Công nghiệp chế biến nông sản: 'Biến nguy thành cơ'

Những ngày cuối năm 2021, thông tin về hàng ngàn container nông sản Việt ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, quản lý chặt chẽ đối với người và hàng hóa nhập cảnh...

Sản phẩm thịt chua, nem sợi của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Trường Food (thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn) được sản xuất theo quy trình khép kín, hiện đại đạt tiêu chuẩn ISO 22000.

(baophutho.vn) - Những ngày cuối năm 2021, thông tin về hàng ngàn container nông sản Việt ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, quản lý chặt chẽ đối với người và hàng hóa nhập cảnh, khiến hàng tấn hàng hóa, nông sản bị hư hỏng, gây thiệt hại cho cả nông dân và thương lái. Việc “giải cứu nông sản” một lần nữa được phát động. Thực tế, đây không phải lần đầu làn sóng giải cứu nông sản diễn ra, vấn đề được đặt ra là cần thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản (CBNS) làm biện pháp căn cơ để giải quyết tình trạng trên…

Đánh thức tiềm năng
Cùng với nhiều địa phương trong khu vực và cả nước, thời gian qua, Phú Thọ đang có những bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp. Là tỉnh miền núi nằm trong vùng quy hoạch Thủ đô, Phú Thọ có diện tích tự nhiên 353,4 nghìn ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 33,4%, đất lâm nghiệp chiếm 48,1%, diện tích nuôi trồng thủy sản chiếm 2,2% trong tổng diện tích. Cùng với những lợi thế điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu đã sớm hình thành nền nông nghiệp đa dạng với nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng, thế mạnh. Những năm gần đây, cùng với thực hiện hiệu quả chính sách dồn đổi, tích tụ ruộng đất, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được nhiều khu, vùng sản xuất nguyên liệu theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo quy trình kỹ thuật cao như: VietGAP, GlobalGAP, áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng HACCP, ISO… Đồng thời, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và các văn bản chỉ đạo, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 01 của HĐND tỉnh ngày 19/7/2019 về Cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh ngày 16/7/2019 về Chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển công nghiệp CBNS như: Tạo quỹ đất xây dựng các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ lãi suất vay vốn thương mại để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; tăng cường hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị… Đến nay, toàn tỉnh có 254 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến. Trong đó có 55 doanh nghiệp chế biến chè có công suất trên một tấn chè búp tươi/ngày, trên 897 cơ sở chế biến nhỏ lẻ với sản lượng chế biến đạt trên 55 nghìn tấn chè búp tươi/năm; 27 doanh nghiệp và gần 300 cơ sở chế biến thực phẩm; 178 doanh nghiệp, 6 HTX, 714 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản quy mô vừa, khoảng 2.100 cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình với các sản phẩm chủ yếu: Gỗ xẻ, gỗ thanh, ván bóc, ván ép, đũa, dăm mảnh, đồ mộc dân dụng… Bên cạnh đó, tỉnh có 75 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận, trong đó nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 44 làng nghề (chiếm 58,7%). Nhiều làng nghề có tiềm năng phát triển mạnh với nhiều sản phẩm có mẫu mã, chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có thị trường tiêu thụ ổn định như các làng nghề: Sản xuất chế biến chè Đá Hen, chế biến nông sản, thực phẩm Đoàn Kết (thành phố Việt Trì); chế biến lâm sản Ấm Hạ (huyện Hạ Hòa)… là nền tảng vững chắc thúc đẩy CBNS.

