Cơ hội cho tôm xuất khẩu
Thời điểm này, các thị trường chủ lực tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu thủy sản, đây là cơ hội để xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bứt phá. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm thời gian qua ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Đối diện nhiều thách thức
Nhìn lại bức tranh xuất khẩu của ngành tôm, giới chuyên gia ngành thủy sản đánh giá, năm 2024, sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam đều gặp phải nhiều thách thức lớn. Về tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết khắc nghiệt diễn ra trên khắp cả nước: nắng nóng ở miền Trung, hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và bão lũ ở các địa phương phía Bắc đã gây thiệt hại lớn và tác động đáng kể đến ngành nuôi trồng thủy sản.
Về thương mại, xuất khẩu tôm cũng gặp trở ngại do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát cao ở các thị trường nhập khẩu chủ chốt, dịch bệnh tôm phức tạp và chi phí sản xuất cao. Tuy nhiên, theo dự báo sản lượng tôm toàn cầu sẽ phục hồi vào cuối năm 2024 và ổn định vào năm 2025. Xuất khẩu tôm đông lạnh vẫn bị tác động bởi xu hướng giá chưa phục hồi rõ rệt, cùng với áp lực giá bán cạnh tranh với tôm Ecuador và Ấn Độ.
Dù vậy, thực tế cho thấy, tôm chế biến của Việt Nam vẫn có vị thế tốt ở các thị trường. Do vậy, xuất khẩu tôm chân trắng chế biến vẫn tăng gần 10%, trong khi xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh tăng nhẹ hơn với mức 4,5%. Sản lượng tôm nước lợ của Việt Nam đã vượt 1,1 triệu tấn trong 3 quý đầu năm 2024. Tính đến đầu tháng 10, xuất khẩu tôm đã mang về cho Việt Nam gần 3 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, vào ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng trong các cuộc điều tra về thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số quốc gia bao gồm: Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Trong số các nước cùng bị điều tra, mức thuế của Việt Nam thấp hơn mức thuế dành cho Ấn Độ và Ecuador.
Như vậy, với việc Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp cao hơn đối với sản phẩm tôm từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia vào cuối tháng 12/2024, ngành tôm Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng được lợi thế này trong thời gian tới. Đây là kết quả đáng khích lệ đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Cùng với đó, mùa lễ hội cuối năm vẫn sẽ là cơ hội để xuất khẩu tôm nước ta bùng nổ. Theo đó, việc khai thác tốt dư địa từ các thị trường bằng nhiều sản phẩm chế biến sâu sẽ giúp ngành hàng tỷ đô này tiếp tục tăng trưởng và đóng góp tích cực vào mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD của ngành thủy sản.
Thêm cơ hội vươn ra thị trường mới
Cùng với những cơ hội có được kể trên, việc Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vừa ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) cũng sẽ mở ra con đường lớn cho tôm Việt Nam tiến sâu vào vào thị trường Trung Đông - châu Phi.
Cụ thể, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định CEPA có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam, tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này và từ đó sang các nước Trung Đông. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay. Đặc biệt, UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu, trong đó với nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao cấp tại UAE, đặc biệt là các sản phẩm tôm và cá, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng cường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm nhờ vào ưu đãi từ CЕРА.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), UAE hiện nằm trong số 20 thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam, với kim ngạch trên dưới 20 triệu USD/năm. Trong giai đoạn từ 2018 - 2022, UAE đứng thứ 16 trong những thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam, chiếm khoảng 0,5% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm đi các thị trường. Tuy là thị trường nhỏ, nhưng UAE được coi là thị trường tiềm năng vì nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong đó có tôm ngày một tăng.
Theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của VASEP, đối với ngành tôm và cá tra, dù đang trong mùa cao điểm nhập khẩu nhưng vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trong nước. “Các doanh nghiệp cần linh hoạt hơn trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ và các nguồn cung thay thế để tận dụng tối đa cơ hội trên thị trường” – bà Hằng nhấn mạnh.
Ngoài ra, với các nước Ả Rập thì yêu cầu về chứng chỉ Halal rất quan trọng nhưng do đây không phải là thị trường truyền thống nên doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để có thể cạnh tranh với các nước khác vốn đã quen với các quy định nhập khẩu này từ rất lâu. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần tích cực nghiên cứu, áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thay đổi phương thức quản lý, giảm thiểu các chi phí trung gian, nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam. Tập trung xây dựng hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn Halal cho các sản phẩm tôm khi xuất khẩu vào thị trường này.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/co-hoi-cho-tom-xuat-khau-10295082.html