Có hay không chuyện lập hồ sơ khống để hưởng đền bù?

Lần theo đơn kiến nghị của một hộ dân, chúng tôi đã phát hiện những dấu hiệu bất thường trong công tác thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực trồng rừng sản xuất tại thôn Luổng Láo 2, xã Cốc San (thuộc huyện Bát Xát cũ, nay thuộc thành phố Lào Cai) để làm bãi thải khai trường 15B của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam.

1 trong 3 quyết định thanh toán tiền hỗ trợ bồi thường thiệt hại - giải phóng mặt bằng tại bãi thải khai trường 15B có dấu hiệu bất thường của Công ty Apatit.

1 trong 3 quyết định thanh toán tiền hỗ trợ bồi thường thiệt hại - giải phóng mặt bằng tại bãi thải khai trường 15B có dấu hiệu bất thường của Công ty Apatit.

Ngày 22/7/2018, 6 hộ, trong đó có bà Lương Thị Loan (thôn Luổng Láo 1, xã Cốc San), gửi đơn đề nghị đến Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (Công ty Apatit) liên quan đến việc đổ thải của khai trường 15B gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đất sản xuất và nhiều hộ dân mất nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên, sự việc cứ thế kéo dài và không được giải quyết dứt điểm, khiến gia đình bà Lương Thị Loan không thể “khoanh tay đứng nhìn”.

Ngày 15/10/2019, gia đình bà Loan tiếp tục có đơn kiến nghị gửi Sở Tài nguyên - Môi trường và một số cơ quan chức năng. Theo đơn kiến nghị của bà Loan, năm 1999, bố đẻ bà Loan là ông Lương Văn Lừu được UBND huyện Bát Xát cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00666 QSDĐ/134/1999/QĐ-UBND với diện tích 2,5 ha, sau đó ông Lừu đã cho bà Loan diện tích đất trên để canh tác trồng rừng sản xuất và canh tác hoa màu từ năm 2000 đến nay. Năm 2017, gia đình bà Loan phát hiện Công ty Apatit đã đổ thải, vùi lấp diện tích đất và cây trồng trên đất (gồm khoảng 4.000 cây mỡ có đường kính trung bình mỗi cây là 30 cm và 1.200 m2 cây trồng hằng năm) của gia đình. Sau đó, gia đình bà đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến UBND xã Cốc San, UBND huyện Bát Xát và Công ty Apatit nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Điều đáng nói, sau khi kiến nghị với Công ty Apatit, gia đình bà Loan vô cùng bất ngờ khi nhận được câu trả lời từ công ty là: Tại ví trí đất của gia đình bà Loan canh tác, Công ty Apatit đã quyết định thanh toán tiền hỗ trợ bồi thường thiệt hại - giải phóng mặt bằng cho 3 hộ: Hoàng Thị Hiền, Lê Thị Yến và Nguyễn Thị Phương trú tại tổ 16, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai theo các quyết định số 2322, 2322 và 2327 do ông Lương Văn Na, Phó Tổng Giám đốc Công ty Apatit tại thời điểm đó ký cùng ngày 29/12/2011.

Mang 3 quyết định thanh toán tiền hỗ trợ bồi thường thiệt hại - giải phóng mặt bằng cho 3 hộ dân trên để xác minh, chúng tôi nhận được câu trả lời từ lãnh đạo UBND phường Bắc Cường: Trên địa bàn phường Bắc Cường từ trước đến nay không có tổ 16 và các hộ dân như quyết định của Công ty Apatit.

Dành thêm thời gian xác minh, chúng tôi được biết bà Nguyễn Thị Phương, bà Lê Thị Yến từng là công dân thuộc tổ 17, phường Nam Cường, thành phố Lào Cai. Hiện bà Phương vẫn ở tổ 17, phường Nam Cường; bà Lê Thị Yến ở tổ 10, phường Nam Cường; riêng gia đình bà Hoàng Thị Hiền, chúng tôi chưa xác định được nơi ở.

