Con số gây sốc về lượng người béo phì trên thế giới

Trên thế giới, cứ 8 người thì có 1 người mắc bệnh béo phì. Căn bệnh này có thể dẫn đến tiểu đường, tim mạch, xương khớp, thậm chí là ung thư, theo Liên đoàn Béo phì Thế giới.

Puja Changoiwala là nhà văn, tác giả tiểu thuyết Homebound (Tạm dịch: Về nhà), sống ở Ấn Độ. Cô lớn lên ở thành phố Mumbai và thường được mọi người khen dễ thương, khỏe mạnh nhờ gương mặt tròn trịa.

Ở một đất nước từng gặp khó khăn về lương thực, mọi người xung quanh xem sự mũm mĩm của cô là dấu hiệu của cuộc sống sung túc và khỏe mạnh. Chỉ số khối cơ thể (BMI) của cô từ lâu vượt quá 30 nhưng không một ai, bao gồm chính Changoiwala, xem đó là vấn đề cần lưu tâm.

 Puja Changoiwala là nhà văn người Ấn Độ, cô là tác giả tiểu thuyết Homebound. Ảnh: Nikkei Asia.

Puja Changoiwala là nhà văn người Ấn Độ, cô là tác giả tiểu thuyết Homebound. Ảnh: Nikkei Asia.

Cho đến vài năm trước, Changoiwala được chẩn đoán tiểu đường type 2 và cholesterol cao. Xét nghiệm máu cho thấy cô gặp nhiều vấn đề sức khỏe, không hề “dễ thương, khỏe mạnh” như mọi người thường tán dương.

“Cho đến trước khi nhận kết quả khám bệnh, tôi vẫn nghĩ mình là một người khỏe mạnh”, cô chia sẻ với Nikkei Asia.

Không chỉ Changoiwala, ngày càng nhiều người Ấn Độ mắc bệnh béo phì. Nghiên cứu công bố hồi tháng 2 của tạp chí Lancet cho thấy có 12,5 triệu người Ấn Độ thuộc dạng béo phì trong năm 2022, tăng từ mốc 400.000 người vào năm 1990.

Béo phì đang trở thành đại dịch toàn cầu với số người mắc bệnh là hơn 1 tỷ. Nghiên cứu của Lancet dự đoán có 1,9 tỷ người, khoảng 1/4 dân số thế giới, mắc căn bệnh này trong năm 2035.

Cứ 8 người thì 1 người béo phì

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một người được xem là béo phì khi có chỉ số BMI lớn hơn hoặc bằng 30 (tính theo công thức lấy cân nặng chia chiều cao). Người thừa cân là người có BMI lớn hơn hoặc bằng 25.

Tháng 2, tạp chí khoa học Lancet công bố báo cáo được thực hiện bởi WHO và 1.500 nhà khoa học, bao gồm 3.663 nghiên cứu nhỏ với 222 triệu đáp viên. Nghiên cứu theo dõi tiến trình phát triển của đại dịch béo phì từ năm 1990 đến 2022. Trung bình trên thế giới, cứ 8 người thì có 1 người béo phì. Tỷ lệ béo phì đã tăng gấp đôi ở nữ giới (18,5%) và gấp ba ở nam giới (14%).

Đáng nói, tỷ lệ này tăng gấp bốn lần ở trẻ em và thanh thiếu niên. Có đến 6,9% bé gái và 9,3% bé trai mắc béo phì trong những người có độ tuổi từ 5-19 tham gia nghiên cứu. Béo phì có thể dẫn đến nguy cơ các bệnh như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, thậm chí là ung thư.

“Chúng ta thường nghĩ béo phì là vấn đề của người giàu. Giờ nó là vấn đề của thế giới”, TS Francesco Branca, giám đốc dinh dưỡng và sức khỏe của WHO - đồng tác giả nghiên cứu, nhận xét.

Bệnh béo phì tăng nhanh nhất ở giới trẻ Bắc Phi và khu vực vùng Vịnh. Các nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Trung Quốc lại ghi nhận tỷ lệ người mắc béo phì tăng chóng mặt. Trung Quốc tăng 7,5%/năm trong khi Ấn Độ tăng 7.9%/năm, theo Bản đồ béo phì thế giới 2024.

 Theo tạp chí khoa học Lancet, cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người thuộc dạng béo phì. Ảnh: Linden Clinics.

Theo tạp chí khoa học Lancet, cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người thuộc dạng béo phì. Ảnh: Linden Clinics.

Đại dịch Covid-19 làm trầm trọng vấn đề sức khỏe này. Nghiên cứu ở Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy lệnh phong tỏa kéo dài đã làm tăng số trẻ em béo phì. Tỷ lệ học sinh tiểu học thừa cân đã tăng 6,3% và học sinh trung học thì tăng 2,7%. Nghiên cứu cho thấy trẻ ít vận động, dành nhiều thời gian trên Internet và ăn vặt nhiều hơn. Trường học đóng cửa kéo dài cũng tạo điều kiện cho trẻ tăng cân.

