Đại biểu đề nghị không chuyển thẩm quyền quản lý giấy phép lái xe sang Bộ Công an

Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tại Kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, không chuyển thẩm quyền quản lý giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.

Cụ thể, đề cập về việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép mô tô, ô tô từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an, nhiều đại biểu bày tỏ sự không đồng tình. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Đồng Tháp, còn đặt câu hỏi: Sao phải hành dân như vậy? Cấp giấy phép lái xe thì Bộ Công an còn cấp chứng chỉ hành nghề vận tải lại giao cho Bộ Giao thông Vận tải?”.

Phiên thảo luận của Quốc hội sáng 16/11

Phiên thảo luận của Quốc hội sáng 16/11

Tiếp tục Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 16/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đã tập trung nêu các dẫn chứng, lý lẽ về không đồng thuận với việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ngoài ra, các đại biểu còn cho ý kiến về thẩm quyền cấp giấy phép mô tô, ô tô từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh – Đoàn đại biểu Quảng Trị, cho rằng, từ năm 1995, Bộ Giao thông Vận tải nhận nhiệm vụ quản lý cấp giấy phép lái xe, ô tô từ Bộ công an. Khi đó cả nước có 127 cơ sở đào tạo lái xe. Từ chỗ còn thiếu thốn, tới nay, đã có hơn 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái ô tô và có 135 trung tâm sát hạch lái ô tô - đã được xã hội hóa 100%...

Đại biểu đoàn Quảng Trị nêu, hiện ngành Giao thông vận tải đang có khoảng 2.200 cán bộ công chức viên chức đang đảm nhận công việc này. Trong trường hợp chuyển sang Bộ công an thì việc sắp xếp lực lượng lao động này sẽ như thế nào? Toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật có giá trị hàng nghìn tỉ đồng của ngành Giao thông vận tải có nguy cơ bị lãng phí. Trong khi đó, ngành công an tiếp tục đầu tư trang thiết bị bổ sung, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.

“Trong thực tế, hầu hết các văn bằng, giấy tờ hành chính đều có giả, thậm chí có cả tiền giả. Vậy thì giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, sổ hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân không phải nhiệm vụ ngoại lệ. Do đó, nếu như cứ xuất hiện văn bằng giả, giấy tờ giả, tiền giả đang được quản lý bởi cơ quan này thì lại chuyển sang cơ quan quản lý khác rất không hợp lý, gây rối xã hội. Từ tình hình thực tế và căn cứ nêu trên, tôi đề nghị không chuyển thẩm quyền quản lý giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.

Đề cập tới việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung – Đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên, cho rằng, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chưa tuân thủ một cách đầy đủ theo trình tự thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số chính sách không được đánh giá tác động hoặc được đánh giá tác động ở Báo cáo đánh giá tác động trong hồ sơ để đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đã có sự thay đổi.

Ví dụ, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ở trong Báo cáo đánh giá tác động không chỉ ra bất cập. Đặc biệt là trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ cũng không chỉ ra bất cập để có sự sửa đổi, bổ sung hoặc chuyển cơ quan khác cấp phép đào tạo, sát hạch. Việc này liên quan rất lớn đến hơn 2.000 cán bộ, công chức, viên chức đang thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực này.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung - Đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung - Đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên

“Lực lượng thanh tra giao thông đang gắn liền với giao thông đường bộ thì liệu có tiếp tục tồn tại và thực hiện chức năng của mình nữa hay không? Còn nếu không thì trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và trong Báo cáo đánh giá tác động không thấy đề cập đến việc chuyển lượng thanh tra giao thông làm nhiệm vụ gì, vì vậy cần làm rõ hơn”, đại biểu Đoàn Điện Biên nêu rõ...

Phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, góp ý vào dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), tại Hội trường có 26 ý kiến và 4 tranh luận về dự án Luật này. Các đại biểu tán thành cần sửa đổi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) năm 2008 để đảm bảo an toàn giao thông, cơ sở hạ tầng và kết cấu giao thông hiện hành.

Tại Phiên thảo luận, nhiều ý kiến không đồng thuận với việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vì 2 luật này có sự trồng chéo, trùng lắp.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa luật phải đảm bảo hệ thống giao thông Việt Nam, trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành; đồng thời cần rà soát kỹ về thủ tục hành chính, cấp giấy phép lái xe, sát hạch lái xe... sao cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam so với thế giới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhấn mạnh, các nội dung về giao thông đường bộ cũng như vấn đề sát hạch giấy phép lái xe cũng sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến đối với Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong chiều cùng ngày trước khi xem xét lại các dự án Luật. Đồng thời yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra, soạn thảo dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để chỉnh sửa, bổ sung trước khi Quốc hội tiếp tục xem xét.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dai-bieu-de-nghi-khong-chuyen-tham-quyen-quan-ly-giay-phep-lai-xe-sang-bo-cong-an-115626.html