Đại án đăng kiểm: Lập công ty sân sau, 'bao trọn gói' đăng kiểm

Một số đăng kiểm viên, hoặc lãnh đạo các phòng tại Cục Đăng kiểm Việt Nam đã bắt tay nhau lập nhiều công ty sân sau, bao trọn gói đăng kiểm bằng việc đưa hối lộ.

Ngày 18/7, TAND thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử đối với 254 bị can liên quan các sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Vụ án có 2 cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và 252 bị cáo liên quan, bị xét xử về các tội: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tham ô tài sản.

Hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đồng phạm tại phiên tòa ngày 18/7.

Hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đồng phạm tại phiên tòa ngày 18/7.

4 công ty "sân sau" của các đăng kiểm viên phòng VAR

Ngoài xác định hành vi của 2 cựu Cục trưởng, Trưởng, phó phòng VAR và lãnh đạo, nhân viên các Trung tâm Đăng kiểm, cơ quan tố tụng còn làm rõ việc nhiều cán bộ Cục đến lãnh đạo Phòng VAR cùng bàn bạc, góp vốn lập nhiều công ty "sân sau", nhằm "bao trọn gói" việc đăng kiểm. Các công ty hợp thức hóa nhiều hồ sơ chưa đạt bằng việc đưa hối lộ.

Theo đó, Hoàng Xuân Thảo, Trịnh Bình Dương, Vũ Hồng Quang (là các Đăng kiểm viên phòng VAR) góp vốn thành lập 2 công ty, gồm: Công ty TNHH thương mại dịch vụ ô tô An Bình và Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ kỹ thuật VCAR (đều có trụ sở tại Hà Nội) và thuê Lã Thu Chiền làm Giám đốc, người đại diện theo pháp luật.

Các công ty này thực hiện việc nhận, lập hồ sơ thiết kế cải tạo cho các phương tiện. Vì là Đăng kiểm viên phòng VAR, nên Thảo, Dương và Quang biết rõ để thẩm định đạt hồ sơ thiết kế thì các công ty thiết kế phải chung tiền cho các đăng kiểm viên phòng VAR.

Vì vậy, để hồ sơ thiết kế của 2 công ty được phòng VAR thẩm định "đạt", Thảo, Dương và Quang đã thống nhất chỉ đạo Lã Thu Chiền đưa hối lộ số tiền từ 2.000.000 đồng đến 2.500.000 đồng/hồ sơ cho các đăng kiểm viên phòng VAR được phân công thẩm định.

Từ ngày 01/03/2019 đến ngày 30/9/2022, Công ty An Bình được thẩm định "đạt" 4.242 hồ sơ và đưa hối lộ tổng số tiền là 10,605 tỷ đồng cho các đăng kiểm viên. Công ty VCAR được thẩm định "đạt" 277 hồ sơ và đưa hối lộ tổng số tiền 554 triệu đồng. Tổng số tiền Công ty An Bình và Công ty VCAR đưa hối lộ là hơn 11,1 tỷ đồng.

Trường hợp khác, các bị cáo Lại Thái Phong, cựu Phó Chánh Văn phòng Cục đăng kiểm đã cùng Nguyễn Minh Tuấn và Lê Đức Thiện tham gia thành lập, quản lý và điều hành hoạt động của Công ty TNHH dịch vụ thiết kế kỹ thuật ô tô Đức Thịnh và Công ty TNHH ô tô Nam Phát (cùng địa chỉ tại số 1 ngõ 63 Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Khi khách hàng có nhu cầu cơi nới, chỉnh sửa xe, 2 công ty này sẽ thực hiện thiết kế cải tạo, thi công cũng như bao hồ sơ đăng kiểm đạt. Phong, Tuấn, Thiện thỏa thuận ăn chia lợi nhuận theo tỷ lệ: Phong và Tuấn mỗi người hưởng 30%, Thiện hưởng 40% từ hai công ty này.

Từ ngày 01/03/2019 đến ngày 30/09/2022, Công ty Đức Thịnh được thẩm định đạt 5.409 hồ sơ và Công ty An Phát được 140 hồ sơ, Lê Đức Thiện trực tiếp đưa hối lộ cho các đăng kiểm viên phòng VAR số tiền 2.000.000 đến 2.500.000 đồng/hồ sơ, tổng số tiền 2 công ty đưa hối lộ là gần 12,5 tỷ đồng.

Hiện Lê Đức Thiện đang bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố, tạm giam về tội Nhận hối lộ. Để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị can, Cơ quan điều tra đã tách hành vi, tài liệu chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ để điều tra, xử lý đối với Lê Đức Thiện.

Lãnh đạo, nhân viên 12 công ty khác cũng được xác định có hành vi đưa hối lộ cho các đăng kiểm viên

Ngoài 4 công ty nói trên, cơ quan tố tụng còn làm rõ hành vi đưa hối lộ của 3 công ty khác, xử lý nhiều bị can có liên quan.

Cụ thể, Công ty cổ phần dịch vụ và kỹ thuật ô tô Tiên Phong tại Hà Nội, do Trần Quốc Tuấn làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật; Mai Văn Quân là người quản lý, chỉ đạo, điều hành đã đưa hối lộ cho các đăng kiểm viên phòng VAR tổng số tiền hơn 11,3 tỷ đồng.

Công ty TNHH thương mại dịch vụ ô tô Tín Phát, tại thành phố Hồ Chí Minh do Huỳnh Văn Thiết, làm Giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Thiết thuê Hà Mạnh Quân làm nhân viên thực hiện việc nhận, nộp hồ sơ thiết kế, đưa tiền hối lộ các đăng kiểm viên phòng VAR tổng số tiền 579 triệu đồng.

Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ ô tô Phát Đạt tại thành phố Hồ Chí Minh do Nguyễn Thị Tâm Thương làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật. Nguyễn Ngọc Hưng là Phó Giám đốc, người quản lý điều hành mọi hoạt động của Công ty Phát Đạt, thuê Nguyễn Công Tùng làm nhân viên thực hiện việc nhận, nộp hồ sơ thiết kế, đưa tiền hối lộ các đăng kiểm viên phòng VAR 185 triệu đồng để hợp thức hóa 87 hồ sơ.

Theo các cơ quan tố tụng, nhóm 7 công ty nêu trên đã được thẩm định "đạt" 15.928 hồ sơ thiết kế cải tạo xe cơ giới, với tổng số tiền đưa hối lộ là hơn 35,7 tỷ đồng.

Đối với các đối tượng liên quan đến 9 công ty thiết kế khác đã được thẩm định "đạt" 10.764 hồ sơ thiết kế cải tạo xe cơ giới, số tiền đưa hối lộ là gần 25 tỷ đồng. Nhóm 9 công ty này đã được các Cơ quan điều tra công an các tỉnh thành khác khởi tố vụ án hình sự, nên Cơ quan điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định tách hành vi và chuyển hồ sơ đến để giải quyết theo thẩm quyền.

Võ Công Thư

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dai-an-dang-kiem-lap-cong-ty-san-sau-bao-tron-goi-dang-kiem-204240718165051154.htm