Đà Lạt phát triển không gian văn hóa công cộng

Thời gian qua, TP Đà Lạt đã đẩy mạnh phát triển thêm nhiều không gian văn hóa công cộng, không chỉ tạo dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp, mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân và du khách.

Không gian mở xung quanh hồ Xuân Hương được người dân và du khách yêu thích

Không gian mở xung quanh hồ Xuân Hương được người dân và du khách yêu thích

ĐA DẠNG KHÔNG GIAN VĂN HÓA CÔNG CỘNG

Theo Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin TP Đà Lạt, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 21 công viên phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân; cùng với 9 nhà thi đấu đa năng, các loại hình thể dục, thể thao quần chúng ở cơ sở từng bước được thành lập và hoạt động có hiệu quả; 2 sân golf thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng; 7 hồ bơi nước nóng phục vụ nhu cầu tập luyện và nâng cao sức khỏe của Nhân dân; 41 sân cỏ nhân tạo thu hút đông đảo Nhân dân trên địa bàn tham gia tập luyện. Thành phố cũng lắp đặt 6 bộ dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao tại các công viên trên địa bàn nhằm phục vụ nhu cầu tập luyện nâng cao sức khỏe cho người dân.

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố có hồ Xuân Hương được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh, đã tạo nên điểm nhấn cho không gian mở, là điểm vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao của người dân và du khách khi đến tham quan Đà Lạt. Đặc biệt, Quảng trường Lâm Viên là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch khi tới tham quan thành phố, với các kiến trúc hoa dã quỳ, hoa atiso, đây được xem là công trình nghệ thuật ấn tượng, biểu tượng đặc trưng của Đà Lạt và cũng là địa điểm trung tâm tổ chức nhiều sự kiện chính trị quan trọng của thành phố và tỉnh Lâm Đồng.

Không chỉ vậy, Đà Lạt còn có không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số, là nơi để Nhân dân các dân tộc giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, là hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy và tôn vinh giá trị Không gian văn hóa Cồng chiêng đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 3 không gian văn hóa cồng chiêng đang hoạt động tại các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch Thung lũng Tình yêu, điểm du lịch Bon tơ num tại xã Tà Nung...; các địa chỉ này cũng là nơi thu hút khách du lịch đến tham quan và giao lưu văn hóa.

PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN HIỆN ĐẠI, GIÀU BẢN SẮC

Những năm qua, không gian văn hóa công cộng phục vụ sinh hoạt, vui chơi, giải trí... của người dân và du khách được TP Đà Lạt quan tâm nhiều hơn. Các loại hình không gian văn hóa công cộng đô thị đã được tạo lập phong phú hơn, kết hợp nhiều hình thức khai thác sử dụng như phố đi bộ, khu vui chơi, mua sắm, công viên cây xanh... Tuy nhiên, vai trò của không gian văn hóa công cộng đô thị chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của Nhân dân trong đời sống xã hội.

Cũng theo Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin TP Đà Lạt, để phát triển các không gian văn hóa công cộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, văn hóa tinh thần của Nhân dân, cần chuyển đổi những đường phố phù hợp thành không gian văn hóa công cộng, tạo dựng các tuyến đi bộ hấp dẫn, được trang trí bằng các vật liệu địa phương, thân thiện môi trường. Cùng với đó, các công viên bố trí ghế ngồi, bóng mát, cùng các dịch vụ cần thiết cho Nhân dân địa phương và du khách. Cần có các loại hình nghệ thuật gắn với không gian văn hóa công cộng như nghệ thuật đường phố đang phát triển tích cực nhờ sức hút của các lễ hội, lễ hội âm nhạc, hội chợ, chợ đêm, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật đường phố...

Đà Lạt đang bước vào giai đoạn phát triển mới cùng sự gia tăng nhanh dân số thành thị, tập trung mật độ cao nên việc quy hoạch, tổ chức các không gian văn hóa công cộng càng được đặt ra, để vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa hình thành những không gian văn hóa, không gian sáng tạo, giúp cộng đồng dân cư được thụ hưởng. Do đó, đòi hỏi việc quy hoạch, tổ chức không gian văn hóa công cộng phải gắn với các ngành nghệ thuật, sản phẩm nghề thủ công và lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương. Đặc biệt, tại không gian văn hóa công cộng cần chú ý quy hoạch, hình thành những phố sách, đường sách để khuyến khích văn hóa đọc và thúc đẩy phong trào học tập suốt đời trong các tầng lớp Nhân dân.

Tuy nhiên, để những không gian văn hóa công cộng thực sự đem lại lợi ích, giá trị đối với người dân thì quan trọng hơn cả, người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống của chính mình, từ đó làm thay đổi phong cách sống, lối sống. Đặc biệt, đối với những mô hình hay, sáng tạo cần được phát huy, nhân rộng. Để phát huy hiệu quả các không gian văn hóa công cộng, cần có sự tham gia của cả cộng đồng, cùng sự liên kết giữa những nhà quản lý đô thị với các doanh nghiệp để tạo nên nhiều hơn các không gian văn hóa công cộng cho người dân nghỉ ngơi, thư giãn, luyện tập. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xuống cấp, xây dựng chế tài xử lý thống nhất, nghiêm minh, đưa hệ thống không gian văn hóa công cộng phát triển một cách bền vững đi cùng với sự phát triển chung của thành phố.

TUẤN HƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202505/da-lat-phat-trien-khong-gian-van-hoa-cong-cong-c0056b4/