Không thiếu nghiên cứu về tình trạng béo phì đáng báo động trên toàn thế giới. Bản đồ béo phì thế giới cảnh báo nguy cơ 1,9 tỷ người có chỉ số BMI trên 30 vào năm 2035 - tương đương với 1/4 dân số thế giới. Theo đó, số người béo phì và thừa cân cộng lại sẽ chiếm 1/2 dân số thế giới, lượng trẻ em gặp vấn đề này cũng có thể đạt 770 triệu trẻ.

Liên đoàn Béo phì Thế giới dự báo người dân toàn cầu sẽ tốn 2.000 tỷ USD/năm để chữa bệnh do béo phì gây ra. Con số này sẽ tăng lên 4.300 tỷ USD/năm đến năm 2035. Tuy nhiên, dự báo này vẫn được xem là “khiêm tốn”.

“Rất khó để tính toán đầy đủ thiệt hại của bệnh thừa cân, béo phì. Phụ nữ thừa cân thường kiếm ít tiền hơn trong khi phụ nữ béo phì có thể mất 10% thu nhập”, ông David Dodwell, giám điều điều hành Nhóm nghiên cứu chính sách APEC ở Hong Kong (Trung Quốc), chia sẻ với SCMP.

 Tỷ lệ béo phì tăng đặc biệt nhanh ở trẻ em sau thời gian giãn cách đại dịch Covid-19. Ảnh: Xiaomei Chen.

Tỷ lệ béo phì tăng đặc biệt nhanh ở trẻ em sau thời gian giãn cách đại dịch Covid-19. Ảnh: Xiaomei Chen.

Kinh tế phát triển thì béo phì gia tăng

Nguyên nhân của đại dịch béo phì là gì? Kinh tế phát triển, theo Dodwell. “Nơi nào tăng trưởng kinh tế, GDP và đô thị hóa nhanh chóng, nơi đó có sự suy giảm hoạt động thể chất vì con người chuyển từ lao động chân tay sang công việc ở thành phố”, ông phân tích.

“Chúng ta đã thiết lập xã hội của mình theo cách mà chúng ta không được hỗ trợ sức khỏe tốt”, Louise Foley, nhà nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng và vận động tại Đại học Cambridge, cho biết. “Chúng ta chưa thực sự thiết kế thành phố để dễ dàng vận động, tập thể dục”.

Còn ở Ấn Độ, tình trạng béo phì ngày càng tăng là do bệnh suy dinh dưỡng ám ảnh. Dù đã bước trên con đường trở thành cường quốc kinh tế, suy dinh dưỡng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của người dân nước này.

Một mặt, căn bệnh trực tiếp ảnh hưởng thể chất của hàng triệu người. Mặt khác, suy dinh dưỡng làm mọi người quan niệm thừa cân, béo phì là tín hiệu của sự giàu có, khỏe mạnh và sung túc. Song, điều này cũng dẫn đến các bệnh về tim mạch, ung thư, rối loạn thần kinh, tiểu đường, theo Lancet.

Một nguyên nhân khác của béo phì là người nghèo không đủ tiền chi trả cho thực phẩm giàu dinh dưỡng. Họ buộc phải mua đồ ăn vặt, rẻ tiền và chứa nhiều chất béo, để lót dạ.

 Suy dinh dưỡng, một mặt tác động trực tiếp lên sức khỏe người Ấn Độ, một mặt đẩy người dân vào căn bệnh béo phì. Ảnh: The Metrognome.

Suy dinh dưỡng, một mặt tác động trực tiếp lên sức khỏe người Ấn Độ, một mặt đẩy người dân vào căn bệnh béo phì. Ảnh: The Metrognome.

Nghiên cứu với 222 triệu người của Lancet thu về kết quả rất rõ ràng. Có nhiều việc con người cần làm để đối phó với nạn béo phì. Các bà mẹ được khuyến khích cho con bú lâu hơn trong khi nhà nước cần siết chặt hoạt động quảng bá thực phẩm không lành mạnh. Giá thực phẩm giàu dinh dưỡng cũng cần được điều chỉnh từ sớm.

“Chúng ta cần xem béo phì là một căn bệnh, một đại dịch, một vấn đề toàn cầu”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh. “Điều quan trọng là sự hợp tác giữa tư nhân, chính phủ và trong chính gia đình. Mỗi người đều có trách nhiệm để bảo vệ người dân khỏi đại dịch khổng lồ này”.

Trở lại với câu chuyện của Changoiwala, sau khi được chẩn đoán tiểu đường type 2 và cholesterol cao, cô bắt đầu đi bộ, tập thể hình và kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn uống. Cô giảm được 17 kg sau vài năm sống kỷ luật.

“Tôi vẫn dùng thuốc mỗi ngày nhưng đã lấy lại tự tin về sức khỏe. Với những người còn trẻ, họ có thể tránh khỏi căn bệnh của tôi, miễn là họ nhận thức béo phì là căn bệnh, vấn đề cần chú ý”, cô chia sẻ.

Hạ Đan

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/con-so-gay-soc-ve-luong-nguoi-beo-phi-tren-the-gioi-post1512524.html