Đặc biệt ưu tiên bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 23/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo (ảnh: VPQH cung cấp).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo (ảnh: VPQH cung cấp).

Ngay sau đó, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 413/422 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 86,22% tổng số đại biểu Quốc hội). Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thống nhất thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có bố cục gồm 9 Chương, 95 Điều, quy định về di sản văn hóa, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị đối với di sản văn hóa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Các đại biểu tiến hành biểu quyết (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tiến hành biểu quyết (ảnh: VPQH cung cấp).

Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm cơ quan, tổ chức, cộng đồng và người Việt Nam định cư ở Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cộng đồng và người nước ngoài định cư, hoạt động ở Việt Nam; người Việt Nam định cư, hoạt động ở nước ngoài liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Luật quy định cụ thể nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cụ thể, mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, có xuất xứ ở trong nước hoặc từ nước ngoài, thuộc các hình thức sở hữu, đều được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân…

 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 23/11 (ảnh: VPQH cung cấp).

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 23/11 (ảnh: VPQH cung cấp).

Về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, Luật nêu rõ, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm và phát triển hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc.

Cùng với đó, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho nhiều hoạt động như: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh hoặc công nhận; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới và hải đảo, đặc biệt ưu tiên bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người và dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một giá trị văn hóa tộc người; bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử - văn hóa thuộc sở hữu toàn dân xuống cấp nghiêm trọng…

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày ngày 1/7/2025.

Minh Khôi

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/dac-biet-uu-tien-bao-ve-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so-168637.html