Cựu Ngoại Trưởng Ukraine: Kyiv đang gục ngã vì sự lưỡng lự của phương Tây

Dmytro Kuleba, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, đã chia sẻ một góc nhìn thẳng thắn và chuyên sâu về tình hình chiến sự hiện tại cũng như những tác động chiến lược dài hạn đối với Ukraine và thế giới.

Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times hôm 29.11, ông Kuleba không chỉ đánh giá về cuộc chiến mà còn đặt câu hỏi về động lực của các nhân vật quốc tế, đặc biệt là Tổng thống Nga Vladimir Putin và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cựu Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba - Ảnh: Reuters

Cựu Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba - Ảnh: Reuters

Tình hình chiến sự: "Chúng tôi sẽ thua nếu cứ tiếp tục như thế này"

Ông Kuleba thừa nhận rằng Ukraine đang ở một thời điểm rất khó khăn trong cuộc chiến với Nga. Ông không ngần ngại chỉ ra rằng, nếu tình hình hiện tại tiếp diễn, Ukraine có thể phải đối mặt với thất bại.

"Chúng tôi không có đủ phương tiện và công cụ để đảo ngược tình thế. Và nếu cứ tiếp tục như thế này, chúng ta sẽ thua cuộc chiến", ông nói.

Ông Kuleba nhấn mạnh tình hình hiện tại vẫn chưa tồi tệ bằng những tháng đầu tiên sau khi phát động cuộc chiến năm 2022. Khi đó, Ukraine đối mặt với áp lực khổng lồ từ một quân đội Nga được chuẩn bị kỹ càng và một hệ thống quốc tế còn đang lưỡng lự trong việc hỗ trợ Kyiv. Hiện tại, dù có sự hỗ trợ từ phương Tây, ông Kuleba vẫn cảm thấy thất vọng vì sự chậm trễ và giới hạn trong việc cung cấp vũ khí tiên tiến.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine cho rằng các đề xuất hòa bình từ phía Nga trước đây, như yêu cầu phi quân sự hóa Ukraine và đặt các kho vũ khí dưới sự kiểm soát của Nga, thực chất chỉ là một cách để Moscow chuẩn bị cho những cuộc tấn công trong tương lai. Ông gọi đây là "chiến thuật trì hoãn để củng cố vị thế của Nga".

Theo ông Kuleba, sự dè dặt của phương Tây trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine là một nguồn gốc thất vọng lớn. Ông nhận định rằng Tổng thổng Mỹ Joe Biden, với tư duy được định hình bởi thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đã giúp đỡ Ukraine nhưng vẫn giữ một số giới hạn rõ ràng, đặc biệt trong việc tránh các động thái có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân.

Ông khẳng định sự chần chừ của chính quyền Biden trong việc cung cấp vũ khí tấn công và hỗ trợ mạnh mẽ hơn đã khiến Ukraine mất đi nhiều cơ hội quan trọng trên chiến trường. Tuy nhiên, ông Kuleba cũng chỉ ra rằng, nếu không có ông Biden làm tổng thống vào năm 2022, tình hình của Ukraine có thể còn tồi tệ hơn.

Kuleba có cái nhìn khác biệt về Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người mà ông cho rằng có thể trở thành một nhân tố thay đổi trong cuộc xung đột.

"Cả Tổng thống Volodymyr Zelensky và ông Putin đều sẽ có cùng một chiến lược. Họ coi Tổng thống Trump là một cơ hội", ông nói. Theo Kuleba, cả hai nhà lãnh đạo sẽ cố gắng thể hiện thiện chí đàm phán với Trump để tránh bị xem là kẻ cản trở.

Tuy nhiên, Kuleba cũng cảnh báo rằng ông Trump có thể làm suy yếu NATO và giảm viện trợ quân sự cho Ukraine, điều này sẽ mang lại lợi thế lớn cho Nga. Nếu ông Trump đưa ra thông điệp mơ hồ về cam kết bảo vệ các đồng minh NATO, điều này có thể tạo ra một khoảng trống quyền lực mà Moscow sẽ nhanh chóng tận dụng.

Cái giá rất lớn

Chiến tranh không chỉ để lại hậu quả trên chiến trường mà còn làm tổn thương sâu sắc xã hội Ukraine. Kuleba chia sẻ thế hệ trẻ Ukraine, bao gồm cả con trai ông, đang chịu tổn thương tâm lý nghiêm trọng vì mất mát quá nhiều bạn bè và người thân. Ông cho rằng cuộc chiến này đã định hình lại bản sắc quốc gia của Ukraine, nhưng cái giá phải trả là vô cùng lớn.

Ông Kuleba nhấn mạnh chiến tranh sẽ không kết thúc chừng nào Nga vẫn còn muốn “nuốt chửng” Ukraine. Đây là lý do tại sao ông phản đối các ý tưởng về việc nhượng bộ lãnh thổ hoặc chấp nhận các điều kiện hòa bình từ phía Nga. Theo ông, điều này không chỉ phản bội những người đã hy sinh mà còn làm suy yếu khả năng tự vệ của Ukraine trong tương lai.

Cựu ngoại trưởng Ukraine cũng đưa ra cảnh báo rằng NATO không còn là lá chắn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các quốc gia thành viên.

“Lòng tin của các đồng minh châu Âu vào NATO không dựa trên Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Trên thực tế, nó dựa trên một câu — ‘Mỹ sẽ bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của các đồng minh của chúng tôi.’ Và câu này thuộc về ông Biden. Còn nếu có vị một tổng thống khác nói rằng ông ấy sẽ không bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của bạn thì sao? Nếu ông Trump nói bất cứ điều gì như vậy, lá chắn NATO sẽ biến mất và Nga sẽ cảm thấy thoải mái làm bất cứ điều gì họ muốn”, ông Kuleba nói.

Điều này, theo Kuleba, là một kịch bản mà phương Tây cần phải chuẩn bị. Ông lập luận việc giúp Ukraine phòng vệ trước Nga không chỉ là nghĩa vụ đạo đức mà còn là cách tốt nhất để ngăn chặn Moscow mở rộng ảnh hưởng cho toàn bộ châu Âu.

Ngoài phương Tây, ông Kuleba cũng chia sẻ về những nỗ lực của ông trong việc xây dựng sự ủng hộ từ các quốc gia ở "miền Nam toàn cầu" như châu Phi và châu Á. Dù nhiều lãnh đạo tại các khu vực này đồng cảm với Ukraine, họ thường ngại công khai ủng hộ vì lo sợ bị trả đũa hoặc mất đi sự ủng hộ các quốc gia "thân thiện với Nga" có ảnh hưởng lớn tại các khu vực này.

Dù chiến tranh là một thảm kịch lớn đối với Ukraine, ông Kuleba tin nó đã giúp định hình bản sắc quốc tế của đất nước. Ông nói rằng, nếu không có chiến tranh, Ukraine có thể phải mất thêm hàng thế kỷ để được thế giới công nhận như một phần của phương Tây. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng: "Tôi thà dành 100 năm để đạt được điều đó một cách hòa bình còn hơn là phải trải qua thảm họa này".

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cuu-ngoai-truong-ukraine-kyiv-dang-guc-nga-vi-su-luong-lu-cua-phuong-tay-226595.html