Cô giáo làm phim hoạt hình, sáng tạo phần mềm hỗ trợ học sinh khó hòa nhập

Trong ngày xét duyệt thứ hai Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm nay, 30 nhà giáo đã trình bày những sáng kiến trong phương pháp truyền thụ kiến thức và ươm mầm lối sống tốt đẹp ở học sinh tiểu học - lứa tuổi bắt đầu chuyển từ tư duy trực quan sang tư duy trừu tượng.

Cuốn học sinh vào bài giảng với phần mềm công nghệ

Nhàm chán với những bài giảng giấy trắng, bảng đen đơn điệu trên lớp, nhiều nhà giáo khối tiểu học đã thay đổi phương pháp giảng dạy bằng những sáng kiến công nghệ nhằm cuốn hút, hấp dẫn học sinh. Trong đó, sáng kiến độc đáo của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa (Trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba, quận Ba Đình) đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ Hội đồng xét duyệt và các đồng nghiệp.

Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 3.

Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 3.

Cụ thể, cô Hoa đã tự tay làm những đoạn phim hoạt hình ngắn để cuốn hút học sinh vào giờ học. Trong những đoạn phim ấy, cô Hoa xây dựng 2 nhân vật hoạt hình là anh Bong Bóng và bạn Ếch Cốm như hai người bạn đồng hành cùng các học sinh khám phá các kiến thức địa lý và ngôn ngữ.

Để hoàn thành những đoạn phim hoạt hình này, cô Hoa đã tự tìm tòi, học hỏi cách sử dụng các phần mềm làm phim. Cùng với sự giúp đỡ của đồng nghiệp và chính các em học sinh, cô Hoa cũng có thêm tư liệu để thu âm, lồng tiếng cho các nhân vật hoạt hình thật sinh động. Những đoạn phim hoạt hình ngắn của cô Hoa được học sinh háo hức đón nhận và đã giúp các em nắm bắt bài học rất nhanh và ghi nhớ rất lâu.

Ngoài ra, Hội đồng xét duyệt cũng ghi nhận tâm huyết của cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp (Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai) trong giáo dục trẻ em khó hòa nhập. Cô Diệp đã lựa chọn một con đường chông gai hơn nhiều đồng nghiệp khác - đó là chăm sóc, dạy dỗ trẻ em tự kỷ, trẻ mắc chứng tăng động, giảm tập trung.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp trình bày trước Hội đồng xét duyệt.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp trình bày trước Hội đồng xét duyệt.

Để làm được điều này, cô Diệp tự nghiên cứu và tạo ra phần mềm hỗ trợ cho trẻ khó hòa nhập. Đặc biệt, cô Diệp cũng hướng dẫn cho học sinh bình thường sử dụng phần mềm và nhờ các em hướng dẫn lại cho các bạn tự kỷ, tăng động trong lớp. Sự tận tâm của cô Diệp đã đạt được những thành quả đáng mừng khi các em hào hứng chia sẻ giúp đỡ nhau, tạo nên những lớp học hạnh phúc, không còn khoảng cách giữa học sinh đặc biệt và học sinh bình thường.

“Phải có sự nỗ lực và tâm huyết thực sự với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là công việc giảng dạy cho trẻ em khó hòa nhập mới có thể nghiên cứu và tạo nên một phần mềm độc đáo và nhân văn như vậy” - ông Nguyễn Ngọc Ân (Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Công đoàn Giáo dục Việt Nam, thành viên Hội đồng xét duyệt) đã bày tỏ cảm xúc đặc biệt đối với sáng tạo của cô Diệp.

Chú trọng phát triển kỹ năng và ươm mầm những tình cảm tốt đẹp cho học sinh

Bên cạnh việc chú trọng truyền thụ kiến thức, các nhà giáo khối Tiểu học còn hướng đến phát triển cho học sinh các kỹ năng sống, văn hóa đọc và ý thức trách nhiệm với môi trường thiên nhiên và mọi người xung quanh.

Cô giáo Nguyễn Thị Bình Minh (Trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm)

Cô giáo Nguyễn Thị Bình Minh (Trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm)

Mong muốn phát triển văn hóa đọc cho học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Bình Minh (Trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm) đã tổ chức Ngày hội “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay”. Đồng thời cô còn hiến kế và giúp đỡ cho nhiều trường trong thành phố và các trường vùng cao xây dựng, trang trí thư viện thân thiện và đáng yêu cho học sinh, để các em luôn được đọc sách mọi lúc, mọi nơi.

Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Phương Hoa (Trường Tiểu học Tây Sơn, quận Hai Bà Trưng) lại có những sáng kiến giúp học sinh có ý thức bảo vệ môi trường một cách thiết thực nhất như tổ chức lễ phát động “Học sinh Thủ đô chung tay bảo vệ tê giác” hay tạo ra Góc tái chế trưng bày những sản phẩm do học sinh làm ra; cô giáo Nguyễn Thị Trà My (Trường Tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân) đã xây dựng phong trào “Giỏ hoa em chăm, trường em thêm đẹp”.

Sau buổi xét duyệt khối Tiểu học, ông Đặng Bảo Linh (Chuyên gia Công nghệ giáo dục tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, thành viên Hội đồng xét duyệt) chia sẻ: Tôi vô cùng khâm phục tinh thần dám nghĩ dám làm của các cô giáo Tiểu học. Trong tình hình hiện nay, với số lượng lớp học quá đông và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nhiều trường còn yếu, các cô vẫn tự tìm tòi học hỏi, khắc phục khó khăn và tạo nên những thay đổi thực sự trong phương pháp giảng dạy. Tâm huyết và sáng tạo của các cô chắc chắn sẽ tạo nên những biến chuyển tích cực trong thái độ học tập và cảm nhận của học sinh.G

Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” do Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phối hợp với Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức nhằm động viên, khuyến khích và tôn vinh những nhà giáo Hà Nội tận tâm với nghề dạy học, mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy. Đặc biệt giải thưởng năm nay còn hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô.

P.V

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/co-giao-lam-phim-hoat-hinh-sang-tao-phan-mem-ho-tro-hoc-sinh-kho-hoa-nhap-96644.html