Cưỡi voi đánh trận thế nào?

Là người Việt yêu lịch sử, hẳn ai cũng nhớ những hình ảnh oai hùng của các danh tướng Việt như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn hay Vua Quang Trung trên bành voi đánh trận. Nhưng, sử sách ít viết các vị sử dụng voi chiến thế nào.

Gần đây, dư luận trong nước xôn xao khi hãng đồng hồ xa xỉ Christophe Claret đã cho ra mắt sản phẩm mới với hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi vô cùng tinh xảo ở nửa trên của mặt đồng hồ. Ca dao xưa vẫn lưu truyền những câu thơ tả các vị anh hùng dân tộc cưỡi voi trận như “Muốn coi lên núi mà coi/ Coi bà Triệu Ẩu cưỡi voi, đánh cồng”, hay giai thoại về “con voi của Hưng Đạo vương sa lầy” hoặc hình ảnh Vua Quang Trung ngồi trên bành voi tiến quân vào thành Thăng Long ngày Xuân năm Kỷ Dậu 1789, mà “áo bào sạm đen vì khói súng”.

Hình ảnh voi chiến thời Nguyễn.

Hình ảnh voi chiến thời Nguyễn.

Có thể hình dung ra hình ảnh hào hùng của trận chiến năm đó, qua những mô tả của Ngô Cao Lãng trong sách “Lịch triều tạp kỷ”: “Khi trời chưa sáng, Văn Huệ tự mình đốc chiến, dùng hơn 100 con voi hùng dũng đi đầu, quân tinh nhuệ tiến theo sau, đánh nhau to hồi lâu. Những con ngựa của quân kỵ và tướng soái nhà Thanh trông thấy voi thì đều hí vang rồi quay đầu chạy lui. Lính bộ quân Thanh bị voi giày xéo liền chạy cả vào trong hàng rào, bắn súng lớn liều chết cố thủ. Văn Huệ và các thuộc tướng gấp rút xua voi xông pha tên đạn, nhổ rào lũy mà tiến vào. Bọ Đề đốc Hứa Thế Hanh, tướng tiên phong Trương Sĩ Long, Tả dực Thượng Duy Thăng liều chết cố đánh, đều bị tử trận. Quân Thanh tan vỡ”.

Tuy nhiên, không phải lúc nào các chiến tướng cưỡi voi cũng có lợi thế. Như trong chiến dịch quân của vua Lê - chúa Trịnh đánh vào Phú Xuân năm 1774, khi tướng quân Trịnh là Hoàng Đình Thể đánh úp các đồn ở Hiền Sĩ, tướng của chúa Nguyễn là Chính đức hầu Nguyễn Văn Chính vội vàng lên voi, nhưng voi quỳ không đứng lên được. Hoàng Đình Thể đem lính Tuyển Phong xông lên chém ngay Nguyễn Văn Chính. Chủ tướng mất, các đồn ven bờ sông của quân Nguyễn đều tan.

Hoặc, năm sau đó, khi Hoàng Đình Thể cùng Phạm Ngô Cầu giữ thành Phú Xuân chống quân của Nguyễn Huệ, khi Đình Thể lên voi đem quân ra đánh thì Ngô Cầu đóng cửa thành không cho vào, Đình Thể bị vây chặt, hai con tử trận cả, đành giục voi chạy xuống sông Hương tự sát.

Hay, trong loạn kiêu binh ở kinh thành Thăng Long năm 1782, quận Huy Hoàng Đình Bảo cũng chết khi cỡi voi chống lại kiêu binh. “Lịch triều tạp kỷ” chép rằng:

“Quận Huy tuốt gươm ngồi trên bành voi, tiến ra sân phủ, giơ tay xua, quát bảo các quân: “Ba quân! Các người không được hấp tấp, không được huyên náo, đâu đấy hãy về chỗ, không thì chém đầu các người bây giờ!”. Chư quân còn sợ quận Huy, đều ngồi yên mà nghe, chẳng ai dám lên tiếng, cũng chẳng ai dám động chạm trước. Giây lát, những người ngồi ấy đều đứng phứt dậy, sấn đến trước voi quận Huy, lấy gạch và ngói phủ đường ném loạn xạ. Voi sợ, rống lên, cuốn vòi lại, không dám xúc phạm vào người. Quận Huy rút cung và súng ra chực bắn, nhưng cung thì đứt dây, súng thì đạn xịt. Chư quân dùng câu liêm ngoặc vòi voi. Voi phải lùi. Quận Huy dùng thanh mâu ngắn phóng xuống làm cho trong chư quân có đến vài người bị thương. Voi lùi đến cửa sau Tuyên Vũ, chư quân vây chặt lại, voi không nhúc nhích được. Họ bèn lấy câu liêm lôi bành voi và quận Huy xuống, loạn đả giết chết, mổ bụng moi gan ăn, quăng thây ngoài cửa Tuyên Vũ”.

Hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận xuất hiện trên mặt đồng hồ nổi tiếng Christophe Claret.

Hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận xuất hiện trên mặt đồng hồ nổi tiếng Christophe Claret.

Lúc Nguyễn Huệ tiến ra Bắc đánh chúa Trịnh cũng vậy, chúa Trịnh Khải phải đích thân cưỡi voi dẫn quân ra đánh cũng gặp cảnh tương tự. Sử nhà Nguyễn, bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, chép: “Quân Tây Sơn tiến đến bến Tây Long. Trịnh Khải mặc nhung phục, ngồi trên bành voi, cầm cờ lệnh chỉ huy, nhưng quân sĩ nhìn nhau, không ai chịu tiến lên. Giặc (chỉ quân Tây Sơn) tung quân ra chém giết, quan quân tan vỡ lung tung. Khải quay voi trở về thành, đến cửa Tuyên Vũ, trông thấy ngoài phủ đã cắm hàng loạt cờ của giặc, bèn dẫn hơn trăm tượng binh, hướng theo đường Sơn Tây chạy trốn. Bầy tôi, người thì bỏ trốn, người thì tan chạy, cũng không một người nào biết đến chúa cả”.

Lịch triều tạp kỷ” mô tả thêm về cách rút lui của chúa Trịnh Khải: “Chúa ở trên mình voi ngoái lại không thấy còn một tướng sĩ nào ở lại cả. Trịnh Khải bèn ngoặc đầu voi quay về phủ. Quân Tây Sơn không biết đó là chúa Trịnh, cứ hối hả xông vào phủ chúa, không để ý đến voi chúa đang đi. Chúa vội cởi áo trận, lấy khăn chữ “đinh” ra quấn quanh đầu, ngồi ra sau bành voi, ruổi nhanh đến cửa Tuyên Vũ, thì thấy cờ Tây Sơn đã phấp phới ở ngoài cổng phủ rồi. Chúa liền sai ngoặc đầu voi, vội ra khỏi cửa Yên Hoa (đầu đường Yên Phụ, Hà Nội ngày nay) mà chạy. Đoan vương đi về phía Tây, đi theo chỉ còn 1-2 người cận thần, hơn nghìn thân binh, 9 thớt voi và hơn 10 con ngựa, cùng nhau đi qua địa giới huyện Từ Liêm”.

Hiểu được những đặc điểm của tượng trận, nên khi còn tranh đấu với nhà Tây Sơn, năm 1793, chúa Nguyễn Ánh đã ra lệnh trong quân rằng: “Quân mạnh ở đánh giết. Ngày này quân giặc (chỉ quân Tây Sơn) chỉ đánh bộ, cậy có nhiều voi. Từ nay gặp giặc, ai đâm giết được người ngồi đầu voi và trong bành voi, giết mỗi người thưởng 50 quan tiền, lại thăng một cấp (như cai đội thì thăng lên cai cơ, phó đội thì thăng lên cai đội, đội trưởng thì thăng lên phó đội (phó chánh đội trưởng), binh đinh thì thăng đội trưởng".

Năm 1800, khi đánh quân Tây Sơn ở vùng Phú Yên, chúa Nguyễn Ánh cũng dụ rằng: “Việc dụng binh cần phải biết địa hình. Thị Dã là nơi núi rừng hiểm hóc, không phải là nơi dùng voi; mà đường Cù Mông thì từ Dự Nguyên đến Vân Sơn Phú Trung, địa thế bằng phẳng, rất lợi việc đánh bằng voi. Huống chi bọn giặc chỉ phô trương hão ở đấy, không phòng bị gì, chính nên nhân mà đánh chiếm lấy. Phải kén ngay voi đực những con đã từng ra trận, cùng 100 tượng binh mà sai đi. Còn quân Tả đồn thì hãy đợi khi quân Chân Lạp đến, sẽ có cách xử trí riêng, động gấp không phải là hay”.

