Đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia công nghệ hàng đầu về nước
Thủ tướng chỉ đạo có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia công nghệ hàng đầu về nước làm việc; mỗi bộ, ngành, địa phương lựa chọn một tổng công trình sư về công nghệ thông tin…

Thủ tướng chủ trì cuộc phiên họp (Ảnh: VGP)
Ngày 20-7, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 họp phiên thứ 3, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Các báo cáo tại hội nghị cho thấy, công tác đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý cho KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã cơ bản hoàn thiện.
Cùng đó, kinh tế số có bước phát triển khá, giá trị xuất khẩu sản phẩm số ước đạt 78,1 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng 45,4% về số lượng và 25,2% về giá trị; 70% người tiêu dùng tại các thành phố lớn đã sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt hằng ngày.
Chính phủ số được đẩy mạnh, triển khai vận hành hiệu quả chính quyền địa phương 2 cấp gắn với phát triển chính quyền số. Xã hội số, công dân số được quan tâm.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phát huy hiệu quả thiết thực thông qua việc mở rộng nhiều tiện ích, tích hợp giấy tờ thiết yếu, cẩm nang số và trợ lý ảo trên ứng dụng VNeID…
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 tại phiên họp
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 - biểu dương nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn, đến nay còn 75 nhiệm vụ chậm tiến độ được giao thuộc trách nhiệm của 9 bộ, ngành; hạ tầng số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế; việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm, mới đạt 18%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công toàn trình còn thấp (mục tiêu đề ra năm 2025 là 80% nhưng mới đạt 39,51%, các tỉnh mới đạt 15,21%)…
Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thiết lập công cụ quản lý trực quan, hệ thống chỉ số (KPI) định lượng để đánh giá các nhiệm vụ được giao liên quan phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo
Về các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn lực để hoàn thành sớm các nhiệm vụ đề ra, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Trong đó, tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả 28 Nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền; vận hành đồng bộ, hiệu quả chính quyền địa phương 02 cấp.
Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chí, quy chế quản lý, chế độ làm việc, đãi ngộ và quy trình tuyển dụng tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng để triển khai các hệ thống chiến lược, các sáng kiến đột phá trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 7-2025;
Cùng đó, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong và ngoài nước; có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc, hoàn thành trong tháng 8-2025.
Mỗi bộ, ngành, địa phương lựa chọn một tổng công trình sư về công nghệ thông tin, một tổng công trình sư về nghiệp vụ phối hợp Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và doanh nghiệp công nghệ để xây dựng kiến trúc và chiến lược chuyển đổi số của bộ, ngành mình.
Thủ tướng giao Bộ Công an đôn đốc các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai 116 cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là 11 cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo Kế hoạch số 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương…
Các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC theo Nghị quyết số 66/NQ-CP, bảo đảm cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết, ít nhất 30% chi phí tuân thủ, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và 100% TTHC được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh trong năm 2025.