Cơ hội kết nối công nghệ số giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên và Tp. Hồ Chí Minh

Ngày 29/11, UBND Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cùng UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thảo 'Chuyển đổi số trong nông nghiệp – cơ hội kết nối công nghệ giữa Tây Nguyên và Tp. Hồ Chí Minh'.

Các đại biểu trình bày tham luận tại buổi hội thảo. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Các đại biểu trình bày tham luận tại buổi hội thảo. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Chương trình nhằm tạo diễn đàn để các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức có liên quan cùng trao đổi thảo luận và đề xuất các giải pháp liên quan đến các chủ đề của hội thảo, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường cơ hội hợp tác kết nối thị trường khoa học và công nghệ, sản phẩm giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên và Tp. Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến phản ánh thực trạng, nhu cầu tầm quan trọng của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế số. Qua đó, giúp kết nối thị trường công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; góp phần xây dựng chuỗi giá trị, hỗ trợ quảng bá và phát triển sản phẩm cho các tỉnh vùng Tây Nguyên và Tp. Hồ Chí Minh. Thông qua hội thảo, các đơn vị cũng đề xuất được các định hướng và giải pháp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế số phù hợp, hiệu quả và bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp cho các địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Phát triển nông nghiệp số là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới. Chuyển đổi số ngành nông nghiệp bao gồm các hoạt động cơ bản như áp dụng công nghệ hiện đại trong canh tác, liên kết chuỗi giá trị và thay đổi phương thức quản lý, tổ chức sản xuất của các hợp tác xã và trang trại, ứng dụng trong tiêu dùng.

Đặc biệt, việc trao đổi tiêu thụ các nông sản thực phẩm trên nền tảng số phát triển ngày càng phổ biến, với khối lượng giao dịch lớn, góp phần thúc đẩy thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm phát triển hiệu quả hơn. Thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ vật lý,... sẽ tạo bước đột phá, phát huy vai trò quan trọng trong nghiên cứu và phát triển (R&D) về giống cây, giống con, nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Có cùng ý kiến, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nổng thôn Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, để chuyển đổi số trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các chính sách được ban hành cần phù hợp với thực tiễn sản xuất, huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0. Từ đó, chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra giá trị cao hơn. Quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số chính là thay đổi nhận thức cho người dân, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên.

Tuy có nhiều lợi thế, nhưng các đại biểu cũng khẳng định, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn diễn ra khá chậm, còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ. Diện tích canh tác nông nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số 1,5 triệu hecta đất canh tác của khu vực. Điều này đang gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, không mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Quan trọng hơn, việc sản xuất truyền thống sẽ khó đưa nông sản Tây Nguyên đến với các thị trường ngoài nước khó tính.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày các sản phẩm nông nghiệp được ứng dụng số vào sản xuất. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Các đại biểu tham quan gian trưng bày các sản phẩm nông nghiệp được ứng dụng số vào sản xuất. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Phó phòng Khoa học và đào tạo, Ban Quản lý Khu nông nghiệp Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, có rất nhiều công nghệ có thể ứng dụng vào lĩnh vực nông nghiệp như máy bay không người lái (drone); hệ thống tưới tiêu tự động, kiểm soát các yếu tố môi trường; cảm biến IoT và phần mềm quản lý; nhà màng, nhà kính công nghệ cao; robot nông nghiệp… Thực tiễn tại Khu nông nghiệp Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh cũng đã áp dụng các công nghệ này vào sản xuất từ năm 2007.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm, với các kết quả nghiên cứu sẵn có và mô hình nông nghiệp công nghệ cao thành công tại khu nông nghiệp công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh có thể đóng vai trò là trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ cho Tây Nguyên. Bằng cách tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi, quy mô thị trường lớn và các giải pháp công nghệ của Tp. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên có thể trở thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu bền vững.

Tại hội thảo, các công ty công nghệ, ứng dụng số như Trung tâm nông nghiệp số VNPT Green (Tập đoàn VNPT), Công ty Cổ phần Sao Tháng Tám Việt Nam (Hiệp hội Blockchain Việt Nam), Công ty MimosaTEK, Công ty cổ phần công nghệ Green Agri, Công ty TNHH Trang trại LangBiang… cũng giới thiệu các công nghệ số được ứng dụng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ số. Qua đó, giúp cho ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên có cái nhìn chi tiết về các công nghệ tiên tiến, hiện đại có thể áp dụng, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp.

“Với quyết tâm của các cấp chính quyền Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng Tây Nguyên, đặc biệt là sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của Tp. Chí Minh và các tỉnh Vùng Tây Nguyên sẽ có sự chuyển biến và tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả, góp phần phát triển toàn diện về kinh tế xã hội của các địa phương”, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định.

Dư Toán/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-hoi-ket-noi-cong-nghe-so-giua-cac-tinh-vung-tay-nguyen-va-tp-ho-chi-minh/355026.html