Đặc khu- Động lực tăng trưởng mới - Bài 3: Để Vân Đồn thành đầu tàu phát triển
Vân Đồn từ lâu đã được tỉnh Quảng Ninh xác định là địa bàn chiến lược trong phát triển kinh tế biển đảo. Trở thành đặc khu, Vân Đồn mang theo khát vọng lớn: trở thành cực tăng trưởng chiến lược không chỉ của Quảng Ninh mà còn của vùng Đông Bắc và quốc gia.
Thế nhưng, để biến những viễn cảnh tươi sáng thành hiện thực đòi hỏi những nỗ lực không hề nhỏ.
Nhiều dự án “treo”, hạ tầng dang dở và hệ lụy từ cơn sốt đất
Có mặt tại tuyến đường tỉnh 334 đoạn đi qua xã Hạ Long, không khó để nhận ra cảnh thi công dang dở, nhiều điểm “đắp chiếu” kéo dài. Dự án nâng cấp tuyến này có tổng vốn đầu tư hơn 778 tỷ đồng, được kỳ vọng hoàn thiện để phục vụ du lịch và dân sinh. Nhưng hơn 4 năm nay, khối lượng thi công mới đạt hơn 50%, trong khi đoạn qua trung tâm xã Hạ Long (cũ) gần như ngưng trệ vì chưa giải phóng được mặt bằng. Xe cộ qua lại phải né tránh các hố móng, đất đá ngổn ngang.

Khách du lịch đến Cảng Ao Tiên (Đặc khu Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh).
Ông Nguyễn Văn Hiền, một người dân sống cạnh dự án, chia sẻ: “Chúng tôi ủng hộ mở đường, nhưng giá đất ở đây từng bị thổi lên cao lắm. Giờ đền bù thấp hơn giá thị trường nhiều lần. Trong khi chờ đợi giải quyết, công trình cứ để đó, bụi bặm, đi lại khổ sở”.
“Đặc khu kinh tế Vân Đồn sẽ là một trung tâm kinh tế quốc gia, không nên chỉ coi là đơn vị hành chính cấp xã. Phải hình dung đây là một khu kinh tế đặc biệt tầm quốc gia, thậm chí quốc tế để thiết kế tổ chức và hoạt động tương xứng", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Tài chính Phan Văn Mãi nêu rõ tại phiên họp 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 5/6/2025, khi thẩm tra đề án sắp xếp cấp xã, cấp tỉnh.
Bên cạnh hạ tầng công, những dự án tư nhân được quảng bá rầm rộ cũng đang lộ rõ điểm yếu. Không ít dự án lớn được cấp phép từ 2018–2020 khi cơn sốt đặc khu bùng phát, nhưng đến nay gần như “án binh bất động” hoặc chỉ dựng rào, cắm biển tên.
“Vấn đề lớn nhất của Vân Đồn là hệ quả của giai đoạn sốt đất ảo, khi đất đai bị gom mua đầu cơ, giá bị đẩy lên gấp nhiều lần, dẫn đến hiện tượng vướng giải phóng mặt bằng triền miên và nhà đầu tư không còn mặn mà triển khai thật. Các dự án có vốn thật, ý định làm thật thì bị đội chi phí, nản lòng vì thủ tục và mặt bằng phức tạp”, ông Nguyễn Thanh Bình, chuyên gia kinh tế nhận định.
Thực tế cho thấy, tình trạng đất bị “găm”, dự án “treo” không chỉ lãng phí tài nguyên mà còn phá vỡ quy hoạch tổng thể.

Cơ sở hạ tầng của Vân Đồn được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Cần giải pháp đồng bộ
“Để Vân Đồn thực sự “cất cánh” xứng tầm đặc khu hành chính – kinh tế của cả nước, cần một chiến lược giải quyết đồng bộ các điểm nghẽn. Trước hết, công tác quy hoạch phải được rà soát và điều chỉnh thật sự khả thi. Quy hoạch không thể chỉ là sơ đồ đẹp mà cần chi tiết đến hạ tầng giao thông, điện, nước, xử lý rác thải, dịch vụ y tế, giáo dục – tất cả phải có lộ trình vốn rõ ràng, đồng bộ giữa các cấp”, một cán bộ hưu trí tâm huyết với Vân Đồn nhận định.
Chính quyền địa phương cần công khai, minh bạch toàn bộ quy hoạch, giá đất, tiến độ giải phóng mặt bằng để người dân và doanh nghiệp nắm được, tránh tình trạng đầu cơ, găm đất chờ giá, hoặc khiếu kiện kéo dài. Đồng thời, chính sách bồi thường, tái định cư phải thực sự nhân văn và khả thi.
Anh Vũ Minh Quân, một chủ cơ sở lưu trú ở Cái Rồng, thẳng thắn: “Người dân ở đây cũng muốn phát triển, muốn du lịch đông khách, đời sống khá lên. Nhưng nhìn chung Vân Đồn vẫn chưa đồng bộ khi có sân bay, có cao tốc nhưng hạ tầng du lịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường”.

