Có giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển công nghiệp công nghệ số
Cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số, tuy nhiên, thảo luận tại tổ về dự án Luật này, các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần có giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn nhân lực, hạ tầng cho phát triển công nghiệp công nghệ số. Đồng thời, hoạt động phát triển trí tuệ nhân tạo cần được quản lý chặt chẽ và tinh thần là 'mức độ rủi ro đến đâu sẽ có mức độ quản lý cao đến đó'.
ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang):
Quản lý chặt với trí tuệ nhân tạo - rủi ro lớn đến đâu, quản lý cao đến đấy
Tôi đánh giá cao việc dự thảo Luật đã dành mục 3 để điều chỉnh với tài sản số - một loại hình tài sản rất mới ở nước ta cũng như, đưa ra quy định khung về quản lý tài sản số, còn lại giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, quản lý tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số hóa tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn.
Dự thảo Luật đã đưa ra quy định rất hợp lý, chúng ta không thể thấy "khó mà cấm". Trên cơ sở quy định tại Luật này, Chính phủ mới có thể xây dựng văn bản quy định chi tiết điều chỉnh với các hoạt động giao dịch tiền ảo, tài sản ảo trên không gian mạng.
Về trí tuệ nhân tạo, dù không có chính sách khuyến khích phát triển, nhưng mạng facebook và nhiều mạng xã hội khác đã phát triển như vũ bão trong thời gian qua, vì tạo ra giao lưu thực tế. Trí tuệ nhân tạo cũng sẽ như vậy. Trong bối cảnh này, tôi tán thành với việc dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng đưa ra quy định để quản lý, không đưa ra quy định thúc đẩy trí tuệ nhân tạo phát triển.
Trên thế giới hiện cũng đang có 2 cách tiếp cận với trí tuệ nhân tạo, đó là cách tiếp cận theo hướng quản lý rủi ro và dựa trên quyền của nhà quản lý. Ban soạn thảo đang thiết kế quy định về trí tuệ nhân tạo theo hướng quản lý rủi ro, mức độ rủi ro lớn đến đâu sẽ quản lý cao đến đấy, tương tự như cách thức thiết kế quy định về nội dung này của Liên minh châu Âu. Cùng với đó, Ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định về khung đạo đức trong sử dụng, ứng xử với trí tuệ nhân tạo. Bởi, trí tuệ nhân tạo có thể giúp kích cầu, thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng nếu rơi vào tay của người có dụng ý xấu sẽ vô cùng nguy hiểm. Do đó, hoạt động phát triển trí tuệ nhân tạo cần được quản lý chặt, mức độ rủi ro đến đâu sẽ có mức độ quản lý cao đến đấy.
Về công nghiệp bán dẫn, do xác định rõ công nghiệp bán dẫn là một hoạt động quan trọng trong công nghiệp công nghệ số, dự thảo Luật đưa ra các quy định về nguyên tắc, phân loại hoạt động, cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên hơn cho phát triển công nghiệp bán dẫn.
Để hoàn thiện quy định về nội dung này, tôi đề nghị, Ban soạn thảo cần tiến hành rà soát các quy định liên quan tại dự thảo Luật để tránh trùng lặp với quy định tại Luật Công nghệ cao. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên cho công nghiệp bán dẫn thực sự là những điểm nhấn chính sách, có cơ chế ưu đãi thật mạnh. Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu lựa chọn được đúng giai đoạn, phân đoạn nào trong sản xuất chip bán dẫn để tập trung thực hiện ở nước ta. Bởi, việc nghiên cứu chế tạo, sản xuất chip bán dẫn vô cùng phức tạp, trình độ của Việt Nam hiện chưa thể đáp ứng được tất cả các công đoạn.
Đồng thời, khi thu hút doanh nghiệp nước ngoài vào công nghiệp bán dẫn, để tránh lặp lại bài học từ công nghiệp ô tô, cần cân nhắc đưa vào dự thảo Luật quy định về thời gian chuyển giao, tiếp nhận công nghệ sản xuất; tỷ lệ nội địa hóa trong mỗi sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam… Nếu không luật định những yêu cầu này chúng ta có nguy cơ chỉ là nơi lắp ráp thủ công, đâu lại về đấy, sẽ lãng phí cơ hội phát triển.
ĐBQH Vũ Hải Quân (TP. Hồ Chí Minh):
Đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ số
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ thay thế các nội dung về công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn phát triển. Do đó, cần rà soát, tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Công nghệ thông tin về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. Cần đánh giá trong 20 - 30 năm qua, công nghiệp công nghệ thông tin của chúng ta đã đạt được những cái kết quả gì, đâu là những tồn tại, hạn chế, khó khăn, đâu là những rào cản và đối chiếu vào Luật Công nghệ thông tin để rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác lập pháp, hoạch định chính sách? Cần có cách tiếp cận xuất phát từ thực tiễn để xây dựng dự thảo Luật có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và quan trọng nhất là phải đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ số đang đặt ra.
Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng và đây cũng là điểm nghẽn lớn trong phát triển công nghiệp công nghệ số. Mới đây, Google phải bỏ ra 2,7 tỷ USD để chiêu mộ lại một nhân tài từng gắn bó với Google nhưng sau đó tách ra thành lập công ty khởi nghiệp riêng, để về làm quản lý cho tập đoàn công nghệ này. Rõ ràng, giao dịch này cho thấy, nhân tài là tài sản có giá trị rất lớn trong lĩnh vực công nghệ số.
Dự thảo Luật cần tập trung giải quyết được điểm nghẽn về đào tạo, phát triển và trọng dụng nhân tài bằng những cơ chế, chính sách mang tính đột phá. Thế nhưng, đọc dự thảo Luật, tôi thấy các quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này còn hết sức chung chung, chưa có một chính sách nào cụ thể, có tính chất tạo hành lang pháp lý để tạo sự đột phá. Cần xem chính sách trọng dụng nhân tài, tài năng trong lĩnh vực công nghệ số là một trong những giải pháp “chìa khóa” để thực hiện thành công mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ số.
Điểm nghẽn thứ hai trong phát triển công nghiệp số là về hạ tầng. Bây giờ, ở các trường đại học, để đầu tư ban đầu cho hạ tầng cho công nghệ số như máy chủ, các siêu máy tính… nhằm phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, thực hành thì tương đối dễ, nhưng chi phí để vận hành, bảo trì, cập nhật hệ thống đó theo thời gian là rất lớn, trong khi chi phí đó rất khó để đưa vào chi thường xuyên. Kết quả là đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cho công nghệ số thì dễ nhưng cuối cùng sau này cơ sở vật chất lại “đắp chiếu” để không, rất lãng phí.
Tương tự như vậy, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm cho phát triển công nghệ số ban đầu thì rất dễ nhưng kinh phí để duy trì, cập nhật, phát triển phần mềm, cơ sở dữ liệu thường xuyên lại không có. Do đó, rất mong dự thảo Luật sẽ có giải pháp để phát triển hạ tầng đồng bộ cho phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.
ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị):
Các sản phẩm công nghệ số được tạo ra bởi AI phải được dán nhãn
Điều 66 dự thảo Luật quy định đối với sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI). Theo tôi, tại khoản 1 điều này cần quy định rõ ràng hơn, cụ thể các sản phẩm công nghệ số được tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo phải được dán nhãn, sau đó mới giao Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về dán nhãn thì sẽ phù hợp hơn.
Bởi, trong tương lai gần, trí tuệ nhân tạo sẽ tham gia và hỗ trợ sâu rộng vào quy trình sản xuất các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm công nghệ số. Nếu không quy định cụ thể, việc thực hiện yêu cầu dán nhãn sẽ gặp nhiều khó khăn, do số lượng sản phẩm rất lớn, phát triển với tốc độ chóng mặt và khó xác định rõ loại sản phẩm nào cần dán nhãn.
Đối với Điều 14 quy định về tài sản số, khoản 2 quy định tài sản mã hóa là một loại tài sản số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bằng công nghệ chuỗi khối, công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ số khác tương tự. Theo tôi, hiện nay tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận là tài sản số. Nếu giữ nguyên quy định tại khoản 2 Điều 14, thì dự thảo Luật sẽ gián tiếp công nhận tiền mã hóa là tài sản mã hóa. Điều này dẫn đến yêu cầu điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan để thống nhất. Trong khi đó, tác dụng của tiền mã hóa chưa rõ ràng, và có nhiều loại tiền mã hóa trên thị trường đang mong muốn được pháp luật Việt Nam công nhận như: Bitcoin, Ethereum...
Do đó, tôi đề nghị sửa đổi khoản 2, Điều 14 theo hướng: Tài sản mã hóa là một loại tài sản số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bằng công nghệ chuỗi khối, công nghệ sổ cái phân tán hoặc các công nghệ số tương tự, nhưng không bao gồm các loại tiền mã hóa không do cơ quan nhà nước phát hành.
Một số ý kiến lo ngại rằng việc công nhận tiền mã hóa như tài sản số có thể dẫn đến các vấn đề phức tạp như rửa tiền, tài trợ cho các mục đích xấu, lừa đảo kinh doanh tiền mã hóa, và gây khó khăn cho công tác quản lý.
Ngoài ra, đầu tư vào tiền mã hóa có thể dẫn đến lãng phí tài sản quốc gia, khi dòng tiền trong nước bị hút vào thị trường tiền mã hóa. Việc sản xuất và khai thác tiền mã hóa trong nước còn tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu NET-ZERO của quốc gia. Vì vậy, cần nghiên cứu quy định theo hướng cho phép phát hành tiền mã hóa chỉ khi được công nhận là tài sản mã hóa hoặc là phương tiện thanh toán do cơ quan nhà nước phát hành (ví dụ như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).