Cô gái 19 tuổi không qua khỏi do sốt xuất huyết diễn tiến nặng
Người bệnh có biểu hiện sốt, mệt mỏi kéo dài và được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng. Dù được chuyển tuyến điều trị, bệnh vẫn tiếp tục diễn tiến nhanh.

Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Freepik.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk cho biết địa phương vừa ghi nhận một trường hợp không qua khỏi do biến chứng nặng của sốt xuất huyết.
Người bệnh là H.O.Q.N. (nữ, 19 tuổi), quê ở xã Nâm Nung, tỉnh Lâm Đồng, tạm trú tại phường Buôn Ma Thuột. Theo thông tin từ người nhà, từ ngày 21/6 đến 3/7, bệnh nhân sinh hoạt tại phường Buôn Ma Thuột. Sau đó, cô về lại Nâm Nung từ 3/7 đến 6/7, rồi quay trở lại Buôn Ma Thuột. Sáng 7/7, bệnh nhân bắt đầu sốt, đau đầu, mệt mỏi và tự mua thuốc uống nhưng không cải thiện.
3 ngày sau, bệnh nhân quay về nhà ở xã Nâm Nung, được đưa đến khám tại Trung tâm Y tế Krông Nô. Các bác sĩ chẩn đoán cô bị viêm họng, sốt chưa rõ nguyên nhân.
Đến tối 11/7, khi xuất hiện triệu chứng đau bụng dữ dội, bệnh nhân đến khám tại một phòng khám tư nhân. Sáng hôm sau, tình trạng trở nặng, người bệnh được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue ngày 6, tái sốc, tổn thương gan cấp, giảm tiểu cầu nặng, nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa.
Ngày 13/7, gia đình xin chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày 7, suy đa tạng, tổn thương thận cấp, suy gan cấp, viêm cơ tim, rối loạn đông máu, tràn dịch đa màng, nghi sốc nhiễm trùng. Một ngày sau, gia đình xin cho người bệnh xuất viện. Trên đường về quê, bệnh nhân đã không qua khỏi. Đây là trường hợp không qua khỏi đầu tiên do sốt xuất huyết tại địa phương này trong năm nay.
Tính đến hiện tại, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận hơn 1.600 ca mắc sốt xuất huyết, tập trung tại các địa phương như phường Buôn Ma Thuột, phường Tuy Hòa, các xã Krông Pắc, Cư M'gar, Buôn Đôn, Tuy An...
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, lây truyền từ người sang người thông qua muỗi vằn. Bệnh thường bùng phát mạnh vào mùa mưa, đặc biệt tại các khu vực nhiệt đới như Việt Nam.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân không chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, gồm
Diệt lăng quăng: Tìm và loại bỏ các vật chứa nước nơi muỗi có thể đẻ trứng. Đậy kín xô, thùng, hồ chứa nước; thay nước bình hoa, chậu cây; thả cá bảy màu vào bể cảnh, non bộ để ăn lăng quăng. Với các vật chứa nước không sử dụng, cần đổ bỏ hoặc che chắn, tránh đọng nước.
Diệt muỗi và phòng muỗi chích: Ngủ mùng, dùng bình xịt, hương, kem xua muỗi hoặc vợt điện bắt muỗi.
Khi bị sốt: Đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn, không tự ý điều trị tại nhà.