Đại Hà - xóm điển hình về nhiều mặt

Không chỉ là vùng thâm canh cây chè có tiếng, mức sống của người dân khá cao mà xóm Đại Hà (xã Phú Lạc, Đại Từ) còn là một khu dân cư điển hình về nhiều mặt: Người dân đoàn kết, tích cực đóng góp xây dựng hạ tầng, xây dựng nếp sống văn minh; các gia đình có đám cưới không mời thuốc lá, không tổ chức ăn uống trong đám tang, không có người say rượu trong các dịp hiếu, hỷ…

Trưởng xóm Đại Hà, ông Nguyễn Minh Sang thăm hỏi, động viên một hộ trồng chè trong xóm.

Trưởng xóm Đại Hà, ông Nguyễn Minh Sang thăm hỏi, động viên một hộ trồng chè trong xóm.

Gần 100% cư dân ở xóm Đại Hà là người quê ở huyện Hưng Hà (Thái Bình) lên đây khai hoang xây dựng kinh tế mới từ năm 1976, tên xóm Đại Hà được ghép từ hai địa danh, huyện Hưng Hà và huyện Đại Từ. Thời điểm gia đình di cư lên vùng đất này, ông Nguyễn Minh Sang (Trưởng xóm Đại Hà) mới 13 tuổi. Nhớ lại bối cảnh thời điểm đó, ông Sang kể: Bố tôi (ông Nguyễn Công Chấn) đã vận động rồi tiên phong đưa người dân lên đây khai hoang và là bí thư chi bộ đầu tiên khi thành lập xóm năm 1976. Lúc đó khu này toàn là rừng rậm hoang vu, điều kiện rất khó khăn nên nhiều người nản chí quay về quê cũ, chỉ còn lại 38 hộ bám trụ trong số khoảng 100 hộ lên đây từ đầu. Các hộ ở lại đoàn kết cùng nhau khai hoang trồng chè theo hướng dẫn của cán bộ huyện, trồng lúa nương để lo lương thực trước mắt, mọi người hết lòng tương trợ nhau trong cuộc sống…

Cũng theo ông Sang thì tinh thần đoàn kết cao của người dân Đại Hà được hun đúc từ những năm tháng khó khăn đó. Không những đoàn kết tốt, người dân Đại Hà còn phát huy truyền thống cần cù và năng động trong làm ăn từ vùng quê Hưng Hà. Những cánh rừng rậm rạp hoang vu ngày nào dần được thay thế bằng những nương chè xanh mướt, là nguồn sống chính và cũng tạo nên “thương hiệu” cho xóm Đại Hà. Xóm hiện có 140 hộ dân (450 nhân khẩu) thì có tới 120ha chè chuyên canh, đặc biệt là chất lượng sản phẩm chè ở đây luôn đứng đầu xã và cũng nổi tiếng trong vùng. Từ quê gốc chuyên trồng đay, giờ đây người dân Đại Hà đã trở thành những nông dân có kỹ thuật thâm canh cao về cây chè. Vì vậy mà mức sống của người dân trong xóm cũng cao hơn mặt bằng chung của xã, xóm còn 11 hộ nghèo nhưng phần lớn thuộc diện bảo trợ xã hội.

Diện mạo nông thôn mới của xóm Đại Hà hôm nay được tô điểm bởi những tuyến đường bê tông sạch đẹp, những ngôi nhà khang trang, những nương chè đẹp mắt trải dài từ chân ruộng thấp đến triền đồi cao. Nhiều gia đình có cuộc sống sung túc từ cây chè, điển hình như hộ anh Lê Minh Khuê. Từ khát khao làm giàu, năm 2002, vợ chồng anh Khuê đã mua hơn 5 héc ta đất hoang rồi cần mẫn cải tạo nhiều năm để trồng chè, trồng rừng và các loại cây dược liệu. Riêng chè, mỗi lứa gia đình anh thu được 8 tạ chè búp khô, bán được khoảng 80 triệu đồng…

Cùng với phát triển kinh tế, tinh thần đoàn kết cao, ý thức người dân tốt và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên là những yếu tố giúp xóm Đại Hà trở thành một khu dân cư điển hình về nhiều mặt. Hiện cơ bản các tuyến đường nội xóm (khoảng 2,5km) đã được bê tông hóa do người dân tích cực hiến đất và đóng góp đối ứng. Nhà văn hóa xóm xây mới năm 2018 được coi là khang trang nhất xã, ngoài số tiền hỗ trợ của Nhà nước (120 triệu đồng), người dân đã đóng góp 220 triệu đồng, ủng hộ nhiều ngày công và vật liệu để hoàn thiện. Việc thu nộp các loại quỹ luôn được xóm hoàn thành sớm và đạt kết quả cao. Hoạt động vệ sinh môi trường thường xuyên ở xóm đã trở thành nề nếp, từ sự gương mẫu làm trước của những cán bộ như Trưởng xóm Nguyễn Minh Sang, Bí thư Chi bộ Phan Ngọc Thơm và các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận xóm. Ông Sang cho biết: Ngoài ngày vệ sinh môi trường do xã phát động (19 hằng tháng), vào sáng Chủ nhật hàng tuần, chúng tôi còn đi đôn đốc, nhắc nhở bà con tự vệ sinh, dọn rác trong khuôn viên nhà mình và các khu vực công cộng.

Điều đặc biệt ở xóm Đại Hà là việc xây dựng đời sống văn hóa, hình thành nếp sống văn minh từ những quy định bất thành văn. Từ năm 2000, tất cả các gia đình khi tổ chức đám cưới đều không mời thuốc lá khách đến dự, không có người ở xóm bị say xỉn trong các đám hiếu - hỷ. Khoảng 4 năm trở lại đây, xóm đặt ra quy chế trong đám tang không tổ chức ăn uống cho người ở xóm đến chia buồn, giúp việc; tất cả đều thực hiện hỏa thiêu người quá cố… Những quy ước này dù không được “văn bản hóa” và cũng không có hình thức xử phạt nhưng mọi người dân đều tự giác chấp hành rất tốt.

Có thể nói, những cách làm hay ở Đại Hà đáng để nhiều nơi tham khảo. Cấp ủy, chính quyền xã Phú Lạc cũng đang chỉ đạo nhân rộng một số mô hình, cách làm của xóm này ra toàn xã.

Phương Điền

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/dai-ha-xom-dien-hinh-ve-nhieu-mat-264458-85.html