Đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng chất vấn 4 lĩnh vực mà cử tri quan tâm
Sáng 10/12, dưới sự điều hành của đồng chí Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh là đồng chí K'Mák - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Đa Cát Vinh, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh khóa X đã diễn ra có trọng tâm.
Trước khi vào phiên chất vấn, Thư ký Kỳ họp đã thông qua biên bản tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ về các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.
Bước vào phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Phúc đề nghị: Để phiên chất vấn đạt được kết quả, phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu trước cử tri, góp phần làm rõ những vấn đề mà các vị đại biểu HĐND tỉnh cũng như cử tri trong tỉnh quan tâm, chủ tọa kỳ họp đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh khi đặt câu hỏi cần tập trung nêu rõ, ngắn gọn nội dung cần chất vấn và người được chất vấn. Đại biểu đặt câu hỏi chất vấn có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể về vấn đề chất vấn để làm căn cứ chứng minh và có thêm thông tin để người được chất vấn trả lời đúng trọng tâm. Trường hợp đại biểu không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người đứng đầu sở, ngành trả lời.
Trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, dân chủ, các đại biểu HĐND tỉnh đã đặt câu hỏi ngắn gọn, chất vấn những vấn đề bất cập, tồn tại liên quan đến các lĩnh vực tài nguyên môi trường, xây dựng, đầu tư, nông nghiệp…
Liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, các đại biểu chất vấn về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý tài nguyên, khoáng sản và xử lý rác thải.
Cụ thể, đại biểu đoàn TP Bảo Lộc nêu vấn đề: Hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị cấp chồng, lấn đối với các diện tích đất liền kề chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là việc cấp giấy cho các đơn vị chủ rừng sau thời điểm đã cấp cho người dân. Thời gian qua, ngành tài nguyên và môi trường đã có nhiều chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai. Tuy nhiên, công tác đo đạc, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trên địa bàn tỉnh còn chậm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân. Đặc biệt, nhiều hồ sơ đăng ký đo đạc của người dân bị tồn đọng thời gian dài. Với trách nhiệm của ngành mình, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân của tình trạng này, trách nhiệm của sở và đơn vị có liên quan; giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Đại biểu cũng đề nghị cho biết hướng giải quyết, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép như báo chí nêu; giải pháp về xử lý rác thải tại 2 nhà máy xử lý rác thải tại hiện nay; việc xử lý sai phạm liên quan đến hành vi sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy hoạch, xây dựng trái phép…
Trả lời chất vấn, Quyền Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Trãi đã thông tin về khó khăn, bất cập trong quản lý đất đai, quản lý quy hoạch làm ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư, và tiến độ triển khai một số dự án. Đồng thời, lãnh đạo Sở cũng cho biết đã và đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng đất.
Về bất cập trong xử lý rác thải của 2 nhà máy tại Xuân Trường (TP Đà Lạt) và Đại Lào (TP Bảo Lộc), lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư cho công tác thu gom và xử lý rác thải, nhất là tại 2 thành phố của tỉnh, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.
Về lĩnh vực xây dựng, đại biểu đặt câu hỏi: Chỉ thị 12/CT/TU ngày 11/08/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được triển khai từ năm 2021 đã tạo khung pháp lý rõ ràng và hướng dẫn cụ thể cho các hoạt động quản lý. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao, các vi phạm về trật tự xây dựng và trật tự đô thị giảm dần. Lực lượng chức năng cũng đã tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Điều này đã góp phần hạn chế các vi phạm về trật tự xây dựng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại trong công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị. Một số công trình xây dựng vẫn tiếp tục vi phạm, đặc biệt là các công trình xây dựng không phép...
Liên quan đến lĩnh vực xây dựng, các đại biểu còn chất vấn về mục tiêu thực hiện 800 căn nhà ở xã hội mà lãnh đạo Sở Xây dựng đã hứa và cam kết với đại biểu, cử tri tại kỳ cuối năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Đồng thời, nêu lên thực trạng các tổ chức, cá nhân thuê đất trong khuôn viên biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước có vi phạm pháp luật về đất đai; các dự án đầu tư ngoài ngân sách bị chậm tiến độ, vi phạm quy định về đất đai, đầu tư. Từ đó, đề nghị lãnh đạo Sở Xây dựng xác định trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân để xảy ra những tồn tại hạn chế và xác định những giải pháp khắc phục trong thời gian tới như thế nào.