Mặc dù quyết định của Công ty Apatit là đền bù cho 3 hộ dân trên nhưng trong các buổi làm việc giữa Công ty Apatit và gia đình bà Loan cùng các bên liên quan, 3 hộ dân có tên trong quyết định lại chưa từng có mặt, bên cạnh đó lại có sự xuất hiện của bà Nguyễn Thị Hòa, trú tại tổ 17, phường Nam Cường. Bà Hòa là người đứng ra nhận mua đất của gia đình ông Lương Văn Lừu (bố bà Loan) từ năm 2011 với số tiền 260 triệu đồng, sau đó nhờ người đứng tên nhận đền bù thiệt hại do Công ty Apatit chi trả.

Chúng tôi đã liên hệ và gặp trực tiếp bà Nguyễn Thị Hòa, tổ 17, phường Nam Cường, là người nhận đã mua đất của ông Lừu. Bà Hòa nhiều lần khẳng định việc mua đất của ông Lừu là có thật, tuy nhiên không giữ được giấy tờ viết tay và không có giấy tờ pháp lý về mảnh đất hiện đang tranh chấp. Sau khi mua đất của ông Lừu, bà Hòa đã nhờ bà Nguyễn Thị Phương (chị gái) và bà Hoàng Thị Hiền, bà Lê Thị Yến đứng tên hộ, đây là những hộ dân được nhận tiền đền bù thiệt hại tại bãi đổ thải khai trường 15B theo quyết định của Công ty Apatit. Điều đáng nói 3 bà (Phương, Yến, Hiền) cũng không có bất cứ giấy tờ pháp lý nào liên quan đến mảnh đất đã được hưởng đền bù. “Bây giờ mọi việc liên quan đến vụ việc do tôi đứng ra giải quyết, các hộ kia không liên quan” - bà Hòa khẳng định.

Mảnh đất trước đây gia đình bà Lương Thị Loan canh tác đã bị Công ty Apatit đổ thải gần hết nhưng gia đình chưa nhận được tiền đền bù thiệt hại.

Mảnh đất trước đây gia đình bà Lương Thị Loan canh tác đã bị Công ty Apatit đổ thải gần hết nhưng gia đình chưa nhận được tiền đền bù thiệt hại.

Bà Hòa cũng cho biết, khi Công ty Apatit chuẩn bị đền bù khu vực nào thì thông báo cho người dân ở khu vực đó đến họp hoặc trực tiếp nhận đất, thậm chí có những lúc không có cán bộ địa chính phường đi cùng.

Bà Lương Thị Loan cho biết: “Khi bố tôi (ông Lương Văn Lừu) còn sống, bố tôi chưa bao giờ nhắc đến chuyện bán đất cho ai, nếu có bán thì tôi và mẹ tôi phải được chứng kiến và ký vào giấy tờ mua bán. Nếu được chứng kiến việc mua bán thì gia đình tôi không bao giờ làm đơn kiến nghị, đề nghị các cơ quan chức năng và Công ty Apatit giải quyết”.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm gặp ông Lâm Hoài Vũ, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Cường, là người đại diện cho UBND phường Bắc Cường ký tên vào các “Biên bản kiểm tra số lượng tài sản, hoa màu di chuyển” kèm theo các quyết định bồi thường của Công ty Apatit cho các hộ dân có tên trên. Ông Vũ cho rằng quy trình giải phóng mặt bằng được làm rất kỹ, nhưng do vụ việc đã xảy ra quá lâu nên hiện không thể nhớ chính xác, hồ sơ vụ việc được lưu ở phường và tại Công ty Apatit. Ông Vũ khẳng định không còn công tác tại phường Bắc Cường nên không thể tiếp xúc hồ sơ để trả lời chính xác vụ việc.

