Đại biểu Quốc hội: Cần thống nhất một đầu mối quản lý nhập khẩu, kinh doanh hóa chất

Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Hóa chất (sửa đổi), theo đại biểu cần thống nhất một đầu mối quản lý nhập khẩu, kinh doanh hóa chất.

Trước đó, trong phiên thảo luận tại Tổ ngày 08/11 về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội đã tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) bởi đây được xem là một ngành công nghiệp có tính nền tảng cho mọi quốc gia, mọi nền kinh tế, vì thế rất cần phải ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi).

Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) Ảnh: QH

Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) Ảnh: QH

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định thông tin, theo báo cáo phân tích của Oxford Economics năm 2019 ngành công nghiệp hóa chất là lĩnh vực sản xuất lớn thứ năm trên toàn cầu, ước tính 1 USD được tạo ra từ ngành công nghiệp hóa chất, thì sẽ có thêm 4,20 USD được tạo ra ở những lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Tại Việt Nam, trong số 10 ngành công nghiệp lớn nhất cả nước theo phân ngành cấp 2, ngành công nghiệp hóa chất được xếp vào nhóm ngành thứ ba, chiếm tỷ trọng 2-5% GDP của toàn ngành công nghiệp.

"Với vai trò quan trọng như đã nêu, Đảng và Nhà nước đã có định hướng phát triển ngành công nghiệp hóa chất như: Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế, trong đó có ngành công nghiệp hóa chất; ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng"- đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định (Ảnh:QH)

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định (Ảnh:QH)

Để tạo động lực phát triển công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biết đối với các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm và khẳng định, đây là một điểm mới quan trọng của dự thảo Luật. Các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm được liệt kê tại khoản 1 Điều 12 của dự thảo Luật, gồm các lĩnh vực góp phần bảo đảm an ninh lương thực (phân bón hàm lượng cao); bảo đảm an ninh y tế; bảo đảm nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước (hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật…) thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới kinh tế tuần hoàn (sản xuất hydro, amoniac xanh, khu/cụm công nghiệp chuyên ngành).

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho biết, quy mô và tốc độ phát triển của ngành công nghiệp hóa chất chưa tương xứng với vai trò và tiềm năng, nhiều loại nguyên liệu và sản phẩm hóa chất còn phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển mạnh công nghiệp hóa chất như: Có lợi thế về nguồn nguyên liệu để sản xuất hóa chất (quặng apatit, than đá, dầu mỏ, khí thiên nhiên, bô-xít…); có vị trí địa kinh tế- chính trị thuận lợi, bờ biển dài và các cảng nước sâu là điều kiện thuận lợi để phát triển các khu, tổ hợp hóa chất tập trung và trung tâm logistics về hóa chất; là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do, mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư phát triển.

Từ lý do trên, đại biểu để nghị để nhanh chóng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thành ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng cơ bản được nhu cầu của các ngành công nghiệp trong nước. Đồng thời, đề nghị cần có những cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy phát triển ngành này.

Cần thống nhất đầu mối quản lý kinh doanh, nhập khẩu

Liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất, đại biểu cho biết, Luật Hóa chất 2007 và tại dự thảo Luật sửa đổi, trách nhiệm quản lý nhà nước về hóa chất được giao cho các Bộ quản lý tùy theo mục đích sử dụng của hóa chất. Tuy nhiên, do tính đa dụng, một số loại hóa chất có thể được sử dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất khác nhau, vì vậy một loại hóa chất có thể do nhiều Bộ quản lý. Ví dụ, như khí cười (khí Nito dioxit N2O) do Bộ Công Thương quản lý khi sử dụng trong công nghiệp; Bộ Y tế quản lý trong thực phẩm và y tế… Như vậy, sẽ dẫn tới việc chồng chéo trong quản lý vì khi loại hóa chất lưu thông trên thị trường không thể xác định được sử dụng trong lĩnh vực nào (tức là không xác định thực chất mục đích sử dụng của hóa chất).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu (Ảnh: QH)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu (Ảnh: QH)

Mặc khác, theo đại biểu, do mục đích sử dụng khác nhau nên quy định về quản lý hóa chất của mỗi Bộ cũng có sự khác nhau, không đồng bộ. Đại biểu lấy ví dụ trong lĩnh vực công nghiệp, khí N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh, được quản lý chặt chẽ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, mua bán. Tuy nhiên, trong lĩnh vực y tế, N2O thuộc danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong khi kinh doanh, mua bán thủ tục rất đơn giản, doanh nghiệp chỉ cần có bản tự công bố sản phẩm.

Từ việc không đồng bộ nêu trên đã có trường hợp doanh nghiệp lách luật, đăng ký hóa chất sử dụng trong lĩnh vực ít chịu sự quản lý, giám sát hơn, từ đó đưa hóa chất nguy hiểm ra thị trường, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Từ phân tích nêu trên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, một loại hóa chất khi nhập khẩu hoặc lưu thông trên thị trường không thể xác định cụ thể được mục đích sử dụng. Do đó cần thống nhất một đầu mối quản lý về nhập khẩu, kinh doanh hóa chất để đảm bảo không chồng chéo giữa các Bộ và thống nhất chỉ có một quy định quản lý đối với một loại hóa chất và không để xảy ra việc lách luật như đã nêu.

Bổ sung phạm vi thông tin hóa chất

Đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Hóa chất, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã cơ bản đồng tình phạm vi điều chỉnh dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung phạm vi về thông tin hóa chất. Cụ thể, điều chỉnh: “Luật này quy định về hoạt động hóa chất; phát triển công nghiệp hóa chất; thông tin hóa chất; hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm…; quản lý nhà nước về hóa chất ”.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh:QH)

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh:QH)

Liên quan đến giải thích từ ngữ tại Điều 4, đại biểu đề nghị giải thích bổ sung một số từ ngữ: Nguyên tắc hóa học xanh; hóa chất có điều kiện; hóa chất cần kiểm soát đặc biệt và hóa chất cấm.

Đồng thời, tại khoản 4, đề nghị thay cụm từ “phát triển” bằng cụm từ “nghiên cứu”; cụ thể: Chú trọng phát triển nguồn nhân lực khoa học, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Phát triển dịch vụ tư vấn đầu tư và tư vấn kỹ thuật… bổ sung chính sách: Nhà nước đầu tư xây dựng, quy hoạch phát triển công nghiệp hóa chất, xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn hóa chất quốc gia, cơ sở dữ liệu thông tin an toàn hóa chất (theo khoản 2, Điều 6 của Luật Hóa chất hiện hành)…

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-thong-nhat-mot-dau-moi-quan-ly-nhap-khau-kinh-doanh-hoa-chat-360520.html