Về cách huấn luyện voi trận, chúa Nguyễn Ánh sai chỉ huy tượng binh Nguyễn Đức Xuyên chia voi trận và quản mục làm 3 hạng: Voi trận chiến đấu khỏe là hạng nhất, kém là hạng nhì, kém nữa là hạng ba. Quản mục dũng cảm giỏi cưỡi thì cưỡi voi hạng nhất, người kém thì cưỡi voi hạng nhì, kém nữa thì cưỡi voi hạng ba. Chúa cũng dụ Nguyễn Văn Thành rằng: “Người đại tướng chỉ huy ba quân, còn phá trận xung phong là chức trách của các tướng lẻ. Từ nay về sau, phàm ra trận thì nên chọn voi chiến cao lớn mà cưỡi để được ngồi cao trông xuống mà phát lệnh chỉ huy. Những voi chiến đấu giỏi thì chia cho thuộc tướng để họ mạnh dạn xông lên, giật cờ chém giặc. Như thế thì vật theo người mà đắc lực, người nhờ vật mà thành công, kỳ thắng trận có thể ngồi mà định được”.

Một vị tướng tài của chúa Nguyễn còn dùng mẹo phục binh, cho voi trốn dưới đất để bẫy quân Tây Sơn. Đó là tướng Nguyễn Cửu Dật. Theo truyện chân dung viên tướng này trong bộ sử “Đại Nam liệt truyện”, vào mùa đông năm 1773, quân Tây Sơn do Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Huệ đánh với quân chúa Nguyễn, Dật theo Thống binh Huy đem quân đi Quảng Nam chống lại, quân Nguyễn bất lợi, quân Tây Sơn chiếm giữ kho Chợ Mỹ.

Truyện Nguyễn Cửu Dật” mô tả: “Dật là người trung nghĩa hăng hái, căm thù giặc, mỗi khi ra trận, cưỡi voi, mặt đỏ như son, đi trước sĩ tốt, đến đâu, giặc đều bạt cả, người ta trông thấy cho là Quan Vân Trường phục sinh. Một hôm, quân Tây Sơn ở trên núi, Dật đặt quân phục sẵn, rồi bày trận dưới núi để đợi. Quân Tây Sơn trông thấy đều cười. Đến lúc chiến đấu, Dật giả cách lui, cho voi sa xuống chỗ bùn lầy. Quân Tây Sơn đốc quân xuống núi đuổi. Dật liền thúc 7 con voi lên đất bằng, phục binh vụt dậy, giết đối phương rất nhiều”.

Không chỉ thời Vua Gia Long, mà Vua Minh Mạng cũng am hiểu cách dùng voi đánh trận. Theo “Đại Nam thực lục”, năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua sai dẫn con voi ngự đến sân điện cho ăn, rồi bảo thị thần rằng: “Giống vật này rất lành. Người xưa chỉ nói sức chó, ngựa, chưa từng nói đến voi, ý giả người xưa, chưa nuôi voi nên không biết tính nó thuần”. Sau đó vua ngoảnh lại bảo Tham tri Bộ Lễ Phan Huy Thực rằng: “Ngươi có biết việc cũ đời Khai Nguyên nhà Đường không? Vua Đường Minh Hoàng có con voi mắt biếc, từng sai ngậm chén rượu dâng thọ, có yến tiệc thì dùng nó. Đến khi An Lộc Sơn vào Trường An, cũng sai con voi ấy ngậm chén. Nó giận giương mắt nhìn không chịu làm. Nó tuy là vật ngu xuẩn còn biết rằng chăn nuôi một ngày, cương thường nghìn thuở. Tính rất tốt như thế, hơn chó ngựa nhiều. Tiên triều ta có một con voi đực tên là Tế. Khi quân Trịnh vào lấn, sai tướng cưỡi nó đi cự chiến. Quan quân nhiều người chết, voi lội qua sông Gianh về đến bờ Nam, lấy vòi thăm biết là không có tướng mục, lại qua sông xông vào trận, tìm thấy được tướng mục đem về. Voi rống lên một tiếng rồi ngã lăn xuống đất. Đến nay còn thờ. Đó đều là bằng chứng rõ ràng về tính tốt của giống voi”.

Khi thăng Trương Văn Minh làm Tiền phong Đô thống chế, giao cho chuyên quản biền binh Bắc Thành, Vua Minh Mạng ban ông này một thanh Thượng Phương bảo kiếm, một con voi đực và dụ rằng: “Con voi này là tự ngày trẫm ở Thanh cung (Cung Hoàng thái tử ở), Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế (tức Vua Gia Long) cho trẫm đấy, mạnh khỏe không voi nào bằng, trẫm rất quý. Nay cho khanh, nếu có chỗ dùng nó thì tất là thắng trận”.

Lê Tiên Long

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/cuoi-voi-danh-tran-the-nao--i709741/