Cuộc sống tại nơi không có trên bản đồ

Người dân Fiji sống trên hòn đảo nhỏ với bãi cát trắng, ngôi nhà gỗ nhưng họ vẫn đau đáu câu hỏi: 'Ai có thể đưa 'đất nước' tôi lên bản đồ?', theo CNN.

 Du khách check-in tại Fiji hồi tháng 8. Ảnh: @teresa.jg.

Du khách check-in tại Fiji hồi tháng 8. Ảnh: @teresa.jg.

TJ Patel, chủ nhà hàng Vasaqa, người thành phố Nadi (nơi có sân bay quốc tế của Fiji), đã quen tiếp đón các vị khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Anh cho biết nhắc đến Fiji, khách du lịch có thể hình dung nơi đây là một hòn đảo với bãi cát trắng trải dài, những ngôi nhà gỗ trên mặt nước phù hợp cho các cặp đôi hưởng tuần trăng mật với biển xanh bao quanh.

Tuy nhiên, đối với những người sống ở Fiji, bức tranh có phần phức tạp hơn.

"Tôi nhận thức được một sự thật khá đau đớn rằng ở Fiji, rất ít người có thể đưa đất nước của mình lên bản đồ", TJ Patel nói với CNN.

Đảo Jifi nhìn từ trên cao. Ảnh: @der_deutsches_reisebuero.

Đảo Jifi nhìn từ trên cao. Ảnh: @der_deutsches_reisebuero.

Theo người này, để mô tả về hòn đảo, du khách chỉ có thể nói Fiji nằm ở phía Bắc New Zealand, phía Đông Australia và phía Tây Nam Hawaii.

Trên thực tế, đây là một quần đảo ở Nam Thái Bình Dương với dân số khoảng 900.000 người, khoảng một nửa trong số đó sống ở thành phố Suva (trung tâm Fiji). Trước đây, khi là thuộc địa của Anh, Fiji có ba ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh, tiếng Fiji và tiếng Hindi Fiji, theo CNN.

Có lẽ sự "tối nghĩa" về địa lý đã khiến nhiều người đưa ra những giả định không chính xác về cuộc sống thực sự diễn ra như thế nào ở Fiji.

Evlyn Mani, một chuyên gia truyền thông địa phương và blogger phong cách sống, cho biết thông thường nhắc đến Fiji, khách du lịch sẽ nhớ đến địa danh với những bãi biển đầy cát, ly cocktail và chiếc ô dễ thương gần đó. Và họ gọi Fiji là "cộng đồng".

"Nhưng chúng tôi có nhiều hơn thế. Ngoài ra, dân Fiji gắn bó chặt chẽ và ai cũng quen biết nhau. Những người con xa quê vẫn trở về để tham dự các ngày lễ lớn. Hòn đảo chính - Viti - nơi tôi đang ở, du khách có thể đi hết trong vòng 5 giờ và biết mặt hết mọi người", Evlyn Mani cho hay.

Người dân Fiji đeo hoa dâm bụt hoặc hoa frangipani sau tai để hiển thị tình trạng hôn nhân. Ảnh: Nanuku Resort.

Người dân Fiji đeo hoa dâm bụt hoặc hoa frangipani sau tai để hiển thị tình trạng hôn nhân. Ảnh: Nanuku Resort.

Còn Cagi Ratudamu, một người Fiji bản địa, lớn lên trong một ngôi làng nhỏ tên là Laselase, muốn xóa bỏ ý nghĩ của khách du lịch rằng người dân Fiji ăn thịt đồng loại.

Đảo còn có một nhóm người Ấn Độ từng lưu lạc đến trong những ngày Fiji là thuộc địa của Anh. Do đó, Mani và Patel đều từng thưởng thức các bộ phim Bollywood trên tivi và có những buổi họp mặt lớn quy tụ nhiều thế hệ vào các ngày lễ Hindu như Diwali.

Nhưng để nói đến sự kiện đại diện cho người Fiji đó là nghi lễ chào đón du khách với nước kava. Kava là một loại cây rễ chứa chất gây nghiện nhẹ có nguồn gốc từ Fiji. Chúng được nghiền thành bột và trộn với nước, sau đó chế ra một cái bát lớn làm từ vỏ dừa gọi là tanoa.

Khách du lịch quốc tế cũng được mời tham gia nghi lễ kava khi họ đến khách sạn hoặc đi đến một ngôi làng. Bên cạnh kava, tại đây còn có những buổi lễ đặc biệt để kỷ niệm đám cưới và mừng em bé mới sinh.

"Giả sử tôi đến thăm bạn tại một nơi ở Fiji, tôi sẽ tặng kava của mình như một món quà cho các ngôi làng. Sau đó, người dân Fiji sẽ bày một bàn kava hoặc răng cá voi để chào đón", Cagi Ratudamu, cho biết.

Đối với lễ ra mắt người yêu, nhiều người dân bản địa sẽ đeo hoa dâm bụt hoặc hoa frangipani (tương tự hoa sứ) sau một bên tai. Phía sau tai trái có nghĩa là ai đó độc thân, trong khi phía sau tai phải thì ngược lại.

Theo dữ liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ, khoảng 57% người dân ở Fiji là người bản địa và trong nhóm đó, phần lớn là Cơ đốc nhân.

Minh Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cuoc-song-tai-noi-khong-co-tren-ban-do-post1500077.html