Đại gia bất động sản nào đang 'ôm' đất Đông Anh?

Bên cạnh những doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Đông Anh (Hà Nội) như Vingroup, Sun Group, BRG, nhiều bên cũng đang ấp ủ kế hoạch tiến vào thị trường này như MIK, Vietracimex...

 Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia thị trường Đông Anh. Ảnh: Việt Linh.

Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia thị trường Đông Anh. Ảnh: Việt Linh.

Tổng công ty Thương mại Xây dựng (Vietracimex) là doanh nghiệp duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới G8 tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Dự án này có diện tích đất gần 45 ha, tổng vốn đầu tư hơn 13.200 tỷ đồng.

Vietracimex là tập đoàn tư nhân, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, thủy điện, năng lượng tái tạo. Trong mảng bất động sản ở Hà Nội, doanh nghiệp này là chủ đầu tư của 2 dự án gồm khu đô thị Hinode Royal Park (tên cũ là Kim Chung - Di Trạch) tại huyện Hoài Đức và dự án căn hộ Hinode City tại quận Hai Bà Trưng.

Loạt doanh nghiệp muốn góp mặt

Phó tổng giám đốc MIK Group Nguyễn Dũng Minh mới đây cũng cho hay sắp tới doanh nghiệp này sẽ tập trung nhiều vào thị trường Đông Anh. Hiện tại, MIK đang tập trung đầu tư các dự án căn hộ tại khu Tây Hà Nội.

Lãnh đạo MIK đánh giá sắp tới, khu Đông Hà Nội, đặc biệt là Đông Anh, sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn trên thị trường bất động sản thủ đô. Đây là khu vực có hạ tầng giao thông phát triển, kết nối tốt với trung tâm thành phố.

Thông tin từ Sở Kế hoạch & Đầu tư cũng cho biết CTCP Đầu tư và thương mại Trung Yên đang là đơn vị duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới G19 tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng. Do chỉ có một doanh nghiệp đăng ký, Sở gia hạn mời đầu tư đến 3/10.

CTCP Đầu tư và thương mại Trung Yên được thành lập năm 2010, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng nhà ở. Công ty hiện là chủ đầu tư một số dự án bất động sản như chung cư Trung Yên Smile Building, Khu phố An Sinh 106 Hoàng Quốc Việt.

 Đông Anh là một trong 2 quận của Hà Nội chuẩn bị lên quận. Ảnh: Việt Linh.

Đông Anh là một trong 2 quận của Hà Nội chuẩn bị lên quận. Ảnh: Việt Linh.

Liên danh Vingroup - Thái Sơn - Long Hải gần đây cũng đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị thông minh - sinh thái tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh (thuộc quy hoạch phân khu sông Hồng). Trong đó, Thái Sơn là công ty con của Vinhomes với tỷ lệ sở hữu 99,8%.

Dự án này có tổng diện tích nghiên cứu khoảng 268 ha, tổng mức đầu tư gần 34.000 tỷ đồng. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là dự án thứ 3 của Vingroup tại Đông Anh.

Trước đó, doanh nghiệp đã khởi công dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia rộng 90 ha. Ngoài ra, Vingroup còn đầu tư gần 35.000 tỷ đồng để triển khai dự án Vinhomes Cổ Loa trên khu đất rộng 261 ha thuộc các xã Xuân Canh, Đông Hội và Mai Lâm.

Tại Đông Anh, Eurowindow Holding cũng đang hiện diện với dự án Eurowindow River Park từ năm 2017. Dự án có diện tích đất 4,2 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.990 tỷ đồng.

BRG, Sun Group đang vướng

Ngoài dự án của Eurowindow Holding, Vingroup đã và đang triển khai, các ông lớn gắn với các đại dự án ở Đông Anh vẫn đang vướng mắc, chủ yếu liên quan đến khâu giải phóng mặt bằng.

Liên danh BRG và công ty Nhật Bản Sumitomo vẫn đang giải phóng mặt bằng cho dự án Thành phố thông minh. Dự án này có diện tích hơn 270 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD. Theo quy hoạch, dự án sẽ có tháp tài chính 108 tầng, hàng chục tòa văn phòng chung cư hỗn hợp, hơn 500 căn biệt thự và nhà liền kề.

Dự án của BRG từng động thổ vào năm 2019, sau đó phải điều chỉnh quy hoạch 1/500. Đầu năm nay, dự án được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Sun Group cũng gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng cho dự án Công viên Kim Quy tại xã Vĩnh Ngọc. Dự án này có diện tích sử dụng đất khoảng 101 ha, tổng mức đầu tư trên 10.,000 tỷ đồng. Sun Group từng động thổ dự án từ năm 2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể triển khai các công đoạn tiếp theo.

Đông Anh là một trong 2 huyện tại Hà Nội sẽ lên quận trong thời gian tới. Hiện tại, địa phương này kết nối với trung tâm Hà Nội qua 2 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng là cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân.

Những năm gần đây, huyện Đông Anh đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp một cách hợp lý.

Với lợi thế về mặt kết nối cùng quỹ đất rộng, Đông Anh được dự báo sẽ là khu vực phát triển mạnh về bất động sản trong thời gian tới, theo sau 2 thị trường cùng thuộc khu Đông Hà Nội là Gia Lâm và Long Biên.

Thủy Tiên

Nguồn Znews: https://znews.vn/dai-gia-bat-dong-san-nao-dang-om-dat-dong-anh-post1500117.html