Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS
Sáng ngày 30/11, tại Quảng trường Bạch Đằng (thành phố Sóc Trăng), Sở Y tế tổ chức Lễ mit tinh hưởng ứng tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1/12/2024. Đồng chí Ngô Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng, thành phố Sóc Trăng tham dự Lễ mit tinh.
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 với chủ đề: “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, nhằm hưởng ứng chủ đề của Chương trình phối hợp của Liên Hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) và nhấn mạnh vai trò của nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; tiếp nối cam kết tại Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS lần thứ 75 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc năm 2021.
Mặc dù đã trải qua hơn 30 năm triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với rất nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, tuy nhiên đến nay HIV/AIDS vẫn còn là một trong những vấn đề y tế công cộng nhức nhối tại Việt Nam. Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến tháng 10/2024, số ca nhiễm HIV trên toàn quốc ước tính là 267.391 trường hợp. Riêng trong 9 tháng năm 2024, đã có 11.421 trường hợp phát hiện mới; trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu từ 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27,3%). Bên cạnh đó, đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42,2%).
Tại Sóc Trăng, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên tại thị xã Vĩnh Châu vào năm 1994 đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh có 4.127 trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống và 1.703 người tử vong, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện là 5.830 trường hợp. Trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh xét nghiệm phát hiện 192 trường hợp nhiễm HIV; đối tượng tập trung chủ yếu vào nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (53,6%). Tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) qua giám sát phát hiện có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
Ở Sóc Trăng, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhiều mô hình hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai từ tỉnh đến cơ sở, nhiều người nhiễm HIV đã tình nguyện tham gia đồng hành triển khai mạnh mẽ công tác phòng, chống HIV/AIDS. Sở Y tế đã chỉ đạo toàn ngành triển khai tăng cường thông tin, giáo dục truyền thông; triển khai đồng bộ các hoạt động can thiệp trên nhóm có hành vi nguy cơ cao. Hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone cũng được triển khai đồng bộ, giảm hành vi lây nhiễm HIV ra cộng đồng, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định.
Sau buổi lễ mít tinh, các đoàn xe đã diễu hành cổ động tuyên truyền hưởng ứng qua các tuyến đường trung tâm thành phố Sóc Trăng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Quốc Trứ - Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng kêu gọi các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể cũng như từng người dân chung tay trong công tác phòng, chống HIV/AIDS như tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể và của toàn xã hội. Đồng thời, đồng chí kêu gọi đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động chuyên môn; tăng cường công tác tuyên truyền, xóa bỏ rào cản về sự kỳ thị, phân biệt đối xử, tạo sự bình đẳng và môi trường thân thiện để người nhiễm HIV/AIDS có thể tiếp cận được các dịch vụ y tế và các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ cần thiết khác.