Sản xuất mỳ rau củ bằng công nghệ mới tại HTX thực phẩm xanh.
“Chìa khóa” cho phát triển
Doanh nghiệp tiên phong hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, các sản phẩm thịt chua, nem sợi của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Trường Food (thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn) đều được sản xuất trên quy trình khép kín, hiện đại đạt tiêu chuẩn ISO 22000, trở thành các sản phẩm tiêu biểu đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao. Hiện doanh nghiệp đã phát triển trên 4.000 đại lý, nhà phân phối trên toàn quốc, với sản lượng tiêu thụ trung bình trên 2,5 triệu sản phẩm/năm. Bà Nguyễn Thị Thu Hoa - Đại diện Công ty cho biết: Nhằm cung cấp ra thị trường các sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi luôn chú trọng khâu quản lý nguyên liệu đầu vào. Doanh nghiệp đã ký kết với Công ty cổ phần Masan MEATLife cung cấp sản phẩm thịt sạch MEATDeli làm nguyên liệu sản xuất chính. Ngoài ra doanh nghiệp cũng liên kết với các hộ chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAP trên địa bàn tỉnh để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đưa vào sản xuất, chế biến. Nhờ đó, chúng tôi chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, giúp doanh nghiệp luôn duy trì hoạt động ổn định, không bị gián đoạn trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Việc tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến cũng được nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm. Năm 2017 thành lập theo Luật Hợp tác xã (HTX) 2012 với sản phẩm chính là mỳ rau củ các loại, HTX Thực phẩm xanh (xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao) đã chủ động áp dụng công nghệ cao trong sản xuất chế biến. Bà Đào Thị Thu Trang - Giám đốc HTX cho biết: Mỳ rau củ là sự kết hợp giữa gạo và bột rau củ nguyên chất, bên cạnh các loại máy móc như: Máy tách, nghiền, trộn bột, tạo sợi… HTX đã đầu tư tủ sấy, áp dụng công nghệ sấy lạnh thay thế cho công nghệ sấy nhiệt thông thường trong khâu sơ chế nguyên liệu rau củ và sấy khô mỳ. Thông qua việc đưa các công nghệ mới vào sản xuất đã giúp HTX nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa, giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, đặc biệt đã giảm thiểu tình trạng hao hụt nguyên liệu, giữ được tối đa màu sắc, hương vị đặc trưng cho sản phẩm.Có thể thấy, từ phát triển công nghiệp CBNS đã góp phần chuyển dịch ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thúc đẩy quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Không những gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, đem lại lợi ích trực tiếp cho nông dân, doanh nghiệp mà còn giúp tháo gỡ đầu ra cho nông sản, hạn chế tổn thất, rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông sản. Tuy nhiên việc thúc đẩy phát triển CBNS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỉ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, sản phẩm nông nghiệp được sơ chế, chế biến còn hạn chế, chủ yếu là chế biến thô; tỉ lệ doanh nghiệp đầu tư chế biến tinh, chế biến sâu thấp. Phát triển nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, số lượng cơ sở chế biến nông sản tăng nhưng phần lớn còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn hạn chế, chủ yếu quy mô nhỏ, bán tự động, chưa tạo được đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh. Chưa hình thành được nhiều chuỗi liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến cần tuân thủ các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi quá trình sản xuất còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm còn hạn chế, nhiều sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, nhãn hiệu nhưng chưa mạnh, tính cạnh tranh chưa cao. Mặt khác, đặc thù đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lợi nhuận thấp, thị trường sản phẩm không ổn định, có nhiều rủi ro, nên chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CBNS. Ông Vũ Quốc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Để thúc đẩy công nghiệp CBNS tỉnh đã và đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, chú trọng bám sát lộ trình, phương án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản gắn với thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung nhằm phát huy lợi thế, thế mạnh của từng địa phương. Tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, hạ tầng dịch vụ trên địa bàn nông thôn; phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ phục vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp CBNS nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển CNCBNS. Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến công, khuyến nông hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, trang bị máy móc phục vụ sản xuất chế biến; khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, đầu tư chế biến sâu, chế biến tinh. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm nông sản… nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.Tuy chưa phải là địa phương có sản lượng nông sản xuất khẩu cao, song nếu có thể nắm bắt thời cơ tập trung thúc đẩy công nghiệp chế biến sẽ bước tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, trước những tác động không nhỏ của đại dịch COVID-19, việc thúc đẩy công nghiệp chế biến trong sản xuất nông nghiệp để “biến nguy thành cơ” sẽ có ý nghĩa then chốt trong việc nâng cao giá trị chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp và giảm thiểu rủi ro, thất thoát trong quá trình sản xuất, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiệu quả theo hướng hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng, hướng tới phát triển công nghiệp chế biến sâu. Đồng thời đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế; cải thiện bức tranh kinh tế-xã hội ở khu vực nông thôn và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Thùy Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202201/cong-nghiep-che-bien-nong-san-%E2%80%9Cbien-nguy-thanh-co%E2%80%9D-182512