Công nghệ và sự tận tâm

Kỷ lục nối tiếp kỷ lục, những ngày qua, người hâm mộ đã chứng kiến nhiều màn đua tài hấp dẫn tại Paralympic Tokyo 2020. Những thành tích tuyệt vời trên một phần nhờ thiết bị công nghệ hỗ trợ tiên tiến và sự tận tâm của ban tổ chức.

Tại Paralympic Tokyo 2020, các vận động viên (VĐV) bơi lội khiếm thị được đồng hành cùng thiết bị cảm biến có chức năng phát hiện vật cản, nhắc nhở khi sắp chạm đến thành bể. Ở môn cầu lông, xe lăn được thiết kế đặc biệt với tựa lưng và bánh xe phụ giúp các tay vợt di chuyển nhẹ nhàng, thực hiện cú đánh xoay hoặc ngả người phía sau mà không bị lật ngửa. Một sản phẩm công nghệ khác đang hỗ trợ nhiều cho các cung thủ năm nay là “nẹp nhả đạn”, giúp tốc độ bắn nhanh và chính xác hơn. Tương tự ở môn đua xe đạp, những chiếc xe thế hệ mới có thể giúp các VĐV đạt tốc độ hơn 60km/giờ mà vẫn bảo đảm an toàn...

Các cung thủ thi đấu tốt nhờ “nẹp nhả đạn”. Ảnh: World archery

Các cung thủ thi đấu tốt nhờ “nẹp nhả đạn”. Ảnh: World archery

Cũng giống như Olympic, Paralympic kỳ này đang phô diễn nhiều tiến bộ công nghệ nhằm hỗ trợ người khuyết tật (NKT). Mặc dù vẫn còn nhiều sản phẩm đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng những cải tiến cho thấy tính khả thi và là công cụ hỗ trợ giúp NKT vươn tới đỉnh cao. Để những sản phẩm trên được áp dụng tại Paralympic Tokyo 2020 là nỗ lực tuyệt vời từ các công ty công nghệ và đặc biệt là chủ nhà Nhật Bản.

Nhật Bản đã và đang chứng minh cho thế giới thấy năng lực công nghệ, đặc biệt là những thiết bị trợ giúp NKT. Tại các bệnh viện ở Nhật Bản, bệnh nhân là NKT được hỗ trợ rất nhiều công cụ hiện đại, như: Hệ thống khung xương cơ học điện tử gắn ngoài, hệ thống cảm ứng không gian để thu thập dữ kiện hoạt động của người bệnh... Người Nhật Bản quan niệm, công nghệ chỉ là công cụ cải thiện đời sống, bởi nếu muốn chăm lo tốt cho NKT thì trước hết vẫn phải là nhận thức xã hội. Dễ nhận thấy ở tất cả các địa điểm công cộng từ phương tiện giao thông, đường sá, nhà vệ sinh... tại Nhật Bản đều bố trí vị trí đặc biệt cho NKT. Một NKT ở Nhật Bản có khả năng sinh hoạt như một người bình thường, từ di chuyển, làm việc và cống hiến cho xã hội. Đặc biệt, từ lâu, Chính phủ Nhật Bản đã quy định, mọi tổ chức kinh tế đều phải nhận tối thiểu 3% nhân viên là NKT, nếu không đáp ứng yêu cầu này, họ sẽ phải trích ra một khoản tiền phúc lợi.

Cũng bởi có kinh nghiệm chăm lo chu đáo cho NKT nên tại Paralympic Tokyo 2020, đã có nhiều câu chuyện đẹp, bình luận hay của các VĐV tham dự dành cho lực lượng tình nguyện viên, ban tổ chức. Gần 4.500 VĐV từ 160 quốc gia và vùng lãnh thổ tới Tokyo đợt này không chỉ được hỗ trợ tối đa về công nghệ, thủ tục nhanh gọn, đồ ăn thức uống phù hợp với văn hóa từng nước mà họ luôn được ban tổ chức thường xuyên thăm hỏi, động viên. Công nghệ và sự tận tâm là hai yếu tố tạo nên thành công của Paralympic Tokyo 2020. Đây cũng là điều mà nước chủ nhà Nhật Bản muốn truyền tải cho thế giới trong hành trình giúp NKT hòa nhập, vượt lên số phận.

HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/cong-nghe-va-su-tan-tam-670042