Công đoàn Việt Nam: 95 năm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã phát huy vai trò, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, hào hùng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn và của cả dân tộc Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024), đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã dành cho phóng viên Báo Lao động Thủ đô cuộc trao đổi về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam, cũng như định hướng phát triển trong giai đoạn tới.

Phóng viên: Xin đồng chí khái quát những nét nổi bật về sự phát triển lớn mạnh và những đóng góp của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam hơn 9 thập kỷ qua?

Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Ngày 28/7/1929, tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ chính thức được thành lập, do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cách mạng Việt Nam, khẳng định sự lớn mạnh của phong trào công nhân Việt Nam, là kết quả tất yếu của phong trào công vận đúng đắn và sự truyền bá lý luận Công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Người đặt nền móng lý luận, tư tưởng và tổ chức cho Công đoàn Việt Nam.

Trải qua 95 năm hình thành và phát triển, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, tiếp bước truyền thống vẻ vang được dày công vun đắp bởi lớp lớp các thế hệ cán bộ, đoàn viên Công đoàn, trong đó có những nhà lãnh đạo xuất sắc như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh... Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn kiên định, đoàn kết thống nhất, đổi mới sáng tạo, vận động, tổ chức, hướng dẫn đoàn viên và người lao động cả nước đi tiên phong trong lao động, sản xuất và đấu tranh cách mạng, kế thừa xứng đáng và làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng của dân tộc ta.

Trong thời kỳ đổi mới, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn luôn ở tuyến đầu, là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, trong gần 40 năm đổi mới vừa qua của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

95 năm xây dựng và phát triển, trải qua 13 kỳ đại hội, với các tên gọi khác nhau, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã lớn mạnh toàn diện. Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây (2018 - 2023), Công đoàn Việt Nam đã kết nạp hơn 4,4 triệu đoàn viên, thành lập hơn 24 nghìn Công đoàn cơ sở; triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức Công đoàn... Hiện nay, cả nước có hơn 11,3 triệu đoàn viên, hiện diện trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, tham gia đóng góp ngày càng to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mặc dù có những khó khăn, song trong bối cảnh mới, giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam vẫn giữ vững truyền thống yêu nước, lao động cần cù, sáng tạo, tin tưởng vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng, xứng đáng là giai cấp đi đầu trong công cuộc đổi mới và xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, các cấp Công đoàn đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn. Trước hết là đổi mới tư duy về Công đoàn và hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới. Hoạt động của các cấp Công đoàn dần đi vào chiều sâu, bám sát chức năng, nhiệm vụ và nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, trong đó tập trung thực hiện chức năng cốt lõi là đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Bám sát chủ trương của Đảng và thực tiễn cuộc sống, Công đoàn các cấp, đặc biệt là Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tìm tòi, sáng tạo, đề xuất và tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực, mang “thương hiệu” của tổ chức Công đoàn, như “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”; “Mái ấm Công đoàn”; xây dựng các thiết chế công đoàn, tháo gỡ những vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, điểm sinh hoạt văn hóa, chăm sóc sức khỏe… cho đoàn viên, người lao động, ưu tiên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất, tổ chức cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán và tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại hằng năm giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân; xây dựng chương trình “Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”…

Cùng đó, Công đoàn quan tâm đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, góp phần bảo đảm chế độ, chính sách và từng bước nâng cao phúc lợi, lợi ích cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Có thể nói, những kết quả toàn diện của hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động cả nước trong những năm gần đây đã đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Phóng viên: Như đồng chí đã khẳng định, trải qua các thời kỳ lịch sử, giai cấp công nhân luôn ở tuyến đầu, là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vậy, thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có chính sách quan tâm, chăm lo như thế nào tới giai cấp công nhân, để động viên, khích lệ họ tiếp tục nỗ lực, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước, thưa Chủ tịch?

Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Thực hiện Thông báo số 77-TB/TW ngày 24/2/2012, kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đồng ý tháng 5 hằng năm là Tháng Công nhân, 12 năm qua, hoạt động “Tháng Công nhân” hằng năm được triển khai rộng khắp, hướng về cơ sở với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, trở thành điểm nhấn quan trọng, có sức lan tỏa, tạo động lực và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho công nhân lao động cả nước, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, quần chúng lao động.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang và lãnh đạo các bộ, ban, ngành chủ trì Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang và lãnh đạo các bộ, ban, ngành chủ trì Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”.

Tháng Công nhân hằng năm được tổ chức cũng là dịp tuyên truyền sâu rộng vai trò, sứ mệnh và tiếp tục phát huy, khẳng định vị trí tiên phong, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của giai cấp công nhân Việt Nam.

Thông qua Quy chế phối hợp, trong những năm qua, Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan tới việc làm, thu nhập, đời sống, an ninh, an toàn của công nhân lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Đặc biệt, từ năm 2016, các chương trình gặp gỡ, đối thoại, trao đổi giữa Thủ tướng Chính phủ với đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các cấp Công đoàn cả nước đã trở thành hoạt động thường niên trong Tháng Công nhân nhằm thúc đẩy sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân.

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước giai đoạn năm 2019 - 2023” đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đặc biệt, đứng trước yêu cầu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2021 - 2026 mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra, tiếp tục khẳng định vai trò đồng hành của Công đoàn với Chính phủ, nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024 và hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” với mong muốn Diễn đàn là dịp để công nhân, viên chức, công chức, cán bộ Công đoàn và các doanh nghiệp ở các vị trí khác nhau cùng trao đổi, bàn thảo, đánh giá về thực trạng năng suất lao động Việt Nam, nguyên nhân và điểm nghẽn. Qua đó, cùng đề xuất, kiến nghị, hiến kế với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tiếp tục thúc đẩy nâng cao năng suất lao động chủ yếu từ giác độ người lao động.

Trong tiến trình lịch sử vẻ vang của mình, Công đoàn Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước rộng khắp; thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng giai cấp công nhân, giới thiệu số lượng lớn đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp và đào tạo cung cấp được nhiều cán bộ xuất sắc để Đảng, Nhà nước phân công, bổ nhiệm giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị.

Phóng viên: Trước những yêu cầu, đòi hỏi trong giai đoạn cách mạng mới, phát huy truyền thống vẻ vang 95 năm qua, khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của giai cấp công nhân, người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta, xin đồng chí cho biết, thời gian tới đây, Công đoàn Việt Nam sẽ ưu tiên tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Trước những biến động, thách thức trong giai đoạn mới, Việt Nam sẽ thực hiện các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… đòi hỏi các cấp Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động trên cơ sở đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã xác định: Hoạt động công đoàn tiếp tục hướng mạnh về cơ sở; lấy Công đoàn cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu; lấy nhu cầu, lợi ích của đoàn viên, người lao động làm căn cứ xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động; khơi dậy, phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo, khát vọng cống hiến của đoàn viên, người lao động trong thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch Nguyễn Đình Khang thăm công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội.

Chủ tịch Nguyễn Đình Khang thăm công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội.

Để thực hiện mục tiêu trên, từ nay đến năm 2028, Công đoàn Việt Nam sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá: Một là, đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. Hai là, tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Ba là, xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch Công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt.

Các cấp Công đoàn đều xác định đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng đa dạng, linh hoạt, hướng về cơ sở; phát động và triển khai rộng rãi các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động… Thông qua các phong trào thi đua, đợt thi đua cao điểm, Công đoàn động viên, khuyến khích công nhân lao động không ngừng nỗ lực trong học tập, lao động, công tác, phát huy sáng kiến, sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, qua đó nâng cao thu nhập, đời sống của mình và gia đình, góp phần xây dựng đất nước hùng cường.

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, cũng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng, cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là công nhân lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng hiện đại, lớn mạnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Lan Ngọc (thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cong-doan-viet-nam-95-nam-dong-hanh-cung-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-174007.html