'Dãi nắng' trên đồi thơm
Dưới trời nắng như đổ lửa, người nông dân vẫn phải leo đồi cặm cụi làm việc. Biết bao mồ hôi đã đổ xuống để cây dứa mọc lên, tạo quả ngọt và 'tiếng thơm' cho cả một vùng đất.
Clip "Dãi nắng" trên đồi thơm
Cây dứa còn được gọi là cây thơm, cây khóm, được trồng nhiều ở các huyện Hà Trung, Yên Định, Thạch Thành, thị xã Bỉm Sơn (cũ), thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Trong các vùng đất này, xã Hà Long ngày nay là mảnh đất cây dứa “nên duyên” và tạo “tiếng thơm” - thương hiệu dứa Hà Long.
Trò chuyện về công việc trồng thơm
Mới khoảng 9 giờ sáng, nhưng mặt trời chói chang, cái nóng như thiêu đốt. Dưới chân đồi chỉ lác đác vài bóng cây đơn tán, không đủ chỗ trú chân tránh nắng. Trên các đồi dứa ngút ngát, nhiều nhóm người đang cặm cụi làm việc.

Ở một quả đồi thuộc thôn 7 (xã Hà Long), một nhóm phụ nữ đang bón phân cho dứa. Các chị cho biết, phải dậy từ 3 giờ 30 đến 4 giờ sáng, tranh thủ ăn sáng xong là leo ngay lên đồi. Lúc ấy, trời cũng vừa hửng sáng. Mọi người phải tranh thủ làm để tránh nắng. Mùa này, nhân công đang tập trung làm cỏ, bón phân cho dứa.

Chị Lê Thị Lựu, thôn Đồng Toàn (xã Hà Long) cho biết, mọi người được chủ đồi dứa thuê làm với tiền công 200.000 đồng/1 buổi sáng, nếu làm cả buổi chiều thì thêm công 200.000 đồng nữa. Quá trình phát triển của cây dứa có nhiều công đoạn phải chăm sóc. Nhờ thế, những phụ nữ lớn tuổi như chị có công ăn việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định.

Sau khi bón phân từ triền đồi này sang triền đồi kia và vòng trở lại, nhóm phụ nữ tranh thủ nghỉ uống nước. Ai nấy mồ hôi nhễ nhại. Tuy đang rất mệt nhưng mọi người đều tỏ ra vui vẻ. Một phụ nữ trong nhóm nói: “Chú có nhớ bài học trong sách giáo khoa hồi xưa không. Có câu mà chúng tôi sửa lại cho hợp cảnh là: Mồ hôi mà đổ xuống đồng/ Dứa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương”.

Anh Đặng Văn Nam, thôn Nghĩa Đụng (xã Hà Long) là một trong những người làm dứa lâu năm, với thâm niên hơn 20 năm. Hiện nay gia đình anh đang trồng 5ha dứa.

Anh Nam kể, trước đây, nghề trồng dứa cũng bấp bênh, khi được khi mất. Ngày xưa, theo cách làm cũ của ông bà, dứa cứ trồng đồng loạt theo vụ nên đến khi đến mùa là cả làng cả xã thu hoạch. Nhiều thời điểm, dứa chất đống, không biết bán cho ai. Ngay cả cách làm, ông bà ngày xưa sau khi thu hoạch quả lứa đầu vẫn để dứa nứt nhánh và thu hoạch thêm các lứa tiếp theo. Với cách làm này, mỗi cây dứa thu được nhiều quả nhưng giá trị các đợt quả sau không cao, quả xấu.

Ngày nay, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên sau khi thu hoạch quả, người trồng sẽ để nứt chồi non. Khi chồi phát triển đủ lớn để tách ra làm giống thì cây mẹ sẽ bị phá bỏ. Đất lúc này cũng được cày xới lại để làm vụ mới.

Anh Nam cho biết, khoảng 3 năm nay dứa được mùa, được giá. Đặc biệt, năm nay giá dứa cao “kịch trần”. Các năm trước, giá dứa cao nhất cũng chỉ đạt 12.000 đồng/kg thì năm nay có thời điểm lên đến 15.000 đồng/kg.

Anh Nam phấn khởi chia sẻ: “Mùa dứa năm nay, năng suất bình quân khoảng 55 tấn/ha. Nhờ được mùa, được giá, nhiều hộ gia đình ở Hà Long thu về tiền trăm triệu, tiền tỷ là bình thường. Đây là số tiền cực lớn mà thế hệ ông bà chúng tôi khó mà tưởng tượng được. Nhưng bây giờ thì ông bà vui lắm, vì đất đai quê mình đã cho con người của ăn của để. Ngay cả con trai tôi, sau khi đi xuất khẩu lao động bên Nhật về cũng ở nhà làm dứa với cha, không muốn đi làm xa nữa”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dai-nang-tren-doi-thom-post804434.html