Có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lạm dụng làm thất thoát tài sản nhà nước

Chiều 29.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Mở rộng phạm vi quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản nhất trí với việc xây dựng dự án Luật nhằm quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, qua đó khẩn trương tháo gỡ, sửa đổi các vướng mắc về quy định pháp lý gây cản trở hoạt động, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

 Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Để bảo đảm chất lượng dự án Luật, ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đề nghị rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp có vốn nhà nước; nghiên cứu kế thừa, phát huy được các nội dung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13 ngày 26.11.2014) còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp có vốn nhà nước; xử lý các khó khăn vướng mắc, các vấn đề phát sinh liên quan đến đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

 Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về đối tượng và phạm vi áp dụng, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nêu rõ, dự thảo Luật áp dụng cho các đối tượng có vốn nhà nước nắm giữ trên 50%, không quy định đối với các doanh nghiệp sở hữu vốn nhà nước dưới 50%? “Ví dụ, 1 công ty cổ phần có phần vốn nhà nước chiếm 49%, số còn lại chia cho 5 cổ đông lớn khác, mỗi người sở hữu chưa đến 10% cổ phần, như vậy vốn nhà nước sẽ chiếm ưu thế, nếu không quy định sẽ không rõ ai sẽ chịu trách nhiệm quản lý, thi hành, theo dõi? Phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp này sẽ được quản lý, sử dụng như thế nào? Phần lợi nhuận thu được từ đầu tư vốn sẽ được xử lý ra sao hay có chế tài thế nào để xử lý vi phạm…?”, đại biểu đặt vấn đề.

Do vậy, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị cần phải mở rộng phạm vi quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước, và quy định về nguyên tắc quản lý dòng tiền của nhà nước là “dòng tiền Nhà nước đi tới đâu, Nhà nước theo dõi và quản lý tới đó, và chỉ quản lý dựa theo tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần” để bảo đảm được nguyên tắc quản trị tài chính.

 Đại biểu Quốc hội Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) chỉ rõ, trong dự thảo Luật chưa quy định loại hình doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 50% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước đầu tư dưới 50% vốn điều lệ vào phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

Theo đại biểu Triệu Quang Huy, tại Báo cáo của Bộ Tài chính về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ thì đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống được thực hiện theo quy định về pháp luật doanh nghiệp chung và theo hướng chuyển về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý. Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng chưa đề cập đến vai trò của SCIC.

Cho rằng, khi ban hành luật thì cần phải bao quát đầy đủ các trường hợp, bảo đảm nguyên tắc ở đâu có vốn nhà nước thì ở đó phải có sự quản lý của nhà nước với các biện pháp và mức độ phù hợp, đại biểu Triệu Quang Huy đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung đối tượng này vào phạm vi điều chỉnh.

Cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp

Quan tâm đến việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư tại Điều 37, đại biểu Đoàn Thị Lê An nêu rõ, dự thảo Luật quy định về hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, trong đó bao gồm việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách giữa doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư với doanh nghiệp không có vốn nhà nước đầu tư.

Tuy nhiên, khoản 6 Điều 37 mới quy định về trình tự, thủ tục chia, tách doanh nghiệp mà chưa có quy định về trình tự, thủ tục hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp. Do đó, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị nghiên cứu bổ sung để bảo đảm bao quát, đầy đủ.

 Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đối với việc giải thể doanh nghiệp tại Điều 38, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho biết, Luật Doanh nghiệp 2020 có 1 chương về doanh nghiệp nhà nước, theo đó, các vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy phạm pháp luật là phải theo Luật Doanh nghiệp, bao gồm các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp, trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp, hồ sơ giải thể doanh nghiệp và các vấn đề khác liên quan đến giải thể doanh nghiệp.

So với Luật doanh nghiệp 2020, dự thảo Luật bổ sung một số nội dung liên quan đến trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp. “Vậy khi nào thì áp dụng giải thể theo Luật Quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khi nào thì áp dụng theo Luật Doanh nghiệp, cần làm rõ trong điều khoản về hiệu lực thi hành”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị.

Một số ý kiến cũng đề nghị rà soát quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp tại Điều 12 dự thảo Luật để không chồng chéo giữa quyền và nhiệm vụ của doanh nghiệp với quyền và nhiệm vụ của người đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp. Đồng thời, phải phù hợp với quy định tại Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp; bảo đảm sự cân đối giữa các thành viên điều hành và thành viên không điều hành.

Cùng nhấn mạnh Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là dự luật quan trọng, có tác động đến nguồn vốn đầu tư rất lớn của nhà nước trong toàn bộ nền kinh tế, các ĐBQH đề nghị, cần phải rà soát kỹ lưỡng, các quy định trong dự thảo Luật phải chặt chẽ, một mặt Nhà nước kiểm soát được vốn của mình, tránh thất thoát, mang lại hiệu quả kinh tế; mặt khác, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu nhất trí sự sửa đổi, ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để khắc phục bất cập của Luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, bảo đảm nguyên tắc Nhà nước là chủ sở hữu vốn, đầu tư vốn nhưng không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tạo chủ động, phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước cùng với việc có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lạm dụng làm thất thoát tài sản nhà nước, gắn trách nhiệm của đơn vị, người đại diện vốn nhà nước. Tăng cường tính công khai, minh bạch về thực trạng tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước để bảo đảm việc kiểm tra, giám sát, kiểm toán của Nhà nước và của nhân dân đối với vốn của nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến thảo luận về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, trong đó bổ sung hoặc loại bỏ một số từ ngữ, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, nội dung quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn. Quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn của nhà nước, tăng cường tính công khai, minh bạch và cơ chế để sử dụng quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, nguyên tắc đầu tư của doanh nghiệp, sắp xếp, cơ cấu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và đánh giá, xếp loại doanh nghiệp. Quan tâm đến quyền lợi của cổ đông khi giải thể doanh nghiệp nhà nước và lưu ý loại hình doanh nghiệp về quốc phòng, an ninh.

Các đại biểu tham gia nhiều ý kiến quan trọng vào điều, khoản cụ thể trong dự thảo Luật. “Đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo chất lượng cao nhất, trên cơ sở thực sự nghiêm túc, cầu thị như Bộ trưởng đã hứa”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu của Quốc hội để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định khi đủ điều kiện.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/co-co-che-quan-ly-chat-che-tranh-lam-dung-lam-that-thoat-tai-san-nha-nuoc-post397846.html