COP 26: Xu hướng di chuyển bằng xe đạp ở đô thị đang tăng

Giao thông vận tải là yếu tố vô cùng quan trọng trong đời sống của con người. Tuy nhiên, giao thông cũng là một trong những tác nhân gây ra sự nóng lên của trái đất, suy thoái môi trường, các tác động tiêu cực đến sức khỏe và phát thải khí nhà kính. Trước thực trạng này, việc chuyển đổi sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện, trong đó có xe đạp được xem là một trong những giải pháp để giảm phát thải hiệu quả. Vậy cần phải làm gì để có thể thúc đẩy phương tiện giao thông vốn được xem là thô sơ này trong bối cảnh hiện nay?

XU HƯỚNG DI CHUYỂN BẰNG XE ĐẠP Ở ĐÔ THỊ ĐANG TĂNG

7h sáng. Sau khi chuẩn bị mọi thứ chỉn chu, mặc thêm chiếc áo mưa vì hôm nay trời bỗng đổ mưa ngay sát giờ đi làm, như thường ngày ông Nguyễn Toàn Thắng ở quận Hai Bà Trưng lại di chuyển đến chỗ làm ở quận Ba Đình bằng xe đạp. Sau một thời gian dài sử dụng xe máy để đi làm giống phần lớn người dân sống ở đô thị, từ năm 2016 đến nay, ông Thắng đã quyết định chuyển hẳn sang đi xe đạp.

Mặc dù thời gian đầu mới đạp xe đi làm ông Thắng cũng gặp phải một số bất cập, nhưng sau khi lựa chọn được chiếc xe phù hợp, đúc rút được nhiều kinh nghiệm, giờ với ông Thắng đạp đi làm thực sự là một thú vui.

Không chỉ sử dụng xe đạp cá nhân, từ khi một số đô thị triển khai thí điểm mô hình xe đạp công cộng, nhiều người dân sống ở đô thị đang dần xem đây là một trong những phương tiện di chuyển chủ yếu của mình.

Không chỉ ở Hà Nội, tại hầu hết các đô thị lớn của Việt Nam, số người đạp xe đi làm, đi chơi, đi tập thể dục thậm chí là đi du lịch đang có chiều hướng gia tăng. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng. Bởi nếu quan sát những thành phố đáng sống trên thế giới có thể nhận ra rằng, đi xe đạp không phải là sự thụt lùi của xã hội, mà đó chính là xu hướng của những thành phố xanh sạch đẹp và thân thiện với môi trường.

PHÁT TRIỂN PHƯƠNG TIỆN XE ĐẠP VÀ NHỮNG NÚT THẮT

Theo các chuyên gia, nguyên tắc chính của giảm phát thải trong giao thông là Tránh- Chuyển đổi và Cải Thiện. Lựa chọn xe đạp để di chuyển thuộc vào nhóm Chuyển đổi. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp khả thi vì xe đạp là phương tiện giao thông dễ sử dụng, giá cả phải chăng, dễ tiếp cận và thân thiện với môi trường. Tại Việt Nam, xe đạp đã từng là phương tiện chính và phổ biến. Tuy nhiên trong những thập niên gần đây, tỷ lệ sở hữu phương tiện cơ giới cá nhân tăng nhanh đã khiến xe đạp ít được sử dụng hơn tại khu vực đô thị, từ đó giao thông xe đạp cũng nhận được ít sự quan tâm trong quá trình xây dựng chính sách. Vì thế, nếu bây giờ muốn thúc đẩy phương tiện xe đạp tại các đô thị lớn chắc chắn sẽ phải tháo gỡ rất nhiều nút thắt.

Linh hoạt, phát thải gần như bằng 0, tuy nhiên số lượng người sử dụng phương tiện xe đạp tại Việt Nam rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 2%. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do đa số người dân cảm thấy bất tiện và khó khăn trong việc di chuyển bằng xe đạp trên đường.

Để tránh ùn tắc và giảm lượng phát thải, nhiều thành phố lớn như Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh đã và đang dự tính thí điểm “Làn đường riêng cho xe đạp”. Tuy nhiên không ít chuyên gia cho rằng đối với điều kiện giao thông đô thị của nước ta hiện nay, việc phát triển xe đạp với làn đường riêng là không hề đơn giản.

Biết là không đơn giản nhưng kinh nghiệm của nhiều nước phát triển cho thấy phát triển cơ sở hạ tầng xe đạp được xem là yếu tố cơ bản trong việc phát triển thành phố trở nên đáng sống, an toàn và bền vững hơn. Do đó, theo các chuyên gia, để hiện thực hóa được mục tiêu này, làn đường riêng cho xe đạp thôi chưa đủ, các thành phố lớn của Việt Nam trong quá trình quy hoạch cơ sở hạ tầng đô thị phải quan tâm tới vấn đề quy hoạch cơ sở cho phương tiện công cộng đặc biệt là xe đạp với góc nhìn tổng quan hơn.

Khi hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn đang còn quá thiếu những tuyến đường thân thiện với xe đạp, mong muốn phát triển mạnh loại hình giao thông truyền thống này vẫn sẽ là một quãng đường dài, dù đó là cái đích tất yếu của một đô thị mn đạt tới tầm hiện đại.

GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN PHƯƠNG TIỆN XE ĐẠP TẠI ĐÔ THỊ

Có thể nói rằng cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam tại các đô thị lớn diễn ra trong tiếng động cơ xe máy, ô tô và bầu không khí bị ô nhiễm do khí thải từ động cơ của các phương tiện này gây ra. Ngoài ra, an toàn giao thông xe máy và ô tô tại Việt Nam cũng đang ở mức báo động. Vì vây, cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, có thể không sớm thì muộn người Việt Nam cũng sẽ phải quay trở về với những chiếc xe đạp hai bánh đơn giản, thân thiện với môi trường do những lợi ích to lớn mà chúng mang lại trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống. Để có thể làm được điều này, bên cạnh những chính sách phù hợp, Việt nam cũng nên học tập kinh nghiệm của những quốc gia đã thành công trong việc phát triển xe đạp.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cop-26-xu-huong-di-chuyen-bang-xe-dap-o-do-thi-dang-tang-199970.htm