Đã huy động được 156.502 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ

Thông tin tại cuộc họp báo về kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng đầu năm 2024 của Kho bạc Nhà nước vào chiều ngày 18/7, ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, trong 6 tháng qua, KBNN đã bám sát diễn biến thị trường, tình hình thu, chi, kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách trung ương, chủ động báo cáo với Bộ Tài chính triển khai các giải pháp phát hành trái phiếu chính phủ.

Lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ phù hợp với lãi suất thị trường

Theo ông Lưu Hoàng, trong 6 tháng đầu năm, KBNN đã tổ chức phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) phù hợp nhu cầu trả nợ gốc, tình hình thu, chi và cân đối ngân sách trung ương (NSTW); tập trung phát hành TPCP theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, đảm bảo công khai, minh bạch.

Đồng thời, phát hành linh hoạt các loại kỳ hạn, trong đó tập trung vào các kỳ hạn từ 5 năm trở lên, để đảm bảo mục tiêu về kỳ hạn phát hành, theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Cùng với đó, điều hành lãi suất phát hành TPCP phù hợp với xu hướng lãi suất của thị trường, đảm bảo trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định, phù hợp với quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, KBNN giải đáp các câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Đức Minh

Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, KBNN giải đáp các câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Đức Minh

Đến cuối tháng 6/2024, tổng khối lượng phát hành TPCP là 156.502 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch năm 2024 (400.000 tỷ đồng), tính đến ngày 18/7 đã đạt 45% kế hoạch năm. Trong đó, 100% TPCP được phát hành theo phương thức đấu thầu, kỳ hạn từ 5- 30 năm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về nhiệm vụ lãnh đạo Chính phủ giao về phát hành thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia, ông Lưu Hoàng cho biết, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu phát hành thêm 100.000 tỷ đồng, song hiện nay chưa triển khai.

Lãi suất phát hành TPCP bình quân năm 2024 là 2,33%/năm, thấp hơn mức 3,21%/năm trong năm 2023, giảm chi phí vay vốn của NSNN, phù hợp với diễn biến thị trường và công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân năm 2024 là 10,89 năm, phù hợp với mục tiêu (9-11 năm); qua đó duy trì thời gian đáo hạn bình quân của danh mục TPCP ở mức trên 9 năm (9,03), góp phần quản lý nợ công an toàn, bền vững.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về nhiệm vụ lãnh đạo Chính phủ giao phát hành thêm 100.000 tỷ đồng TPCP đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia, ông Hoàng cho biết, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu phát hành thêm 100.000 tỷ đồng, song hiện nay chưa triển khai.

Trước mắt, từ nay đến cuối năm, KBNN sẽ bám sát kế hoạch huy động vốn năm 2024 được giao, tình hình thu NSNN, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kế hoạch trả nợ gốc của NSTW và diễn biến thị trường để điều hành khối lượng phát hành TPCP phù hợp, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu bội chi, trả nợ gốc của NSTW; phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu; điều hành lãi suất phát hành hợp lý, phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ.

Tồn ngân quỹ 1 triệu tỷ đồng do giải ngân vốn đầu tư công chậm

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thông tin về công tác điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN), Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ cũng cho biết, căn cứ diễn biến tình hình thu, chi NSNN, thực hiện dự báo luồng tiền, triển khai các nghiệp vụ sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi theo đúng quy định (tạm ứng, cho vay NSTW, gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại ngân hàng thương mại, mua lại có kỳ hạn TPCP); tăng cường gắn kết quản lý NQNN với quản lý NSNN và quản lý nợ công, tiết kiệm chi phí vay nợ cho NSNN.

Từ nay đến cuối năm, KBNN tiếp tục tổ chức điều hành NQNN an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của NSNN và các đơn vị giao dịch, tổ chức quản lý, sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi an toàn, hiệu quả theo quy định, giảm chi phí vay nợ và nâng cao hiệu quả công tác quản lý NQNN, phát hành TPCP, triển khai thực hiện tốt quy trình quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý NQNN.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo, một vấn đề được các phóng viên đưa ra là hiện việc chậm giải ngân đầu tư công đã khiến tồn quỹ ngân sách lên tới 1 triệu tỷ đồng?

Lý giải cho vấn đề này, ông Lưu Hoàng cho biết, đây là khoản tiền tồn quỹ NSNN. Hiện nay, tồn quỹ NSNN gồm 2 cấp là trung ương và địa phương (tỉnh, huyện, xã). Tỷ trọng lớn nhất trong khoản tiền này thuộc vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, tồn quỹ NSNN còn có nguồn tiền từ cải cách tiền lương. "Đối với cải cách tiền lương, khoản tiền đã sẵn sàng, KBNN sẽ thực hiện chi khi có văn bản yêu cầu từ các đơn vị" - ông Hoàng chia sẻ.

Từ nay đến cuối năm, ông Hoàng cho biết, KBNN tiếp tục tổ chức điều hành NQNN an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của NSNN và các đơn vị giao dịch, tổ chức quản lý, sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi an toàn, hiệu quả theo quy định, giảm chi phí vay nợ và nâng cao hiệu quả công tác quản lý NQNN, phát hành TPCP, triển khai thực hiện tốt quy trình quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý NQNN./.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/da-huy-dong-duoc-156502-ty-dong-von-trai-phieu-chinh-phu-155246.html