Trả lời các nội dung chất vấn, Quyền Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng Bùi Quang Sơn tiếp thu và phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; cũng như xác định trách nhiệm của sở và các đơn vị có liên quan, đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục, xử lý tồn tại, hạn chế về những nội dung mà đại biểu nêu.
Trong đó, liên quan đến tình trạng xây dựng trái phép, không phép, sai phép… nhưng chậm phát hiện và xử lý chưa nghiêm, các địa phương, sở, ngành liên quan phối hợp chưa tốt, thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát để xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng tốt hơn.
Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên một số dự án nhà ở xã hội triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn chậm tiến độ; bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư còn hạn chế nên một số dự án chưa được triển khai. Trong thời gian tới, Sở sẽ cùng với chính quyền các địa phương có dự án nhà ở xã hội đang triển khai trên địa bàn và chủ đầu tư tháo gỡ các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án hiện tại; đồng thời, thu hút nhà đầu tư, cũng như lựa chọn và bố trí thêm quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội đạt kế hoạch đã đề ra.
Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Tôn Thiện San lý giải tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp một phần do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, nhất là đối với các dự án có nguồn vốn đầu tư lớn. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công tăng cường phối hợp để thực hiện dự án đúng tiến độ đã đề ra.
Về công tác thu hút đầu tư, lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư thông tin trong năm 2024, toàn tỉnh chỉ thu hút được 3 dự án đầu tư. Trong thời gian tới, Sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi các dự án không thực hiện đúng cam kết; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành để rà soát các quỹ đất, thu hút nhà đầu tư; trong đó, ưu tiên các dự án có tiềm năng.
Bên cạnh nhìn nhận những nguyên nhân khách quan làm chậm tiến độ triển khai dự án, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công như trách nhiệm, trình độ chuyên môn, năng lực của một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công chưa cao, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm của cá nhân và của Sở trong công tác phối hợp với các ngành, địa phương, chủ đầu tư chưa được tốt. Nếu vấn đề này được khắc phục thì trong thời gian tới công tác giải ngân vốn đầu tư công sẽ thực hiện tốt hơn.
Về triển khai thực hiện các dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tôn Thiện San cũng đã nêu một số nhiệm vụ, giải pháp để triển khai dự án theo đúng tiến độ mà tỉnh Lâm Đồng đã đề ra và đã được kỳ họp lần thứ 20 HĐND tỉnh thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 2 dự án này.
Tại phiên chất vấn, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trả lời các nội dung chất vấn liên quan đến các dự án phát triển nông nghiệp bền vững, như nuôi bò, trồng cây dược liệu dưới tán rừng và vấn đề tăng diện tích che phủ rừng; trong đó, nêu những kết kết quả khả quan bước đầu mà các dự án đạt được và đưa ra định hướng mở rộng trong năm 2025.
Sau phần trả lời chất vấn của lãnh đạo các sở, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái đã tiếp thu ý kiến của cử tri thông qua nội dung chất vấn của đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đây là những vấn đề sát thực tiễn, liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, do đó, UBND tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu và triển khai các giải pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc liên quan đến những nội dung mà các đại biểu chất vấn.
Đánh giá về những kết quả đạt được; đồng thời, nhìn nhận thẳng thắn vấn đề khó khăn, hạn chế trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã nêu lên những giải pháp cụ thể để tập trung tháo gỡ những khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch, đặc biệt là vấn đề chồng lấn quy hoạch về đất đai, khoáng sản và các tuyến cao tốc; công tác bảo đảm môi trường; công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, người đứng đầu UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đưa ra các giải pháp về tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để hướng đến phát triển kinh tế xanh và nâng cao chất lượng du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái khẳng định, năm 2025 là cột mốc quan trọng để Lâm Đồng thực hiện các mục tiêu chiến lược, đặc biệt là triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, trong đó có các tuyến đường cao tốc. Do đó, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lâm Đồng quyết tâm đoàn kết vượt qua khó khăn, vươn lên cùng đất nước, vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc Việt Nam.