Công nghiệp văn hóa đóng góp hơn 4% tổng GDP quốc gia

Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng; chiếm hơn 4% tổng GDP quốc gia.

Đây là thông tin được nêu ra tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vừa khai mạc sáng nay 21/11 tại thành phố Đà Nẵng.

Hội nghị diễn ra trong ngày 21/11 và 22/11 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức.

Hội nghị phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 30/CT-TTg, trong đó làm rõ những nhiệm vụ cụ thể được giao cho các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan. Đồng thời báo cáo về công tác xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai, thực hiện tại Chỉ thị số 30/CT-TTg của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong phát biểu khai mạc hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho hay, Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ trách nhiệm không chỉ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà còn của các bộ, ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là các địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là một bước để chúng ta nâng cao nhận thức xã hội về công nghiệp văn hóa, khuyến khích doanh nghiệp và xã hội làm công nghiệp văn hóa cũng như thay đổi cách làm của ngành văn hóa - thể thao - du lịch.

Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng. Thống kê sơ bộ, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp khoảng hơn 4% tổng GDP của quốc gia và dư địa phát triển còn rất lớn.

Trình diễn áo dài tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (thành phố Đà Nẵng).

Trình diễn áo dài tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (thành phố Đà Nẵng).

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển công nghiệp văn hóa thời gian qua. Nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Đề cập các giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, thu hút nguồn lực hợp tác công tư; những chính sách về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số…

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu cũng đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bổ sung vào dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với xu hướng phát triển mới hiện nay của đất nước nhằm đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mang lại giá trị gia tăng kinh tế, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam.

Trong ngày mai 22/11, các đại biểu tiến hình khảo sát các mô hình và sản phẩm công nghiệp văn hóa tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Mỹ Linh

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/cong-nghiep-van-hoa-dong-gop-hon-4-tong-gdp-quoc-gia-c2a86333.html