Có một Đà Nẵng dọc rẻo Trường Sơn, Bài cuối: Khát vọng đổi thay nơi đại ngàn
Những báu vật cha ông để lại cho người dân Tây Giang có thể kể đến là rừng lim cổ thụ quý hiếm, là các đồ án hoa văn thổ cẩm, là điệu tung tung za zá, nét văn hóa bản sắc của đồng bào Cơ Tu trở thành những giá trị cốt lõi khát khao đổi thay cho cơ hội phát triển mới.
Xã Tây Giang mới được thành lập từ 4 xã của huyện Tây Giang (cũ) gồm Lăng, Atiêng, Anông và Dang. Cùng với cả nước, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành từ ngày 1/7.

Người dân tộc Cơ Tu bên khung dệt thổ cẩm truyền thống
Ông A Rất Blúi, Chủ tịch UBND xã Tây Giang, cho biết, xã có nhiều thuận lợi khi được kế thừa các cơ sở vật chất, hạ tầng của huyện Tây Giang cũ. Đây là nền tảng, tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển xã Tây Giang trong giai đoạn mới. Dù nhiều khó khăn nhưng các cán bộ và nhân dân đồng lòng, bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều kỳ vọng.
Tài nguyên rừng và văn hóa bản địa được lớp lớp người dân vùng cao này luôn tự hào xem như “kho báu giữa đại ngàn”. Chủ tịch xã A Rất Blúi nhấn mạnh điều này khi nói về tiềm năng và khát vọng phát triển.
Vị Chủ tịch xã từng lặn lội đến khắp các bản làng, ăn, ở, trò chuyện cùng bà con, thấu hiểu cái khó, niềm hy vọng mong mỏi của bà con nơi đây. Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng tới đây mất hơn 100km đường núi địa hình hiểm trở. Từ trung tâm xã tỏa về các thôn bản thì đường khó đi, mỗi trận mưa xuống gây sạt lở, chia cắt. Đời sống bà con trong vùng còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp… Tuy nhiên, ông tin rằng sẽ có một Tây Giang phát triển hơn theo hướng bền vững đồng bộ, phát huy hiệu quả tiềm năng của xã, gắn câu chuyện giữ rừng với phát triển kinh tế.

Một góc làng Tà Vàng, xã Tây Giang nơi có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ảnh: Hoài Văn - Duy Quốc
“Trước tiên, để bà con sống được với rừng thì phải có chính sách hỗ trợ cụ thể, có cơ chế để họ khai thác hợp lý các nguồn lợi dưới tán rừng như trồng cây dược liệu… Phải có hướng dẫn và quy định rõ ràng để vừa bảo vệ rừng, vừa tạo sinh kế”, ông Blúi nói.
Bên cạnh đó, với những tiềm năng của Tây Giang, có thể đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng trải nghiệm, để người dân trực tiếp tham gia. Khi họ có thu nhập ổn định, thì chính họ sẽ là người giữ rừng tốt nhất, vì rừng trở thành tài sản của họ.
Một điểm sáng đầy triển vọng khác là định hướng khai thác tuyến du lịch từ Cổng Trời Đông Giang đi qua hồ thủy điện A Vương. Với cảnh sắc hùng vĩ, không khí mát lạnh quanh năm và nền văn hóa Cơ Tu nguyên bản, khu vực này hứa hẹn trở thành điểm đến mới cho du khách trong và ngoài nước.
Mới đây xã đã có báo cáo gửi UBND thành phố Đà Nẵng, đề nghị có quy hoạch đầu tư công là khu công nghiệp. Đồng thời, đề xuất nâng cấp Tây Giang thành cửa khẩu quốc gia, quốc tế vào năm 2030, tạo động lực phát triển mạnh về hạ tầng, kết nối vùng. Xã đang kiến nghị đẩy nhanh đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là liên kết vùng giữa Tây Giang và Nam Giang, hình thành trục phát triển phía tây thành phố. Khi giao thông thông suốt, du lịch, nông sản và cả dịch vụ sẽ cùng phát triển…
“Cái khó của vùng cao là giao thông, nhưng cái quý là rừng và con người. Nếu biết gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, thì Tây Giang sẽ không bị bỏ lại phía sau, mà còn có thể trở thành hình mẫu về phát triển xanh bền vững”, ông A Rất Blúi nhấn mạnh.
Tại Đại hội Đảng bộ xã Tây Giang lần thứ nhất nhiệm kỳ 2025 – 2030 mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, Đảng bộ xã đăng ký với lãnh đạo thành phố phấn đấu xây dựng xã Tây Giang trở thành xã kiểu mẫu của thành phố khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, với khát vọng mới, động lực mới, suy nghĩ mới, cách làm mới.