Công nghệ giữ rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Ở Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập, công tác tuần tra, bảo vệ rừng luôn được lực lượng kiểm lâm ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần là bảo vệ rừng, ngăn chặn lâm tặc, lực lượng kiểm lâm còn có nhiệm vụ tìm kiếm dấu vết các loài động vật, nghiên cứu về thảm thực vật, phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên, cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài sinh vật… Để làm được điều này, công nghệ được xem là cánh tay đắc lực giúp lực lượng kiểm lâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Quản lý và bảo vệ rừng bằng công nghệ

Nhờ được trang bị các thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, công tác quản lý, giám sát, bảo vệ rừng ở VQG Bù Gia Mập ngày càng hiệu quả và giảm được sức người. Điển hình như thiết bị bẫy ảnh kỹ thuật số đang được sử dụng nhằm ghi lại hoạt động của các loài động vật vào ban đêm hoặc nhạy cảm với sự xuất hiện của con người. Loại bẫy này được thiết kế với camera có độ phân giải cao, có thể ghi nhận được hình ảnh với chất lượng rõ nét. Nhờ các bẫy ảnh kỹ thuật số mà cán bộ nghiên cứu đã ghi lại hình ảnh một số loài thú nguy cấp, quý hiếm, có giá trị bảo tồn cao để phục vụ nghiên cứu khoa học.

Anh Phan Văn Biên, cán bộ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Ban Quản lý VQG Bù Gia Mập cho biết: Bình thường khi đi tuần tra rất khó gặp các loài thú nhỏ hoặc hươu, nai, bò tót… Vì vậy, cán bộ Ban quản lý vườn đã cài đặt bẫy ảnh hồng ngoại tại các điểm thú rừng hay lui tới để ghi nhận lại hình ảnh các loài động vật hoang dã trong lâm phần vườn. Nhờ các bẫy ảnh này, chúng tôi đã ghi nhận và khẳng định sự hiện diện của một số loài thú nguy cấp, quý hiếm, có giá trị bảo tồn cao như: bò tót, nai xám, cheo Nam Dương, hoẵng, khỉ mặt đỏ… Đây là cơ sở để Ban Quản lý vườn xây dựng và đề xuất một số giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn các loài động vật hoang dã trong lâm phần vườn.

Thiết bị bẫy ảnh kỹ thuật số có độ phân giải cao đang được Vườn quốc gia Bù Gia Mập sử dụng nhằm ghi lại hoạt động của các loài động vật vào ban đêm hoặc nhạy cảm với sự xuất hiện của con người

Thiết bị bẫy ảnh kỹ thuật số có độ phân giải cao đang được Vườn quốc gia Bù Gia Mập sử dụng nhằm ghi lại hoạt động của các loài động vật vào ban đêm hoặc nhạy cảm với sự xuất hiện của con người

Ngoài những chiếc bẫy ảnh kỹ thuật số thì trong những chuyến đi rừng của cán bộ kiểm lâm không thể thiếu thiết bị định vị GPS vì nhỏ gọn, dễ dàng mang theo trong các chuyến tuần tra. Đưa vào sử dụng từ năm 2007, máy định vị GPS hỗ trợ lực lượng kiểm lâm lưu lại hiện trường tuần tra, những điểm phát hiện dấu vết của động vật quý hiếm, các cây gỗ quý hay những địa điểm bị lâm tặc chặt phá. Thông qua trích xuất từ máy định vị GPS giúp lãnh đạo Ban quản lý vườn có giải pháp quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả.

Anh Thái Văn Phương, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đắc Ka, Ban Quản lý VQG Bù Gia Mập chia sẻ: “Lực lượng kiểm lâm “mỏng”, trong khi tiểu khu giao quản lý diện tích rộng nên phải dùng thiết bị định vị GPS. Đặc biệt, chúng tôi cũng kết hợp sử dụng thêm Smart Mobile tích hợp phần mềm bản đồ Avenza Maps cài đặt trên điện thoại thông minh của mỗi cá nhân, giúp thu thập thông tin và số liệu trên hiện trường nhanh chóng, chính xác. Ngoài ra, Smart Mobile còn được tích hợp sẵn bản đồ vệ tinh và bản đồ nền của vườn, kèm theo các tính năng khác như định vị (sử dụng sóng vệ tinh), xác định góc phương vị, độ cao, tốc độ di chuyển và tính năng đính kèm hình ảnh tại vị trí ghi nhận thông tin trên thực địa, giúp chúng tôi đỡ vất vả đi lại mà vẫn xác định được chính xác vị trí rừng có biến động, nâng hiệu quả bảo vệ rừng”.

Địa hình rừng rộng và phức tạp, nếu không có công nghệ hỗ trợ chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, cán bộ kiểm lâm thực hiện việc tuần tra rừng bằng hình thức đi bộ, 1 tiếng đồng hồ đi được khoảng 4-5km. Gần đây, VQG đã trang bị thêm thiết bị ghi hình flycam để quan sát rừng góc rộng từ trên cao, đặc biệt ở những khu vực rừng có địa hình hiểm trở. Khi có flycam, lực lượng kiểm lâm chỉ cần đến cửa rừng, dùng flycam bay chừng 30 phút là có thể bao quát toàn bộ khu rừng cần kiểm tra. Flycam sẽ truyền hình ảnh về cho người điều khiển, thông qua điện thoại thông minh. Qua đó, lực lượng kiểm lâm dễ dàng phát hiện những biến động của rừng.

Anh KIỀU ĐÌNH THÁP,
Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Giúp kiểm soát rừng trên diện rộng

VQG Bù Gia Mập có 10 trạm kiểm lâm, 10 chốt cộng đồng địa phương và 8 chốt kiểm lâm. Đưa công nghệ vào quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng đang giúp giảm bớt áp lực cho lực lượng kiểm lâm và cộng đồng nhận khoán. Thông qua dữ liệu có được từ các đợt tuần tra, nghiên cứu, lãnh đạo Ban quản lý vườn biết được các địa điểm nào bị bỏ sót trong quá trình tuần tra, điểm nào cộng đồng nhận khoán ít đến để điều chỉnh.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hệ thống đường truyền internet, mạng viễn thông phủ sóng trong khu vực vườn còn hạn chế. Vì thế, dù đang sử dụng các loại máy móc hiện đại nhất, được tích hợp nhiều tính năng nhưng vườn vẫn chưa thể truyền và cập nhật hình ảnh trực tiếp, thông tin báo cáo kịp thời đến lãnh đạo. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận việc sử dụng song song các thiết bị công nghệ, phần mềm tích hợp trên nền tảng điện thoại thông minh kết hợp với tuần tra thực địa đã mang lại hiệu quả trong quản lý, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng và thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học.

Đến nay đã có 5 đề tài cấp tỉnh được đơn vị thực hiện. Công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài sinh vật cũng được chú trọng. Đã có hàng ngàn cá thể động vật hoang dã được cứu hộ, chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên, số vụ vi phạm lâm luật cũng giảm đáng kể. Đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng áp dụng các phần mềm, ứng dụng sẽ đảm bảo được công tác kiểm soát trên diện rộng, tiết kiệm nhân lực, bảo vệ rừng hiệu quả hơn.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/90/140161/cong-nghe-giu-rung-o-vuon-quoc-gia-bu-gia-map