Có nên sạc điện thoại trên ô tô, sạc thế nào cho đúng?

Hầu hết các tài xế đều cảm thấy tiện lợi khi có thể sạc điện thoại trên ô tô song theo các chuyên gia đây là thói quen tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Smartphone ngày nay có thời lượng pin thường chưa đầy một ngày, nên sạc trên xe hơi là thói quen của nhiều người đặc biệt là khi di chuyển đường dài mà không có sạc dự phòng. Tuy nhiên, điều này gây lo ngại về nguy cơ mất an toàn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có nên sạc điện thoại trên ô tô?

Sạc điện thoại trên ô tô tuy tiện lợi nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm dễ gây cháy nổ.

Người dùng thường ít quan tâm đến chất lượng bộ sạc trên xe nên việc sử dụng thiết bị kém chất lượng có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Sản phẩm dạng này thường không có mạch kiểm soát điện áp, ổn định dòng điện, khiến pin dễ bị tổn thương. Kết hợp việc vừa sử dụng vừa sạc với dòng nạp và xả song song không ổn định, pin có thể tăng nhiệt nhanh quá mức hoặc đoản mạch, gây chập cháy.

Dùng điện thoại làm thiết bị phát nhạc hoặc dẫn đường đặt trên táp-lô xe là thói quen phổ biến. Tuy nhiên, việc này cũng làm cho điện thoại dễ bị quá nhiệt do tiếp xúc ánh nắng trực tiếp, nóng lên do cắm sạc liên tục và nhất là phần cứng như chip xử lý, GPS, màn hình phải hoạt động ở cường độ cao.

Bên cạnh đó, sạc điện thoại trên ô tô thời gian để sạc đầy pin sẽ dài hơn so với khi cắm sạc ở ổ điện gia đình 220V. Hành động này vô tình dẫn đến pin bị chai, ảnh hưởng không nhỏ tới tuổi thọ của pin điện thoại.

Các chuyên gia khuyên người dùng nên mua cho mình bộ sạc riêng chuyên dùng trên ô tô. Bởi vì nó có khả năng chuyển dòng điện một chiều thành dòng điện xoay chiều 220V phù hợp với mọi thiết bị và hạn chế được nguy cơ cháy nổ.

Một số lưu ý khi sạc điện thoại trên ô tô

Không vừa sạc điện thoại vừa sử dụng

Các chuyên gia khuyến cáo không nên vừa sạc điện thoại trên xe vừa sử dụng, không nên sạc qua đêm hoặc rút điện thoại ra khỏi tẩu sạc khi đã đầy pin. Việc đồng thời sạc pin và dùng điện thoại sẽ khiến nhiệt độ pin tăng cao, dễ dẫn đến cháy nổ. Ngoài ra, thói quen này khiến pin điện thoại bị hao mòn, nhanh chai và hỏng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đồng thời, không nên sử dụng tất cả cổng sạc cho nhiều thiết bị một lúc. Việc sạc đồng thời nhiều thiết bị sẽ đẩy nguồn điện tiêu thụ lên mức cao, dễ gây cháy nổ. Nếu cần sạc nhiều điện thoại trên ô tô, chủ xe hãy mua thêm bộ chia ổ cắm và phụ kiện chuyển đổi bộ sạc cho mỗi vật dụng muốn sạc.

Sử dụng tẩu sạc thay vì cổng USB trên xe

Phần lớn các tài xế thường có thói quen sạc điện thoại qua cổng USB trên xe. Mặc dù tiện lợi bởi thiết kế nhưng ít ai biết rằng cổng USB được tạo ra với mục đích để kết nối với các thiết bị giải trí khác nên cường độ dòng điện của nó rất thấp, khó đáp ứng với điều kiện sạc tốt nhất cho điện thoại. Đó là lý do vì sao sạc điện thoại trên xe rất lâu mới đầy.

Ngoài yếu tố chất lượng, bạn cũng cần lưu ý đến sự tương thích của tẩu sạc với điện thoại. Cổng cắm của tẩu sạc điện thoại trên ô tô phải phù hợp với cổng cắm của thiết bị mới đảm bảo sự an toàn.

Khi sạc điện thoại trên ô tô, bạn cần chọn nguồn điện phù hợp với điện thoại đang dùng. Điều này sẽ giúp tiết kiệm kha khá thời gian sạc. Có nhiều dòng sạc mà chủ xe có thể lựa chọn như 1A, 1.5A, 2A...

Ưu tiên sử dụng sạc không dây

Sạc điện thoại không dây mang lại nhiều hữu ích cho người dùng. Sạc điện thoại không dây với thiết kế kiêm luôn giá đỡ đồng thời tích hợp với công nghệ không dây theo chuẩn Qi, khi đặt điện thoại lên giá đỡ, điện sẽ được truyền vào miếng giá đỡ và tự động sạc mà không cần kết nối qua cổng cắm USB. Sạc điện thoại không dây vừa an toàn vừa tiện dụng.

Tuấn Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/co-nen-sac-dien-thoai-tren-o-to-sac-the-nao-cho-dung-d194063.html