm thành viên bù trừ của cơ chế đối tác bù trừ trung tâm, các ngân hàng vẫn phải đáp ứng đầy đủ các quy định của NHNN”, đại biểu Hiển lưu ý.

Bên cạnh những vấn đề trên, nhiều chuyên gia và đại diện một số đơn vị thành viên thị trường cho rằng, trong bối cảnh Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) giữ vai trò trung tâm, thay mặt các bên thực hiện việc thanh toán thì các bên cần thảo luận, thống nhất rằng “quỹ thanh toán cần có là bao nhiêu tiền, để đảm bảo trong trường hợp một thành viên thị trường bị thất bại trong việc thanh toán thì quỹ sẽ đủ để đáp ứng việc thanh toán?”.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/co-che-ccp-va-bai-toan-nang-hang-thi-truong-chung-khoan/