Cơ hội vàng phục hồi sau đột quỵ

Việc tập luyện phục hồi nên bắt đầu càng sớm càng tốt, lý tưởng là trong vòng 24 - 48 giờ sau khi bệnh nhân được cấp cứu ổn định

Mới đây, liên quan thông tin một diễn viên điện ảnh bị đột quỵ khiến nhiều người bất ngờ và lo lắng dù trước đó anh vẫn thường chia sẻ các video nấu ăn lên các nền tảng mạng xã hội.

Không nên chủ quan

Lý giải hiện tượng này, TS-BS Tạ Vương Khoa, Phó Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP HCM, nhận định không thể chỉ dựa vào biểu hiện bên ngoài để đánh giá nguy cơ đột quỵ. "Để phát hiện sớm nguy cơ, cần tầm soát y tế định kỳ. Bác sĩ sẽ đánh giá thông qua yếu tố dịch tễ, bệnh nền, lối sống (hút thuốc, rượu bia...), tiền sử gia đình và một số xét nghiệm chuyên sâu. Tất cả giúp khoanh vùng những người có nguy cơ cao để có hướng phòng ngừa phù hợp" - bác sĩ Khoa nói.

Tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (phường Bình Trưng, TP HCM)

Tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (phường Bình Trưng, TP HCM)

Cũng theo bác sĩ Khoa, dù tầm soát tốt đến đâu, đột quỵ vẫn có thể xảy ra, nhất là do các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khó phát hiện. Do đó, ngoài phòng ngừa, người dân cần nắm rõ các dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ như: méo miệng, yếu tay chân, nói khó, mất thăng bằng, nhìn mờ… để cấp cứu kịp thời.

Một vấn đề lớn hiện nay là sau điều trị đột quỵ cấp, nhiều người bệnh không được tiếp cận đầy đủ với chương trình phục hồi chức năng chuyên sâu, dẫn đến tình trạng sống lệ thuộc hoàn toàn vào người thân. "Không ít gia đình nghĩ bệnh đã điều trị là xong. Nhưng thực tế, nếu không phục hồi chức năng bài bản, người bệnh sẽ mất khả năng tự chăm sóc, từ đó trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội" - bác sĩ Khoa chia sẻ.

Phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị toàn diện bệnh nhân sau đột quỵ. Bác sĩ Khoa cho biết phục hồi chức năng nên được triển khai càng sớm càng tốt, lý tưởng là ngay trong những ngày đầu sau khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

"Nếu bệnh nhân không có biến chứng nặng như phù não hay xuất huyết não cần nằm yên tuyệt đối thì phục hồi chức năng có thể bắt đầu gần như ngay lập tức, ngay trong thời gian nằm viện" - bác sĩ Khoa lưu ý.

Cần sự kiên trì từ người bệnh

ThS-BS.CK1 Võ Dương Hương Quỳnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM), cho biết phục hồi chức năng là một chương trình trị liệu được thiết kế riêng cho từng người bệnh, nhằm giúp họ khôi phục các kỹ năng đã mất do tổn thương não sau cơn đột quỵ. Việc phục hồi có thể bao gồm cải thiện khả năng vận động, nói chuyện, nuốt, nhận thức và thực hiện các hoạt động sống hằng ngày.

Các nghiên cứu cho thấy người bệnh tham gia các chương trình phục hồi bài bản có tỉ lệ phục hồi cao hơn hẳn so với những người không được can thiệp đúng mức. Chương trình có thể được triển khai tại bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng hoặc ngay tại nhà, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên môn.

Theo bác sĩ Hương, tùy tình trạng người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp phục hồi phù hợp. Những hoạt động phổ biến gồm: cải thiện kỹ năng vận động (tăng sức mạnh cơ, phục hồi khả năng đi lại, giữ thăng bằng, cử động cơ thể); các bài tập giảm co cứng, cải thiện độ linh hoạt của các khớp, hỗ trợ các thao tác sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, tập trị liệu ngôn ngữ hoặc trị liệu nghề nghiệp giúp cải thiện trí nhớ, khả năng phán đoán, xử lý vấn đề và các kỹ năng nhận thức khác. Ngoài ra còn có các hoạt động cải thiện tâm lý…

Việc tập luyện phục hồi nên bắt đầu càng sớm càng tốt, lý tưởng là trong vòng 24 - 48 giờ sau khi bệnh nhân được cấp cứu ổn định. Giai đoạn "vàng" này là thời điểm các kỹ năng còn có thể khôi phục nhanh chóng nếu được kích hoạt đúng cách.

Thời gian phục hồi sau tai biến phụ thuộc mức độ tổn thương não, độ tuổi, tình trạng sức khỏe và mức độ hợp tác của người bệnh. Ngoài ra, yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả phục hồi như thể chất, mức độ của đột quỵ, tình trạng cơ thể trước khi mắc bệnh; tâm lý động lực, tinh thần hợp tác của người bệnh. Dù khó khăn và cần nhiều thời gian, nhưng nếu bắt đầu đúng cách, có sự kiên trì từ cả người bệnh lẫn gia đình, việc phục hồi hoàn toàn là điều có thể đạt được.

Nên can thiệp sớm

Một trong những hiểu lầm phổ biến hiện nay là sau đột quỵ, những di chứng như liệt, méo miệng, khó nói... là không thể phục hồi.

Theo bác sĩ Khoa, về nguyên tắc, tất cả bệnh nhân đột quỵ cần được phục hồi chức năng, vì không ai có thể khẳng định chắc chắn khả năng phục hồi đến đâu trong giai đoạn đầu. Tùy theo vùng não bị tổn thương, mức độ phục hồi sẽ khác nhau. Các di chứng thường gặp sau đột quỵ bao gồm liệt hoặc yếu nửa người (phổ biến nhất); rối loạn ngôn ngữ, rối loạn phát âm; suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ; rối loạn nuốt...

"Vùng não vận động chiếm diện tích lớn, nên liệt nửa người là di chứng thường gặp nhất. Nhưng nếu được can thiệp sớm, rất nhiều bệnh nhân có thể phục hồi gần như hoàn toàn chức năng vận động" - bác sĩ Khoa cho hay.

Bài và ảnh: Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/co-hoi-vang-phuc-hoi-sau-dot-quy-196250719192639511.htm