Cơ sở nào để cân đối vốn đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?
Khi thẩm tra dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đã tính dự án này kéo dài 3 kỳ đầu tư công trung hạn. Do đó, khi cân đối nguồn vốn phải có cơ chế khác biệt, đảm bảo nguyên tắc đặt dự án này trong tổng thể khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công.
"Phải có tính khả thi thì dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mới được thông qua"
Chiều 30/11, tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, phóng viên đặt câu hỏi vừa qua, Quốc hội thông qua rất nhiều dự án với số vốn rất lớn, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 1,7 triệu tỷ đồng và hai chương trình mục tiêu quốc gia đều có mức đầu tư lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Các chương trình này đều được thực hiện trong 5-10 năm tới.
Nhấn mạnh đây đều là các dự án quy mô lớn, phóng viên đặt câu hỏi vậy cơ sở nguồn lực nào để dồn tổng lực trong thời gian tới.
Trả lời, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu chia sẻ: "Khi quyết định các dự án, trong công đoạn thẩm tra nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, chúng tôi không chỉ thẩm tra dự án riêng lẻ mà đều đặt trong tổng thể đầu tư công hàng năm, thậm chí phải tính đến trung hạn và trong kỳ đầu tư công".
Đơn cử, như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, phải tính việc dự án này kéo dài tới 3 kỳ đầu tư công trung hạn nên khi cân đối nguồn vốn phải có cơ chế khác biệt, đảm bảo nguyên tắc đặt dự án này trong tổng thể khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công.
Nghị quyết đã thông qua cho phép Chính phủ, trong kỳ trung hạn, cân đối phân bổ nguồn vốn và trình Quốc hội để đảm bảo khả năng cân đối trong tổng thể, đáp ứng tất cả các dự án cùng trong thời kỳ.
Đặc biệt, ông Hiếu nhấn mạnh: "Phải có tính khả thi thì dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mới được thông qua".
Luật đã quy định rõ
Cũng tại cuộc họp báo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Nguyễn Tuấn Anh trả lời câu hỏi về việc Luật Địa chất và khoáng sản đã tháo gỡ như thế nào những vướng mắc về tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng nền đường và việc thiếu vật liệu san lấp phục vụ các dự án giao thông lớn.
Theo ông Tuấn Anh, bên cạnh nghĩa vụ về tài chính mà tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện, lần này, Luật Địa chất và khoáng sản đã quy định trách nhiệm đóng góp kinh phí của tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng như đầu tư làm các công trình bảo vệ môi trường.
Trong luật vừa thông qua, đã có quy định giao HĐND tỉnh quyết định căn cứ trên tình hình thực tế để quy định trách nhiệm đóng góp của tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung như nguyên tắc xác định mức thu, trình tự thủ tục thu, nộp, quản lý sử dụng nguồn thu để đảm bảo thống nhất quy định mức thu đồng bộ trên toàn quốc.
Về câu hỏi trong luật có giải quyết được những vướng mắc khó khăn trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội hay không, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cho biết, thiếu khoáng sản vật liệu san lấp là vấn đề vướng mắc trong thực tiễn. Khi sửa luật, chúng tôi đã rà soát nội dung này để điều chỉnh.
Trong luật vừa thông qua, đã quy định rõ trong điều 72, 73 đã có quy định cụ thể về cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép, quy định không phải chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, thẩm định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.
Song, đơn vị khai thác phải lập phương án khai thác khoáng sản nhóm 4 để trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.
Vì đây là vướng mắc trong thực tiễn nên trong lần sửa luật lần này, chúng tôi đã kiến nghị đối với nội dung khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp sẽ có hiệu lực sớm hơn ngay từ ngày 15/1/2025.