Cuộc điện thoại khẩn khiến người phụ nữ bỏ việc để lên đường cứu người

Đang bán hàng, chị Lê Thị Vinh (Hà Nội) nghe tiếng chuông điện thoại, trên màn hình hiển thị dãy số quen thuộc từ Viện Huyết học. Chị biết có người bệnh cần nhóm máu hòa hợp, người phụ nữ tất tả gửi gắm cửa hàng rồi chạy xe 30km đến viện.

Chị Lê Thị Vinh (51 tuổi, quê Thường Tín, Hà Nội) là người có nhóm máu hòa hợp phenotype. Trước đây, cứ đủ ngày tháng, chị lại chạy 30km từ nhà đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Viện Huyết học), để hiến máu, hiến tiểu cầu hoặc tham gia các chương trình hiến máu ở địa phương.

Một lần, đang bán hàng, chị nhận được cuộc gọi từ Viện Huyết học mời đến hiến máu do nhóm máu của chị hòa hợp với nhóm máu mà người bệnh cần truyền. Không ngại đường xa, chị nhờ người quen trông coi giúp cửa hàng và tất bật lên đường ngay.

"Nghe điện thoại là tôi biết có người đang cần nên không ngần ngại gì, thu xếp đi ngay. Nhà tôi cách viện khá xa, hôm đó về nhà khá muộn nhưng tôi vui lắm vì đã kịp thời cứu người”, chị Vinh kể lại lần đầu tiên đi hiến máu hòa hợp phenotype theo huy động của Viện Huyết học.

Năm 2024, chị Vinh có 3 lần hiến máu hòa hợp phenotype theo huy động của Viện Huyết học. Ảnh: BVCC

Năm 2024, chị Vinh có 3 lần hiến máu hòa hợp phenotype theo huy động của Viện Huyết học. Ảnh: BVCC

Một lần, mưa gió to, tầm tã, chị Vinh lại nhận được cuộc gọi. Dù viện báo chị có thể đến sau 2 ngày nữa nhưng biết bệnh nhân đang lo lắng, biết đâu có chuyện xảy ra trong lúc chờ máu, vì thế, chị vượt vất vả, lên đường ngay. Đến nơi, người chị ướt rũ nhưng "hạnh phúc lạ kỳ".

Đến nay, chị Vinh đã hiến máu hơn 30 lần. Riêng năm 2024, chị có 3 lần hiến máu hòa hợp phenotype theo huy động của Viện Huyết học.

Giải thích về nhóm máu hòa hợp phenotype, Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, cho hay ở những bệnh nhân càng truyền máu nhiều lần thì khả năng tiếp xúc với kháng nguyên lạ càng nhiều và nguy cơ sinh kháng thể bất thường ở những bệnh nhân này càng cao.

Khi đó, truyền máu hòa hợp hệ nhóm máu ABO và Rh là chưa đủ để đảm bảo an toàn cho người bệnh mà phải truyền máu hòa hợp các kháng nguyên của các hệ thống nhóm máu khác (hay còn gọi là truyền máu hòa hợp phenotype).

Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, chia sẻ về nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype. Ảnh: BVCC

Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, chia sẻ về nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype. Ảnh: BVCC

Trung tâm Thalassemia thuộc Viện Huyết học hiện quản lý, điều trị khoảng 3.000 bệnh nhân. Khoảng 30% trong đó đã được truyền máu hòa hợp phenotype, giúp người bệnh hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến truyền máu do bất đồng nhóm máu hồng cầu giữa người cho và người nhận. Bên cạnh đó, truyền máu hòa hợp nhóm máu hệ hồng cầu còn giúp hạn chế việc sinh kháng thể bất thường hệ hồng cầu; hạn chế việc điều trị thải sắt đối với nhóm bệnh nhân thalassemia cần truyền máu thường xuyên.

Chị Vinh là một trong 20 người nhóm máu hòa hợp phenotype và nhóm máu hiếm tiêu biểu năm 2024 được khen thưởng tại chương trình tri ân, tôn vinh do Viện Huyết học tổ chức ngày 23/11.

Máu là chế phẩm quan trọng và không thể thay thế đối của người cần truyền máu. Với người bệnh có nhóm máu hiếm, loại “thuốc” đặc biệt này lại càng quý giá hơn. Theo quy ước của Hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong quần thể được coi là hiếm và dưới 0,01% được coi là rất hiếm. Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm là nhóm máu hiếm.

Theo Tiến sĩ Quế, nhiều năm nay, viện đã tiến hành xét nghiệm, xác định các kháng nguyên nhóm máu ngoài hệ ABO và Rh cho một số người hiến máu tình nguyện thường xuyên.

Danh sách những người có nhóm máu hiếm Rh(D) âm hay người hiến máu hòa hợp phenotype (đã được xác định một số kháng nguyên nhóm máu) đều được lưu trữ trên phần mềm của viện. Nhờ đó, khi có bệnh nhân cần, viện có thể gọi người hiến máu phù hợp theo danh sách để kịp thời kêu gọi hiến máu, điều trị cho người bệnh.

Lãnh đạo Viện Huyết học cho biết năm nay, cơ sở y tế đã tiếp nhận dự trù gần 240 đơn vị máu nhóm hiếm và 2.458 đơn vị máu hòa hợp phenotype từ các cơ sở điều trị. Lượng máu phù hợp dự trữ sẵn trong kho chỉ đáp ứng được 56%, số còn lại viện phải tìm kiếm và huy động trực tiếp từ người hiến máu. Với sự hỗ trợ của người hiến máu, đa số các dự trù đều đã được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuoc-dien-thoai-khan-khien-nguoi-phu-nu-bo-ca-kiem-tien-de-len-duong-cuu-nguoi-2344921.html