Cổ phiếu TTL tăng trần 7 phiên sau kế hoạch thoái vốn của SCIC

Cổ phiếu TTL đã có 7 phiên tăng trần liên tiếp. Phiên giao dịch ngày 13/12, cổ phiếu TTL tăng kịch trần gần 10% đạt mức giá 14.900 đồng/cp.

Ngày 11/12, Tổng Công ty Thăng Long – CTCP (HNX: TTL) đã có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội(HNX) giải trình về việc cổ phiếu TTL tăng trần 5 phiên liên tiếp, từ ngày 5/12-11/12.

Theo giải trình từ phía công ty, cổ phiếu TTL tăng trần ngay sau khi có tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo về việc tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần Tổng Công ty Thăng Long vào ngày 6/12.

Đồng thời công ty khẳng định việc tăng trần cổ phiếu TTL là diễn biến khách quan theo cung cầu thị trường. Các quyết định giao dịch cổ phiếu TTL của nhà đầu tư không nằm trong phạm vi kiểm soát của tổng công ty. Mọi hoạt động của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường, không có gì biến động. Tổng công ty Thăng Long cũng không có có bất kỳ tác động nào gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Về kế hoạch thoái vốn của SCIC thì được biết ngày 26/12/2024 tới đây, SCIC sẽ tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần Tổng Công ty Thăng Long.

Theo đó, SCIC sẽ bán đấu giá toàn bộ 25,05% vốn của SCIC tại TTL. Hiện vốn điều lệ của TTL là 419 tỷ đồng.

Như vậy, hơn 10,5 triệu cổ phần TTL sẽ được SCIC đấu giá trọn lô, giá khởi điểm 222,6 tỷ đồng, tương đương hơn 21.200 đồng/cổ phần.

Theo quy định đấu giá được công bố, phương thức bán đấu giá công khai cả lô cổ phần. Bước giá là 1 triệu đồng/lô cổ phần. Tỷ lệ đặt cọc của nhà đầu tư tham gia dự đấu giá công khai cả lô là 10% giá trị lô cổ phần theo giá khởi điểm, tức hơn 22,2 tỷ đồng.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tổng công ty Thăng Long tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long thành lập năm 1973. Đến năm 2014, công ty chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và đổi tên thành Tổng công ty Thăng Long. Năm 2018, doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết chính thức tại HNX với mã chứng khoán TTL.

TTL là nhà xây dựng nhiều công trình dân dụng, công trình giao thông lớn như cầu Kiền, cầu Vĩnh Tuy, đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ,… và là nhà đầu tư các dự án BOT như dự án cầu Yên Lệnh, Yên Lệnh - Vực Vòng, dự án BOT đường 188…

Đây không phải lần đầu tiên SCIC muốn bán đấu giá cổ phần tại TTL. Năm 2022, SCIC từng rao bán toàn bộ phần vốn góp tại TTL tuy nhiên không có nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2024, TTL đạt hơn 1.364 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp thu về được hơn 100 tỷ đồng, giảm 13% do giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu.

Ngoài ra, áp lực từ chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp đã ngốn gần hết thu nhập của TTL, khiến lãi ròng giảm hơn 75% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 4 tỷ đồng.

So với kế hoạch năm, Tổng Công ty thực hiện được 84% chỉ tiêu doanh thu nhưng vượt 7% mục tiêu lợi nhuận chỉ sau 9 tháng.

Minh Vy

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/tai-chinh-ngan-hang/co-phieu-ttl-tang-tran-7-phien-sau-ke-hoach-thoai-von-cua-scic-231799.html