Trong các buổi làm việc với phóng viên, Ban Quản lý dự án Công ty Apatit chỉ cung cấp được sơ đồ đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực khai trường 15B cùng 3 quyết định đền bù thiệt hại mang tên bà Hoàng Thị Hiền, Lê Thị Yến và Nguyễn Thị Phương. Ngoài ra, đối với danh sách các hộ dân được đền bù, phiếu chi và các giấy tờ pháp lý liên quan đến nguồn gốc đất, công ty đều không cung cấp được.

Trả lời về vụ việc, ông Phạm Văn Phúc, Trưởng Ban Quản lý dự án Công ty Apatit cho biết: Vụ việc xảy ra từ lâu (năm 2011), nhiều cán bộ liên quan hiện nay không còn công tác tại công ty, do đó rất khó cho việc giải quyết vụ việc này. Ông Phúc cũng cho rằng cần làm rõ vấn đề có hay không việc mua bán đất giữa ông Lừu và bà Hòa; xác định rõ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00666 QSDĐ/134/1999/QĐ-UBND do UBND huyện Bát Xát cấp có đúng tại vị trí tranh chấp hay không? Tại sao bà Hòa mua đất lại nhờ 3 hộ khác đứng tên?

Ngoài ra, ông Phúc cũng thừa nhận công ty làm sai khi không đủ điều kiện đền bù mà đã quyết định chi trả tiền đền bù cho các hộ dân. Quan điểm của công ty là nếu đền bù sai đối tượng thì phải rà soát lại và thu hồi tiền đền bù để chi trả cho đúng đối tượng.

Để xác minh thêm về nguồn gốc mảnh đất tranh chấp, chúng tôi đã gặp ông Bùi Tiến Dậu, Trưởng thôn Luổng Láo 2, là người có thửa đất giáp ranh với đất của ông Lừu (nay là của bà Loan). Ông Dậu khẳng định gia đình bà Loan sinh sống trên mảnh đất giáp ranh với gia đình ông đã vài chục năm và người dân quanh khu vực đều có thể đứng ra làm chứng cho gia đình bà Loan. Từ trước đến nay chỉ có gia đình bà Loan canh tác trên mảnh đất đó. Còn việc mua bán giữa ông Lừu và bà Hòa “có” hay “không” thì ông Dậu không dám khẳng định vì bản thân không được chứng kiến.

Ông Lý Văn Dũng (thôn Luổng Láo 2) cũng cho biết: “Trên mảnh đất đó chỉ có gia đình bà Loan canh tác nhiều năm. Thậm chí, gia đình bà Loan còn mua lại mảnh đất với diện tích hơn 9.000m2 của gia đình tôi giáp đó để canh tác”.

Ông Vàng Văn Dùng, Tổ trưởng tổ 30 (phường Bắc Cường) cũng khẳng định: Trên mảnh đất tranh chấp, từ trước đến nay chỉ có gia đình bà Loan canh tác. Việc có tên các hộ: Hoàng Thị Hiền, Lê Thị Yến và Nguyễn Thị Phương trên mảnh đất đó là điều bất thường, cần được các cơ quan chức năng làm rõ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy có nhiều vấn đề xung quanh vụ việc này cần phải làm rõ như: “có” hay “không”chuyện tạo dựng hồ sơ giả để chiếm đoạt tài sản của người dân? Việc bà Hòa nhận mua đất của ông Lừu không có giấy tờ pháp lý chứng minh, sau đó “nhờ” những người khác đứng tên để nhận tiền đền bù liệu có đúng quy định của pháp luật? Công ty Apatit căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để trả tiền đền bù thiệt hại cho các hộ dân: Nguyễn Thị Phương, Hoàng Thị Hiền và Lê Thị Yến? Liệu quy trình đền bù, giải phóng mặt bằng của Công ty Apatit có quá nhiều kẽ hở hay không?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Nhóm phóng viên

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/co-hay-khong-chuyen-lap-ho-so-khong-de-huong-den-bu-z5n20200718084547219.htm