Cựu Tổng giám đốc Gang thép Thái Nguyên xin giảm án

Trong 12 người kháng cáo, bị cáo Đậu Văn Hùng có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do về sức khỏe. Bản án sơ thẩm tuyên ông này 3 năm tù.

Sáng 9/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét kháng cáo của ông Trần Trọng Mừng (cựu Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên - TISCO) và 11 bị cáo (2 nữ, 9 nam) liên quan đại án xảy ra tại doanh nghiệp này.

HĐXX làm việc trong nhiều ngày, thẩm phán Mã Anh Tài làm chủ tọa. Trong vụ án, TISCO là nguyên đơn dân sự. Bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS). 16 luật sư đăng ký tham gia tố tụng.

Trong 12 người kháng án, bị cáo Đậu Văn Hùng (cựu Tổng giám đốc VNS, lĩnh án sơ thẩm 3 năm tù) có đơn xin xử vắng mặt, chỉ có luật sư của ông này dự khán. HĐXX đã chấp thuận đề nghị của ông Hùng. Trước đó, bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và mong được cải tạo ngoài xã hội.

 Bị cáo Mừng tại phiên phúc thẩm ngày 9/11. Ảnh: N.H.

Bị cáo Mừng tại phiên phúc thẩm ngày 9/11. Ảnh: N.H.

Ông Trần Trọng Mừng xin giảm nhẹ hình phạt 9 năm 6 tháng tù và giảm mức bồi thường trách nhiệm dân sự 130 tỷ đồng. Các bị cáo còn lại, gồm các cựu lãnh đạo và cán bộ TISCO hoặc VNS, xin tòa phúc thẩm xem xét giảm án và giảm hoặc miễn bồi thường dân sự so với bản án sơ thẩm.

HĐXX cho biết đã triệu tập đại diện các Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Người đại diện của các cơ quan này đều có mặt.

 Trong 19 bị cáo của vụ án có 12 người kháng cáo. Ảnh: N.H.

Trong 19 bị cáo của vụ án có 12 người kháng cáo. Ảnh: N.H.

Theo bản án sơ thẩm ngày 20/4, TISCO là chủ đầu tư dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên. HĐQT VNS là cấp quyết định đầu tư, chỉ đạo thực hiện dự án. Đơn vị trúng thầu là Tập đoàn MCC (Trung Quốc).

Quá trình triển khai, MCC vi phạm hợp đồng nên chưa hoàn thành dự án. Sau khi MCC rút hết nhân lực về nước và nhiều lần đề nghị tăng giá hợp đồng, các bị cáo Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch HĐQT VNS, lĩnh 6 năm tù) và Trần Trọng Mừng không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng và báo cáo việc hủy đấu thầu. Hai bị cáo đã chỉ đạo thực hiện các hành vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm hợp đồng EPC.

Hậu quả, dự án quá thời hạn gần 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Việc chậm tiến độ làm phát sinh lãi vay và tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát hơn 830 tỷ đồng.

Cấp sơ thẩm cũng kiến nghị xem xét hành vi của bộ chủ quản của VNS và TISCO là Bộ Công Thương. Theo phán quyết, Bộ Công Thương đã ra quyết định và đề ra chủ trương không đúng quy định của pháp luật liên quan dự án.

Bộ còn giới thiệu đơn vị trực thuộc là Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) tham gia dự án ở TISCO với tư cách nhà thầu phụ. Song, thời điểm đó, VINAINCON là doanh nghiệp kém năng lực. Do đó, tòa kiến nghị cần làm rõ những sai phạm của VINAINCON trong việc triển khai thực hiện phần C của hợp đồng EPC. Nếu có căn cứ thì cần khởi tố để xem xét trách nhiệm hình sự của các cán bộ có liên quan.

Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX đã triệu tập ông Hoàng Chí Cường, cựu Tổng giám đốc VINAINCON, với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Chiều nay (9/11), HĐXX xét hỏi 11 bị cáo để làm rõ các nội dung kháng cáo.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuu-tong-giam-doc-vns-vang-mat-o-phien-xu-vu-gang-thep-thai-nguyen-post1276065.html