Đại biểu Quốc hội: Cán bộ có biệt phủ, xe sang từ đất và lụi tàn cũng từ đất
Cảnh báo tình trạng 'cán bộ sự nghiệp chính trị đi lên từ đất và cũng lụi tàn từ đất', ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị cần có cuộc cách mạng về đất đai, nhất là trong sửa đổi toàn diện Luật Đất đai.
Đi lên từ đất và lui tàn cũng từ đất
Thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội tại Quốc hội chiều 15/6, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) dành phần lớn thời gian để nói về những bất cập liên quan đến đất đai.
Theo ông, đất đai là nguồn lực cực lớn của đất nước nhưng lại hữu hạn. Nhờ đất đai mà xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú từ đất. “Nhiều cán bộ có biệt phủ, xe sang, rất giàu, thậm chí giàu nhanh bất thường từ đất. Có cán bộ sự nghiệp đi lên cũng từ đất. Song cũng có không ít người lụi tàn là các đồng chí đã bị lộ, càng làm tăng thêm sự hoài nghi của nhân dân là có cơ sở”, ông Vượt nói.
Dự báo tình hình thời gian tới, ông Vượt cho rằng sẽ có nhiều điểm nóng về khiếu kiện đất đai. Nguyên nhân là do chính sách thu hồi đất để giao cho các doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, “lấy mỡ nó rán nó”, với giá bèo để phân lô bán nền tại các đô thị và địa phương.
“Vấn đề này lây lan như dịch COVID-19 và cũng chưa có thuốc đặc trị”, ông Vượt nói. Đặc biệt, ông cũng cảnh báo về tình trạng các dự án có thể đứng sau là người nước ngoài tiềm ẩn về quốc phòng, an ninh. Nhiều dự án có chung thủ đoạn là ủy quyền lòng vòng với mục đích lừa đảo.
Đặc biệt, theo ông Vượt không chỉ tại đô thi mà ở khu vực miền núi đất đai cũng đang sử dụng lãng phí, không hiệu quả. Một số doanh nghiệp nông lâm trường để hàng nghìn ha cây trồng lay lắt, hàng nghìn ha đất hoang hóa. “Những điều này là bất hợp lý, gây không ít bức xúc, tiềm ẩn âm ỉ những đốm lửa tại nhiều địa phương hiện tại và tương lai”, ông Vượt nêu quan điểm.
Từ đó, ông đề nghị không hỗ trợ và giao đất không thu tiền sử dụng đất với những hộ còn sức lao động, coi đây là chính sách đặc thù. Đồng thời cần có cuộc cách mạng về đất đai, nhất là cần sửa đổi toàn diện Luật Đất đai.
“Đừng mượn bóng ma thế lực thù địch để công kích”
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lưu ý, khi người dân phản ứng với chính sách, hành động của chính quyền thì đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó.
Dẫn lại bài học trong cuộc chiến chống COVID-19 vừa qua, khi nhân dân hưởng ứng, ủng hộ sẽ thắng lợi và không có thế lực thù địch nào có thể phá hoại được, ông Nghĩa nói rằng: “Khi người dân phản ứng với chính sách hành động của chính quyền, cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Vì làm như vậy là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch. Cách làm đó trái với tư tưởng Hồ Chí Minh, tôn chỉ, mục đích của Đảng, Nhà nước", đại biểu Nghĩa nói.
Nhấn mạnh, nếu có “thế lực thù đích” thì phải tìm cho ra để nghiêm trị, song "không nên mượn bóng ma của chúng để công kích những người góp ý cho mình, dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử". "Tôi dám khẳng định không ít trường hợp, ví dụ như trong hội trường Diên Hồng này, nếu có thế lực thù địch thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người quy chụp mà thôi, chứ không ở đâu cả", đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.