Một góc đặc khu Vân Đồn.
Ngoài hạ tầng cứng, Vân Đồn vẫn đang thiếu hạ tầng “mềm”: đào tạo nghề, giáo dục, dịch vụ y tế, văn hóa. Dân số hiện tại chỉ khoảng 60.000 người với tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp, chưa đủ đáp ứng yêu cầu của ngành dịch vụ cao cấp, công nghệ cao. Muốn phát triển bền vững, đặc khu cần chính sách thu hút dân cư mới, phát triển đô thị thông minh, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp – sáng tạo, tạo ra môi trường sống hấp dẫn để giữ chân và thu hút nhân lực chất lượng cao.
Một bài toán lớn khác là cân bằng phát triển với bảo vệ môi trường. Vân Đồn có lợi thế tự nhiên quý giá: biển đảo rộng lớn, rừng ngập mặn, di sản thương cảng cổ. Phát triển du lịch biển đảo không thể phá hủy chính tài nguyên làm nên giá trị khác biệt. Tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần nhấn mạnh nguyên tắc “phát triển nhanh nhưng phải xanh và bền vững”. Điều đó đòi hỏi tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt cho mọi dự án, từ khách sạn, resort đến cảng biển, dịch vụ du lịch, cùng với cơ chế giám sát và chế tài đủ mạnh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh từng phát biểu: “Đặc khu không chỉ là danh xưng mà là cam kết phát triển theo cách mới. Chúng tôi xác định Vân Đồn sẽ là đầu tàu phát triển, nhưng không đánh đổi môi trường, văn hóa, cộng đồng chỉ để lấy tăng trưởng ngắn hạn”.
Đủ điều kiện thành trung tâm kinh tế biển đa ngành
Điểm nổi bật và khác biệt nhất của Vân Đồn so với hầu hết các địa phương ven biển khác là hạ tầng hiện đại đã được đầu tư đồng bộ đi trước. Đây là nơi sở hữu sân bay quốc tế đầu tiên được xây dựng theo hình thức xã hội hóa tại Việt Nam, với khả năng đón khách trực tiếp từ nhiều thị trường quốc tế. Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã nối liền khu vực biên giới, giảm mạnh thời gian di chuyển và mở ra trục giao thương quan trọng sang Trung Quốc và ASEAN. Cảng Ao Tiên, bến du thuyền và các khu nghỉ dưỡng cao cấp đã hình thành một nền tảng dịch vụ du lịch biển đảo thuộc loại hiện đại nhất miền Bắc.
Chính nhờ hạ tầng đi trước, Vân Đồn đã thu hút hơn 60.000 tỷ đồng vốn đăng ký từ các tập đoàn lớn như CEO Group, Sun Group, FLC, với hàng chục dự án du lịch, đô thị, nghỉ dưỡng quy mô lớn. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng nhìn nhận rất rõ ràng rằng không ít dự án vẫn còn dở dang, triển khai chậm hoặc chưa đáp ứng đúng kỳ vọng về chất lượng, một phần do vướng mắc pháp lý, quy hoạch và thủ tục hành chính chưa đủ đồng bộ.
Tỉnh Quảng Ninh đặt ra yêu cầu quy hoạch đồng bộ, hướng tới một trung tâm kinh tế biển đa ngành - từ logistics, cảng biển quốc tế, công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo, dịch vụ thương mại - tài chính cho tới du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Tất cả phải nằm trong quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, với tiêu chí phát triển xanh, bền vững, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô, di sản văn hóa - lịch sử của thương cảng Vân Đồn cổ.