Cuốn sách 'Những cuộc đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma về chánh niệm, cảm xúc và chữa lành '
Ra mắt đúng dịp Đại lễ Phật Đản 2025, cuốn sách 'Những cuộc đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma về chánh niệm, cảm xúc và chữa lành ' của Tiến sĩ Daniel Goleman và Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời cho các câu hỏi: Bộ não, hệ thống miễn dịch và cảm xúc được kết nối với nhau như thế nào, cảm xúc ảnh hưởng đến cơ thể và tâm trí như thế nào,liệu tâm trí có thể chữa lành cơ thể.
Tác giả Daniel Goleman là Tiến sĩ Tâm lý Đại học Harvard, người được coi là chuyên gia hàng đầu về trí tuệ và xảm xúc. Ông đã chắp bút cho cuộc hội thoại giữa Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma (người được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989) và các nhà khoa học nổi tiếng trong các lĩnh vực tâm lý học, triết học, thần kinh học, y học, miễn dịch học, khoa học thực nghiệm… Họ đã cùng nhau bàn về chủ đề chánh niệm, cảm xúc – phương thức chữa lành cơ thể trong Hội thảo "Tâm thức và đời sống lần thứ ba" do Viện Tâm thức và Đời sống tổ chức tại Dharamsala (Ấn Độ) vào năm 1990.
Cuốn sách gồm 6 phần với 12 chương, ghi lại những phát hiện tinh túy nhất trong chuyên ngành của từng người tham gia hội thảo khi đối thoại trực diện với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Mục đích của cuộc hội thoại liên ngành này là tạo ra sự hiểu biết trong mối quan hệ giữa cảm xúc và sức khỏe.

Hơn 400 trang sách chứa hàm lượng tri thức dồi dào nhưng cách khai thác vấn đề và sử dụng ngôn ngữ chính xác, thực tế dựa trên những nghiên cứu khoa học thực nghiệm khiến nội dung sách phù hợp với cả những người ngoại đạo, không phải dân nghiên cứu chuyên sâu.
Thông qua kết quả của cuộc hội thảo này, người đọc sẽ tìm thấy câu trả lời cho mối liên hệ tương trợ sâu sắc giữa bộ não và cảm xúc, đạo đức, chánh niệm và chữa lành bằng tâm trí. Từ đó, có thể tìm ra con đường chữa bệnh tâm lý trị liệu bằng việc khởi sinh hệ thống miễn dịch cảm xúc, bộ não và tiềm thức của con người, mà ở đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định lòng trắc ẩn là nền tảng đạo đức, hướng con người và thế giới tới hòa bình, hạnh phúc.

Nhiều tôn giáo trên thế giới đều nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng trắc ẩn. “Từ quan điểm Phật giáo, tôi tin rằng lòng trắc ẩn là một khía cạnh quan trọng của bản chất con người, một phần của tâm trí con người. Đó là một trong những đức tính tốt của con người. Các tôn giáo đang cố gắng thúc đẩy hay củng cố lòng trắc ẩn của con người, nhưng đây không phải là sự đạt được nhờ tác động bên ngoài, hay một phát minh mới nào đó của đức tin tôn giáo. Dù chúng ta có phải là Phật tử hay không, phẩm chất ấy (lòng trắc ẩn) đã luôn ở đó rồi. Có nhiều tôn giáo khác nhau đang tồn tại, vì vậy việc thực hành tôn giáo không nhất thiết giống như việc thực hành lòng trắc ẩn. Chúng ta có thể giới thiệu hoặc đề cao lòng trắc ẩn, sự tử tế mà không cần đặt nó vào bối cảnh tôn giáo. Nếu kết hợp lòng trắc ẩn với trí tuệ và những phương pháp thực hiện hiệu quả, nó sẽ trở thành một điều gì đó trọn vẹn hơn, có phải không?”, Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định.
Với lý lẽ và những phân tích đó, cuốn sách “Những cuộc đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma về chánh niệm, cảm xúc và chữa lành” mở ra một góc nhìn mới, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách chánh niệm có thể điều hướng cảm xúc, nuôi dưỡng sự cân bằng và tạo nên một tâm hồn bình yên giữa những biến động của đời sống.
Có thể thấy, cuộc hội ngộ giữa khoa học và tôn giáo trong ấn phẩm này không hướng tới thiết lập ranh giới hay khẳng định vị thế, mà nhằm kiến tạo sự thấu hiểu và mối liên hệ giữa hai bên, từ đó hé mở những phương thức giúp con người tìm thấy sự hài hòa và chữa lành từ sâu bên trong mình.
Bằng những ý nghĩa đó, độc giả sẽ tìm được cách chữa lành trị liệu tâm lý bằng tâm trí, cảm xúc, bộ não của chính mình, bên cạnh đó còn tìm thấy các phương pháp thực hành thiền chánh niệm để đạt được hạnh phúc bình an.