Cơ sở dạy tiếng Trung 'chui' hoạt động rầm rộ ở Hà Tĩnh
Nhu cầu học tiếng Trung tại Hà Tĩnh, đặc biệt ở các khu vực có hoạt động kinh tế sôi động đang gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, trong số đó, có không ít cơ sở hoạt động 'chui'.
Những năm gần đây, tiếng Trung là một trong những ngoại ngữ được giảng dạy phổ biến tại Hà Tĩnh. Đặc biệt, ở phường Vũng Áng – nơi tập trung đông đảo lao động trong Khu kinh tế Vũng Áng - hoạt động dạy và học tiếng Trung diễn ra khá sôi động.
Tuy nhiên, phần lớn các lớp học đều hoạt động một cách tự phát, không có bảng hiệu hay giấy phép hợp pháp. Theo ghi nhận từ một số người dân, lâu nay khu vực này xuất hiện một số lớp tiếng Trung do cá nhân đứng ra tổ chức, chủ yếu là công nhân đang làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng tranh thủ dạy thêm ngoài giờ.

Một địa điểm không hề treo bảng biển nhưng rất đông học sinh đang theo học.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến một “cơ sở dạy học” ở TDP Long Sơn, phường Vũng Áng nằm ngay đối diện Trường THPT Lê Quảng Chí. Bề ngoài, ngôi nhà khá im ắng, không biển hiệu, nhưng, bên trong không khí lớp học lại rất sôi động.
Khi chúng tôi đặt vấn đề có nhu cầu tìm lớp để bồi dưỡng thêm tiếng Trung, vị chủ nhà cho hay, gia đình ông cho thuê phòng ở, chủ cơ sở tự cải tạo thành lớp học. Ở đây thường xuyên khai giảng các lớp mới, mỗi khóa kinh phí từ 5 - 7 triệu đồng. Học viên không giới hạn số buổi, họ cam kết đào tạo tiếng Trung để thi đậu cho các đơn xuất khẩu lao động cũng như thi lấy chứng chỉ để đi du học.

Bên trong căn phòng nhỏ có hàng chục học sinh đang được dạy tiếng Trung
Tiếp cận với chủ cơ sở cũng là người trực tiếp đứng lớp là một công nhân tên Cường, đang làm việc tại một công ty trong Khu kinh tế Vũng Áng, tranh thủ mở lớp vào khoảng thời gian từ 16h.
“Nhận thấy nhiều người có nhu cầu nên tôi tranh thủ mở lớp buổi chiều để dạy thêm. Đối tượng học ở đây chủ yếu là học sinh cấp 2, cấp 3 ôn luyện để thi lấy chứng chỉ HSK (chứng chỉ Hán ngữ quốc tế) hoặc đi xuất khẩu lao động. Ngoài lớp ở đây, tôi còn dạy 3 lớp nữa ở thôn Hải Phong, phường Vũng Áng”, người này chia sẻ.

Trung tâm tiếng Trung cô Huyền mở dạy cả buổi tối.
Không riêng gì phường Vũng Áng, tại phường Thành Sen, tình trạng các cơ sở chưa được cấp phép tổ chức giảng dạy tiếng Trung cũng đang diễn ra khá phổ biến. Qua tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, chúng tôi tiếp cận một trung tâm nằm trên đường Nguyễn Hằng Chi với nhu cầu đăng ký học tiếng Trung cho con.
Tại đây, chủ cơ sở tư vấn rất chuyên nghiệp, giới thiệu các gói học phí, thời gian học, quyền lợi và cam kết hỗ trợ học viên trong trường hợp chưa đạt yêu cầu sau khóa học.

Nhiều học viên đang theo học trong các phòng học của Trung tâm không phép cô Huyền
Theo tìm hiểu, trung bình mỗi lớp sau khai giảng sẽ có từ 4-8 học viên tham gia học. Có thời điểm, mỗi lớp lên tới 10-15 học viên, chủ yếu do một người tên H. đứng lớp. Người này cho biết, từng có thời gian học tập và làm việc tại Trung Quốc trước khi về nước mở lớp.
Theo lời tư vấn, trẻ em nên tham gia các khóa học càng sớm càng tốt, bởi khả năng tiếp thu ngôn ngữ ở độ tuổi này thường nhanh nhạy và hiệu quả hơn so với người lớn. Để tạo thêm độ tin tưởng cho chúng tôi, người này còn cho biết thêm, nhiều học sinh xung quanh khu vực này dù chỉ mới học lớp 1, lớp 2 cũng đăng ký theo học.
“Tôi mở lớp được vài năm nay. Ngoài việc trực tiếp giảng dạy, tôi cũng mời thêm một số giáo viên người Trung Quốc hỗ trợ để học viên có cơ hội giao tiếp thực tế, nâng cao phản xạ ngôn ngữ. Tuy nhiên, chi phí để trả cho người nước ngoài về đây là khá cao”. chị H. chia sẻ.


Các tài khoản Facebook thường xuyên đăng tuyển học viên.
Mặc dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép, một số cơ sở vẫn ngang nhiên treo biển quảng cáo, tổ chức tuyển sinh và khai giảng các khóa học ngay trên mạng xã hội như thể hoạt động hợp pháp.
Theo thông tin từ ông Lại Thế Dũng – Phó Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, tính đến hết tháng 6/2025, đã có 99 trung tâm ngoại ngữ được cấp phép hoạt động trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, nhiều cơ sở không có giấy phép vẫn lén lút tổ chức giảng dạy.
Khi có thông tin về đoàn kiểm tra, các lớp học này thường nhanh chóng tháo dỡ bảng biển, chuyển địa điểm, thuê các phòng trọ, nhà dân hoặc tổ chức dạy vào buổi tối để “né tránh” sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 04/2021/NĐ-CP, hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập, tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử phạt hành chính từ 20 đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, tổ chức vi phạm còn buộc phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã thu của người học như một biện pháp khắc phục hậu quả.
Việc dạy và học tiếng Trung tại Hà Tĩnh là nhu cầu chính đáng trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng giáo dục và quyền lợi của người học, các trung tâm, cá nhân có nhu cầu giảng dạy cần thực hiện đúng quy định pháp luật, xin cấp phép đầy đủ từ cơ quan chức năng.
Ngành giáo dục và chính quyền địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời những cơ sở hoạt động trái phép, tránh để tình trạng “lách luật”, gây rối loạn thị trường giáo dục và ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng đào tạo.
Video: Đột nhập các trung tâm dạy tiếng Trung không phép